Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cử nhân thực tập nghề… bê nước, pha trà

Tạp Chí Giáo Dục

Thực tập là thời điểm bước đầu để sinh viên vận dụng những kiến thức đã học ở trường vào thực tế công việc. Thế nhưng không ít sinh viên lại được trải nghiệm làm nhân viên quét dọn, pha trà… trong kỳ thực tập của mình.

Thực tập bê nước pha trà

Ra trường hơn một năm nhưng đến giờ, Nguyễn Quốc Hoàng, cử nhân Kinh tế tốt nghiệp ĐH tại TPHCM (đề nghị không nêu tên trường) vẫn chưa hết ám ảnh về kỳ thực tập của mình. Xin vào thực tâp tại công ty con thuộc một tập đoàn kinh tế có tên tuổi hoành tráng, Hoàng rất háo hức và sẵn sàng để thể hiện năng lực của mình.

Ngày đầu tiên lên công ty, Hoàng có hàng loạt việc để làm do những nhân viên trong phòng giao. Nào là pha nước trà, quét dọn văn phòng, đổ rác, khi có khách đến thì Hoàng được chỉ ra ngoài… trông xe. Hoàng cứ tưởng chỉ vài ngày đầu làm quen nhưng cả tháng trôi qua vẫn từng đó việc cho cậu, việc tích cực nhất có thể kể đến là photo tài liệu. Chưa kể cậu liên tục bị các anh chị trong phòng nhờ chở đi gặp mặt khách nhưng đến nơi thì cậu phải đứng ngoài chờ hàng giờ đồng hồ…

Không ít SV đi thực tập phải kham những công việc không liên quan đến chuyên môn.

Vô cùng chán nản nhưng Hoàng cố chịu, bề ngoài lúc nào cũng phải tỏ vẻ vui cười, chấp nhận cho qua kỳ thực tập vô bổ.

“Tôi rất háo hức với kỳ thực tập, cứ nghĩ mình sẽ làm được thật nhiều việc. Kết quả đạt được sau thời gian đó là tôi biết cách pha trà và một bảng nhận xét khả năng chuyên môn… xuất sắc từ công ty cho dù tôi không được làm bất cứ công ty gì liên quan đến chuyên môn”, Hoàng bức xúc.

Phan Hồng Hoa, SV trường CĐ B cũng choáng váng khi ngày đầu cô đến thực tập chị trưởng phòng còn nói với cô nhân viên dọn dẹp từ nay không phải dọn phòng này nữa vì có… Hoa làm. Thế là sáng nào Hoa cũng phải đến từ sớm lau dọn phòng, chuẩn bị nước nôi cho mọi người.

Hoa trở thành tay sai vặt khi mọi người mở miêng là gọi ngay tên cô: "Em Hoa bận gì không nhỉ?". Khổ nhất với cô nữ sinh là trưa nào cũng được giao nhiệm vụ đi mua cơm hộp cho cả chục người trong phòng. Nhưng không phải anh chị nào cũng nhớ để trả lại tiền mà Hoa lại không dám hỏi…

Chưa kể, nhiều người con người còn liên tục nhờ Hoa mua nhiều thứ khi thì trái cây, sữa chua… Rồi việc riêng như khi đi mua sắm, đi bệnh viện, đón con… cũng có người cũng nhờ em SV thực tập “nhiệt tình” nên Hoa lúc nào cũng “âm” tiền. Vui nhất là có chị trong phòng thấy Hoa chăm chỉ, chịu khó còn đề nghị Hoa đến nhà trông cháu nhỏ giúp, chị sẽ trả lương làm Hoa phải tìm cách từ chối.

“Ba tháng ròng rã như vậy mình muốn xin nghỉ nhưng lại sợ động chạm tới mọi người, ảnh hưởng kỳ thực tập nên phải nhịn hết cho xong”, Hoa nói.

Xả láng trong kỳ thực tập

Việc chuyên môn không được tiếp xúc, có SV còn gặp cảnh oái oăm hơn vì đến cơ hội bê nước pha trà cũng không có… nếu doanh nghiệp đó không có nhu cầu. Họ mang tiếng là đi thực tập nhưng thời gian lại vô cùng rảnh rỗi khi chỉ lên công ty một vài buổi rồi sau đó nghe lời đề nghị… không phải lên, thích làm gì cứ làm cuối kỳ sẽ có số liệu cần thiết và nhận xét đầy đủ.

