TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – giải đáp những băn khoăn của học sinh Trường THPT Ngô Quyền trong chương trình tư vấn “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức
|
Có không ít thí sinh (TS) học lực khá nhưng vẫn rớt ĐH vì sai lầm khi chọn trường có điểm chuẩn cao để thi; trong khi cùng một ngành nhưng điểm chuẩn của nhiều trường chỉ ở mức điểm sàn hoặc cao hơn một chút.
Một trong những lý do khiến nhiều TS chọn trường danh tiếng là suy nghĩ khi tốt nghiệp sẽ được nhà tuyển dụng chú ý hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia tư vấn tuyển sinh nhiều kinh nghiệm cho rằng: TS nên chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của mình.
Chọn trường theo top
Học lực chỉ ở mức khá nhưng bố mẹ lại muốn N.T (quê ở Nghệ An) thi vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, vì nghĩ đây là một trong những trường danh tiếng nhất ở Hà Nội. Chiều lòng bố mẹ, cả năm học lớp 12, N.T đã cố gắng học chăm chỉ, nhiều lúc thức trắng đêm để ôn bài nhưng cuối cùng em vẫn thi rớt vào ngành tài chính ngân hàng của trường này. N.T chỉ đạt 18 điểm trong khi ngành tài chính ngân hàng lại lấy 24 điểm (năm 2012). Nhiều bạn bè tiếc cho T., nếu em chọn những trường thuộc top giữa như ĐH Thương mại, ĐH Ngoại thương… thì chắc chắn đậu với số điểm này.
Năm học trước, trong buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Gia Định (TP.HCM), một em học sinh thắc mắc: “Em muốn thi ngành kinh tế nhưng năng lực học tập của em chỉ đạt loại khá. Trong khi đó, điểm đầu vào của các trường “hot” như ĐH Ngoại thương TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM) đều có điểm rất cao. Vậy em nên thi vào trường ĐH nào?”.
Bàn về vấn đề này, ThS. Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh – sinh viên, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Tùy theo năng lực, các em lựa chọn trường phù hợp nhất để thi. Hiện khối ngành kinh tế có rất nhiều trường đào tạo, các em nên chia thành 3 top, nhóm trường ĐH thuộc top lấy từ 18 điểm trở lên (dành cho học sinh giỏi), các trường thuộc top giữa lấy điểm từ 16-18 (học lực khá) và các trường ĐH thuộc top dưới có điểm chuẩn bằng điểm sàn (học lực trung bình) để thi. Ngoài ra, nếu không thi đậu ĐH thì các em có quyền xét điểm ở các trường CĐ hoặc học trung cấp rồi sau đó liên thông lên ĐH”.
Không quá quan trọng chuyện bằng cấp
Cùng một ngành nhưng chương trình đào tạo, bằng cấp giữa các trường có gì khác nhau và tốt nghiệp trường nào dễ xin việc làm nhất là điều mà rất nhiều học sinh đặc biệt quan tâm. Em Nguyễn Thanh An, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền (Q.7), phân vân: “Ngành tài chính ngân hàng nếu đào tạo ở hai trường thì chương trình có khác nhau hay không? Khi ra trường, đi học những trường thiên về tài chính sẽ dễ xin việc hơn đúng không?”. Một câu hỏi tương tự: “Giáo trình của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Sài Gòn có gì khác nhau? Tại sao Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển ít hơn nhưng lấy điểm chuẩn cao hơn Trường ĐH Sài Gòn? Bằng của trường nào sẽ có giá trị hơn?”.
Với những câu hỏi như vậy, các chuyên viên tư vấn đều cho rằng các trường ĐH đào tạo cùng một ngành có chương trình, nội dung về cơ bản là giống nhau. Tuy nhiên, chuyện xin việc dễ hay khó phần lớn là do việc học hỏi kinh nghiệm thực tế cũng như những kỹ năng mềm của sinh viên chứ chưa hẳn phải có bằng cấp ở các trường danh tiếng mới có việc làm.
TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, giải thích: “Luật Giáo dục ĐH cho phép các trường tự chủ về chương trình đào tạo, chỉ dựa trên chuẩn đầu ra. Do đó, các trường có các chương trình đào tạo khác nhau, giảng viên cũng có thể chọn các giáo trình khác nhau nhưng dựa trên chuẩn đầu ra chung, phải đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tìm việc dựa trên bằng cấp chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ vì doanh nghiệp sẽ yêu cầu thêm nhiều yếu tố”.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Hiện Nhà nước có chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm để có thể tuyển được người giỏi. Không thu học phí nên trường chỉ đào tạo đúng chỉ tiêu tuyển sinh Nhà nước giao, trong khi các trường khác học phí là nguồn thu cho trường nên sẽ tuyển nhiều hơn để có nguồn kinh phí hoạt động. Về chương trình đào tạo, không bắt buộc một ngành chỉ có một trường đào tạo bởi sẽ không thể đủ cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước, vì thế, một ngành sẽ do nhiều trường đào tạo. Chẳng hạn như ngành tài chính ngân hàng có nhiều trường đào tạo, các chương trình đào tạo ngành này ở các trường sẽ giống nhau về cơ bản, đặc biệt là trong khối kiến thức đại cương phải tuân thủ theo chương trình khung, còn phần chuyên ngành tùy theo đội ngũ, năng lực giảng viên mà một số chuyên ngành có thể khác nhau. Đối với bằng cấp, về mặt pháp lý không có sự phân biệt nào, dù là các trường ĐH công lập hay ngoài công lập. Hiện các cơ sở tuyển dụng lao động không căn cứ nhiều vào bằng tốt nghiệp ĐH mà chủ yếu dựa trên năng lực, kỹ năng… của sinh viên”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Đối với bằng cấp, về mặt pháp lý không có sự phân biệt nào, dù là trường ĐH công lập hay ngoài công lập. Hiện nhiều cơ sở tuyển dụng lao động không căn cứ vào bằng tốt nghiệp ĐH mà chủ yếu dựa trên năng lực, kỹ năng… của sinh viên”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa phân tích. |
Bình luận (0)