Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ứng xử sao với con em giáo viên trong trường

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu năm học mới, giáo viên gặp nhau và cập nhật danh sách các học sinh quậy phá, lười không chịu học bài… Danh sách này được chuyền cho mọi giáo viên, người thì chép tay, người dùng điện thoại thông minh chụp lại để lưu nhớ tên những em được đặc biệt chú ý này. Những giáo viên chưa thể tiếp xúc hết số học sinh trong danh sách đó sẽ tự tìm hiểu thêm nhằm tìm hướng hạn chế những biểu hiện và hành vi chưa tốt của các em. Qua đó phần nào giúp giáo viên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng vượt qua những tình huống sư phạm bất ngờ nhằm mục đích giúp các em đó tiến bộ và giáo viên cũng quản lý lớp tốt hơn.

Nhưng còn một danh sách khác mà ai cũng phải một lần ngập ngừng và hỏi thật kỹ. Đó là các em học sinh có quan hệ thân thuộc với giáo viên trong trường, như là con là cháu hoặc anh em bà con gần… Danh sách này được gửi gắm một cách nhẹ nhàng cùng danh sách học sinh cần quan tâm ở trên. Một số giáo viên thường nói đùa với nhau, rằng đó là “con ông cháu cha”. Bởi, không biết thì thôi, chứ biết đó là con của giáo viên trong trường mà lỡ vi phạm đâu thể trách phạt như học sinh khác được. Các em đó nếu vi phạm kỷ luật hay học tập chưa tốt thường được “xí xóa” một cách âm thầm. Ông bà ta có câu “vuốt mặt phải nể mũi” là vậy. Nếu học sinh là con cháu của giáo viên trong trường được giáo dục tốt, biết tự trọng, tự nghiêm khắc với bản thân và các giáo viên ấy cũng nghiêm khắc với con em họ thì sẽ là niềm tự hào. Còn nếu các em cậy dựa vào giáo viên là người thân thì thường rất khó xử trí, một số huênh hoang tự đắc, một số bắt nạt bạn bè, một số lười biếng ỷ lại…, từ đó gây nên những ngộ nhận đáng tiếc cho các em đó về quyền thế của mình. Tất nhiên số này không nhiều nhưng trường nào cũng có, địa phương nào cũng có… Tâm lý của người giáo viên trực tiếp dạy lớp thường không thoải mái trong những trường hợp như thế này, không biết ứng xử sao cho trọn vẹn.

Vậy nên, để chuẩn bị hành trang cho trẻ bước vào đời, đầu tiên là nơi trường học, các giáo viên có con em trong trường hãy cho trẻ một tâm thế và tâm lý như bao trẻ khác bước vào trường học với suy nghĩ: bản thân các em cũng nhận những biện pháp giáo dục như các học sinh khác nếu sai lỗi. Tuy nhiên, không nên tạo cho trẻ có tâm lý là học tập không tốt sẽ làm xấu mặt cha mẹ, cũng không nên làm trẻ bị áp lực phải giỏi hơn bạn khác, đừng đặt nặng quá sự hoàn thiện cho trẻ. Đơn giản là hãy định hướng và yêu cầu trẻ có trách nhiệm với hành vi của mình.

Minh Quân

Bình luận (0)