Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Để khen thưởng trở thành “thần dược”

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên đừng “tiết kiệm” lời khen dành cho học sinh. Ảnh: N.Trinh

Khen thưởng là một trong những phương pháp kích thích sư phạm đang được các giáo viên và cả phụ huynh sử dụng để làm cho học sinh, con em cảm thấy vui sướng, phấn khởi; tạo ra một tâm lý tích cực ở bản thân, làm cho các em cảm thấy tự hào về khả năng của mình để từ đó cố gắng phát huy nó.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc khen thưởng cũng trở thành “thần dược” như trên. Do đó, khen thưởng đòi hỏi phải có những “bí quyết” riêng của nó. Nếu sử dụng không đúng cách, nó cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi, tác động xấu đến người được khen thưởng.
1. Có thể nói công bằng và khách quan là tiêu chí đầu tiên trong bất cứ một lĩnh vực nào nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng. Tuy nhiên, công bằng và khách quan trong khen thưởng hiện nay lại là một vấn đề đáng phải quan tâm. Khen thưởng ở đây không chỉ là việc cấp bằng khen, giấy khen, thưởng tiền hay hiện vật mà nó còn là việc tỏ thái độ đồng tình, biểu dương, ủng hộ, có lời khen, tuyên dương… đối với việc làm tốt một cách trực tiếp hay gián tiếp. Với thực tế hiện nay, không ít giáo viên sử dụng hình thức khen thưởng cho một hay một số học sinh trong lớp chủ nhiệm như một “chiêu trò” nhằm mục đích tạo nên thành tích xuất sắc cho lớp, cạnh tranh thi đua cùng các lớp khác trong khi những học sinh đó vốn không đáng được khen thưởng. Ngoài ra, khi giáo viên “cảm” một học sinh nào đó, khi giữa giáo viên và phụ huynh hình thành một mối quan hệ thân thiết, khi giáo viên chịu sự tác động từ vị thế, chức quyền của phụ huynh… đều làm cho việc khen thưởng học sinh của mình trở nên mất đi tính khách quan và công bằng. Một mặt, nó làm cho các em được khen thưởng cảm thấy không xứng đáng hoặc có tâm lý “trò cưng”, mặt khác nó làm cho các em không được khen thưởng cảm thấy bất công vì cô giáo thiên vị. Từ đây, các em sẽ không còn biết cố gắng để nhận được khen thưởng. Đó là một hậu quả không đáng có cho những điều tưởng như vô cùng nhỏ nhặt.
2. Khen thưởng không chỉ đánh giá kết quả hành động mà còn chú ý đến cả động cơ và phương thức để đạt được kết quả đó.
Đây cũng là một trong những lỗi hết sức quan trọng mà giáo viên và phụ huynh phải thật sự cân nhắc khi sử dụng phương thức khen thưởng. Đa phần giáo viên hiện nay tiến hành khen thưởng học sinh khi thấy rằng các em đã đạt được một kết quả xuất sắc mà không hề chú ý đến việc các em thực hiện kết quả đó xuất phát từ động cơ nào. Nó có phải là động cơ đúng đắn hay không? Học sinh sử dụng phương thức nào để đạt được kết quả đó. Nó có phải là phương thức đúng đắn hay không?
Mỗi học sinh có một trạng thái nhân cách đã được hình thành sẵn, một trình độ nhận thức riêng, không có em nào giống em nào cả. Chính vì vậy, nếu việc khen thưởng chỉ dừng lại ở việc xem xét kết quả cuối cùng thì liệu có còn công bằng cho các em? Giữa một học sinh yếu kém cố gắng phấn đấu vươn lên thành học sinh khá và một học sinh luôn giữ vững thành tích học tập giỏi thì ai đáng được khen thưởng hơn? Giữa một em học sinh mang nặng các “vết nhơ” về bạo lực học đường cố gắng rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức để trở thành học sinh nói không với bạo lực học đường và một học sinh từ nhỏ vốn đã ngoan thì ai đáng khen hơn? Cùng một kết quả đạt được là trở thành một học sinh giỏi nhưng có em đạt được nó bằng sự chăm chỉ, bằng ý chí quyết tâm của bản thân nhưng lại có em đạt được bằng sự gian lận, bằng mối giao hảo… Từ những điều trên đây chúng ta thấy được rằng việc sử dụng phương thức khen thưởng một cách khách quan, công bằng không phải là dễ dàng, đặc biệt là khi khen thưởng chỉ dựa vào kết quả hành động mà không chú trọng đến cả động cơ và phương thức để đạt được kết quả.
3. Khen thưởng phải kịp thời, đúng lúc, đúng chỗ. Từ xưa ông bà ta đã nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tuy nhiên hiện nay cũng có không ít giáo viên lẫn phụ huynh vẫn “tiết kiệm” lời khen của mình dành cho trẻ mà không đánh giá hết hiệu quả của “thần dược” này. Bên cạnh đó cũng có nhiều giáo viên và phụ huynh tỏ ra vô cùng hào phóng khi khen trẻ. Khen thưởng phải kịp thời, đúng lúc và đúng chỗ. Nếu “tiết kiệm” thì trẻ sẽ không có động lực để hành động và nếu quá hào phóng thì lời khen sẽ mất đi giá trị vốn có của nó, trẻ sẽ không còn hào hứng, sung sướng khi nhận được lời khen.
Mỗi nhà giáo dục đều nắm giữ trong tay mình một vũ khí lợi hại đó là ngôn ngữ. Khi sử dụng phương thức khen thưởng một cách đúng đắn thì nó sẽ trở thành thứ “thần dược” có tác dụng vô cùng to lớn trong việc giáo dục các em. Bên cạnh đó, một điều mà tất cả các giáo viên, các bậc phụ huynh cần chú ý hơn cả đó là thái độ khi khen thưởng các em. Một sự khen thưởng bằng tấm lòng, bằng sự tự hào và một tình cảm chân thành nhất chính là “bí quyết” để sử dụng phương thức này thành công.
Nguyễn Thị Diễm My
(Học viên cao học chuyên ngành tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)