Học sinh đang học trên địa bàn quận 8 nhưng không có nơi ở thực tế trên địa bàn quận; Học sinh có nơi ở thực tế tại quận 8 nhưng không học ở quận 8… sẽ được quận 8 phân bổ chỗ học trong đợt 2 tuyển sinh đầu cấp.
Học sinh Trường tiểu học Bông Sao (quận 8) trong giờ học
Ngày 10-5, Phòng GD-ĐT quận 8 đã tổ chức hội nghị công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025. Năm học 2023-2024, quận 8 là 1 trong 3 địa phương tại TP.HCM (bên cạnh quận Tân Bình, TP.Thủ Đức) thí điểm tuyển sinh đầu cấp với bản đồ GIS, phân bổ chỗ học gần nơi cư trú không theo địa giới hành chính phường. Tổng số học sinh trên địa bàn dự kiến huy động ra các lớp tuyển sinh đầu cấp trong năm học là 13.877 trẻ, số trẻ nhập học thực tế là 13.426, đạt tỷ lệ 96,75%.
Năm học 2024-2025, quận 8 ước tính có 13.968 học sinh ra các lớp đầu cấp, tăng 91 em so với năm học trước, tăng chủ yếu ở bậc mầm non với hơn 700 trẻ, lớp 1 tăng 50 trẻ. Riêng lớp 6 giảm 727 trẻ.
Ông Dương Văn Dân – Trưởng Phòng GD-ĐT quận 8 thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn quận
Đối với công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025, quận 8 áp dụng kết hợp bản đồ GIS và nơi ở thực tế của học sinh để phân bổ chỗ học, tạo điều kiện cho học sinh được học trường gần nơi cư trú.
Công tác tuyển sinh được thực hiện theo hình thức trực tuyến trên trang tuyển sinh đầu cấp của thành phố: http://tuyensinhdaucap.hcm.edu.vn, chia làm 2 đợt:
Đợt 1: Tuyển sinh lớp lá, lớp 1, lớp 6 đối với trẻ đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận và có nơi ở thực tế trên địa bàn quận.
Đợt 2: Tuyển sinh đối với trẻ đang học trên địa bàn quận 8 nhưng không có nơi ở thực tế trên địa bàn quận 8; trẻ có nơi ở thực tế trên địa bàn quận 8 nhưng không học ở quận 8; trẻ không chấp nhận kết quả phân tuyến ở đợt 1.
Do việc phân bổ chỗ học dựa vào nơi ở hiện tại của học sinh kết hợp bản đồ GIS, theo ông Dương Văn Dân – Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, nếu thông tin của học sinh không chính xác thì có thể dẫn tới việc học sinh học không đúng nơi. Nhằm đảm bảo quyền lợi học sinh, ông yêu cầu các trường phải cập nhật thông tin nơi cư trú của học sinh thật chính xác, đảm bảo đúng địa chỉ cư trú thực tế của học sinh. Với các lớp cuối cấp, giáo viên chủ nhiệm phải gặp gỡ trực tiếp phụ huynh để nếu phụ huynh có thay đổi nơi ở thì phải đối soát lại, cập nhật chính xác trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong suốt quá trình tuyển sinh, nhà trường không được từ chối không tiếp phụ huynh mà phải hướng dẫn để phụ huynh nắm, hiểu…
Với điểm mới phân bổ chỗ học theo nơi ở hiện tại trong năm học 2024-2025, ông Dân lưu ý phụ huynh phải hết sức cân nhắc việc từ chối không học tập tại trường mà địa phương đã ưu tiên phân bổ cho học sinh trong đợt 1. Nếu chấp nhận tuyển sinh trong đợt 2 thì có thể sẽ có rủi ro mà phụ huynh cần chấp nhận.
Cán bộ quản lý và nhân viên phụ trách công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận 8 tham gia trong hội nghị tập huấn
“Việc tuyển sinh trong đợt 2, tùy theo từng trường hợp cụ thể, Ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp sẽ giải quyết, để làm sao các em có chỗ học. Điều này có thể phá vỡ chuẩn về sĩ số học sinh, song giải quyết được việc học cho các em. Thế nhưng với những trường hợp này, phụ huynh phải hợp tác theo sự phân tuyến của phòng giáo dục. Riêng với kết quả tuyển sinh đợt 1, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ nhập học, nếu kiểm tra nơi ở thực tế của phụ huynh học sinh không đúng với thông tin trên cơ sở dữ liệu thì nhà trường được quyền từ chối không tiếp nhận nhập học”.
Nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều để giữ chân học sinh
Theo ông Dương Văn Dân, quận 8 hiện đang tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều tại các trường học trên địa bàn quận, xây dựng các mô hình điểm, mô hình hay, tạo sức hút với phụ huynh. Mỗi năm, UBND quận dành kinh phí lên đến 30 tỷ đồng để sửa chữa, đầu tư trang thiết bị dạy và học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận.
Dù là địa phương khá khó khăn, nhưng hiện nay mô hình trường tiên tiến hiện đại đã được quận xây dựng ở cả 3 cấp học, với 3 trường ở 3 cấp. Toàn quận có 17/52 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 10 trường mầm non, 4 trường tiểu học, THCS là 3 trường.
“Song song đầu tư cơ sở vật chất, nhiều giải pháp khác cũng được quận tính đến, như luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý phù hợp, sáp nhập trường nhỏ lẻ để tăng hiệu quả quản lý, thu hút nguồn lực, đội ngũ… Khi đã giữ chân được phụ huynh học sinh của địa phương học tập tại địa phương thì cũng là cách hạn chế xáo trộn trong tuyển sinh đầu cấp” – ông Dương Văn Dân nhìn nhận.
Năm nay, TP.HCM lần đầu tuyển sinh đầu cấp bằng tiêu chí “nơi ở hiện tại” của học sinh khi phân bổ chỗ học, thống nhất toàn thành phố về thời gian tuyển sinh và cổng dữ liệu tuyển sinh. Với điểm mới này, TP.HCM hướng đến tạo điều kiện để học sinh được học trường gần nhà, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục của từng quận, huyện…
“Muốn giữ chân được học sinh thì chính từng địa phương phải cao chất lượng giáo dục, rèn luyện học sinh, cạnh tranh với các địa phương khác. Ví dụ, ở địa phương mà có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp thì phụ huynh học sinh sẽ có khi sẽ chấp nhận đi xa sang địa phương khác để con em mình học tập nhưng được học 2 buổi/ngày, có bán trú giúp phụ huynh thuận tiện đi làm. Như vậy, chỉ có thể bằng chất lượng giáo dục mới có thể giữ chân được phụ huynh…” – một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM thẳng thắn.
Yến Hoa
Bình luận (0)