Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Tự tạo cơ hội: Nuôi cá sặt trên sông

Tạp Chí Giáo Dục

Tận dụng nguồn nước của dòng sông Trường Giang để làm lồng bè nuôi cá sặt, ông Lê Minh Hải (Quảng Nam) đã thành công và thu về hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Tình cờ xem truyền hình thấy mô hình nuôi cá sặt của một số hộ dân ở tỉnh Long An mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hải (42 tuổi, ở thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành) đã suy nghĩ và tận dụng dòng sông Trường Giang để làm lồng bè nuôi thử nghiệm. Năm 2013, đích thân ông vào tận Nha Trang để mua 1.000 con cá sặt giống về nuôi. Ông làm lồng bọc lưới ni lông rộng chừng 30 m2, cao khoảng 3 m và thả nuôi ở vùng hạ lưu sông Trường Giang.

Ông Hải kiểm tra cá sặt chuẩn bị xuất bán. /// Ảnh: Mạnh Cường
Ông Hải kiểm tra cá sặt chuẩn bị xuất bán. Ảnh: Mạnh Cường

“Khi bắt tay vào nuôi, do chưa có kinh nghiệm cũng như chủ quan nên mùa mưa lũ năm 2013 lồng bè cá sặt với hơn 1.000 con bị cuốn trôi. Vụ cá năm đó gia đình tôi điêu đứng”, ông Hải kể. Sau khi thất bại mẻ cá đầu tiên, ông đã tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và tích cực tham quan, học tập rồi rút ra một quy trình nuôi cá cho riêng mình.
Theo ông Hải, cá sặt được mệnh danh là “chúa tể” loài thủy sản vùng sông rạch. Cá rất hung dữ và ngư dân không dễ đánh bắt được. Nhưng mấy năm trở lại đây ông cảm thấy nuôi cá sặt đã dễ hơn, lại ít tốn công chăm sóc. Thức ăn chủ yếu là cá tạp xắt nhỏ, trung bình 4.000 con cá sặt có thể ăn hơn 40 kg cá con mỗi ngày. “Ban đầu tôi chỉ nuôi với diện tích nhỏ và số lượng ít, sau khi mẻ cá thứ hai thành công và nhận thấy việc nuôi cá sặt thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi quyết định mua thêm con giống và mở rộng diện tích lồng bè để nuôi cá. Năm ngoái, giá cá sặt bán 60.000 đồng/kg, năm nay thương lái mua tới 85.000 đồng/kg mà cũng không có cá để bán”, ông Hải kể.

 
 
Bạn đọc có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi cá sặt, liên hệ ông Lê Minh Hải theo địa chỉ trên, hoặc điện thoại 01677407379.

 
Sau gần 5 tháng nuôi, cá có trọng lượng khoảng 700 gr – 1 kg là có thể xuất bán. Mỗi năm ông xuất bán hai đợt, mỗi đợt từ 2 – 3 tấn cá, với giá dao động từ 85.000 – 100.000 đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí con giống và thức ăn, ông đã có lãi gần 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông đang thả 4.000 con cá sặt đang trong thời kỳ xuất bán. “Cá năm nay được giá một phần do tâm lý người tiêu dùng ngại ăn cá biển (do thông tin cá chết ở các tỉnh miền Trung). Hơn nữa, cá sặt nuôi trong lồng sống trong môi trường sông nước, lại ăn toàn mồi cá tươi sống nên chất lượng thịt cá không kém là bao so với cá sặt ngoài tự nhiên. Do vậy người tiêu dùng dần dà ưa chuộng cá sặt nuôi lồng hơn so với trước”, ông Hải lý giải về nguyên nhân cá sặt năm nay được giá.
Với kinh nghiệm gần 3 năm nuôi cá sặt trong lồng bè, ông Hải chia sẻ, nuôi cá trong lồng bè tuy không sinh trưởng nhanh bằng cá ngoài tự nhiên nhưng mình có thể chủ động được nguồn nước và di dời cá dễ dàng hơn khi mùa mưa lũ về, đồng thời xử lý nhanh các trường hợp bệnh tật về cá nên ít rủi ro. Khi nuôi, phải thường xuyên theo dõi biến động của nguồn nước, để tránh nguồn nước bị ô nhiễm gây chết cá.
Nhờ nuôi cá sặt trong lồng bè, đến nay gia đình ông Lê Minh Hải đã thoát nghèo, trở thành hộ khá giả.

Mạnh Cường (TNO)

 

Bình luận (0)