L. T. Hiền, SV Trường ĐH T kể về trường hợp của mình khi đi thực tập tại một công ty lớn, có đông SV từ các trường đến thực tập. Đến nơi, thấy cường độ làm việc của mọi người, Hiền thấy mình như người thừa, chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Công ty này đặt ở một tòa nhà lớn, mọi việc như thu dọn vệ sinh, nấu ăn đều có người phục vụ tại chỗ nên… SV có muốn bày tỏ sự chăm chỉ cũng không có cơ hội.

Sinh viên cần chủ động hơn trong kỳ thực tập của mình. Trong ảnh: SV trao đổi với chuyên gia tuyển dụng về quá trình thực tập, làm việc tại công ty.

Được một tuần, chị quản lý nhân sự gọi Hiền và một số SV thực tập khác cho phép nghỉ, hàng ngày không phải lên công ty. Nếu cần cuối kỳ sẽ cho các bạn SV thực tập đứng tên trong các dự án của công ty… để nhận kết quả. Dù muốn dù không, cả nhóm SV thực tập đành dắt nhau ra về, 3 tháng sau quay lại xin thông tin làm báo cáo và lấy bản nhận xét.

Ng. H. Vũ, SV ngành kỹ thuật điện Trường Đ kể, cậu đi thực tập tại một công ty điện lực theo giới thiệu của nhà trường cùng 3 SV khác. Trước ngày thực tập, nhóm liên hệ lên gặp mặt thì người phụ trách cho biết, công ty ai cũng bận, không có thời gian để… tiếp đón SV, khi nào có việc sẽ liên hệ.

Chờ hoài không thấy ai liên lạc, Vũ lên tận nơi để gặp mặt thì… được giao việc ngồi kiểm tra khách ra vào văn phòng trong khi chuyên ngành của cậu là kỹ thuật điện. Được vài ngày, Vũ lại nghe yêu cầu không phải lên công ty nên sau đó cậu ôm đồ về quê gần 4 tháng trời mới quay trở lại.

“Nhiều bạn đi thực tập cùng mình còn không biết mặt mũi công ty thế nào cho đến thời gian cuối khi lên xin số liệu”, Vũ nói.

Nhiều SV cho rằng SV đi thực tập.. như đi chơi chủ yếu rơi vào những SV trước đó chưa có những trải nghiệm bằng những việc làm thêm họ hoàn toàn bị động khi đối diện với kỳ thực tập. Bên cạnh đó, nhiều SV chưa thật sự coi trọng kỳ thực tập, chỉ muốn hoàn thành cho xong.

TS. Lê Tấn Bửu – Trưởng khoa Thương mại – Du lịch – Marketing, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho hay, với nhiều SV, thực tập là lúc “xả hơi” vì thời điểm này không ai quản lý các bạn, nhà trường cũng không doanh nghiệp cũng không. Nhiều bạn không biết rằng đây là thời điểm quan trọng để thiết lập mối quan hệ, rèn luyện kỹ năng và ứng dụng các kiến thức mình đã học.

Ngoài ra, hiện nay chưa nhiều doanh nghiệp chú trọng đến việc đào tạo nhân lực ngay từ đội ngũ SV thực tập. Họ chưa tin tưởng ở SV, có nơi còn e ngại SV có thể làm xáo trộn công việc nên chỉ tiếp nhận SV đến thực tập về hình thức mà chưa tạo điều kiện cho SV va chạm thực tế.

Để tránh phải làm công việc như nhân viên vệ sinh, không dính dáng tới chuyên ngành trong quá trình thực tập, giám đốc một công ty đào tạo nhân sự chia sẻ, trước hết SV cần phải chủ động tìm hiểu về nơi mình sẽ thực tập và trước đó đã phải có nhiều lựa chọn từ nhiều công ty.SV cũng đừng chăm chăm xin vào các công ty lớn chỉ vì để có kết quả báo cáo "oai" mà không lường được khả năng của mình vì một số nơi quy trình làm việc chặt chẽ, SV chưa thể hiện được mình rất khó để người khác tin tưởng giao việc.

Ngoài ra, SV phải mạnh dạn trao đổi, thỏa thuận với người phụ trách về mong muốn, công việc mình sẽ làm với tinh thần khiêm tốn và học hỏi. Nếu thấy không khả quan thì nên xin chuyển chỗ thực tập để không lãng phí thời gian này.

Hoài Nam
(Dân trí)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)