Phụ huynh nên gieo cho trẻ một thói quen tốt. Ảnh: N.Trinh
|
Xuất phát từ quan niệm “con hát, mẹ khen hay”, “con mình là nhất”, “con là trung tâm của vũ trụ”… nên không ít bậc phụ huynh đã bênh con chằm chặp bất kể con sai hay đúng.
Cha mẹ là người có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành và hoàn thiện nhân cách của trẻ. Do đó cha mẹ nào cũng muốn con ngoan ngoãn và trưởng thành. Vậy mà khi con phạm lỗi với bạn thì rất ít khi cha mẹ thừa nhận khuyết điểm của con, thậm chí còn viện đủ lý do để đổ lỗi cho đứa trẻ khác đồng thời tìm mọi cách để minh oan cho con là đúng.
Bênh con mọi lúc, mọi nơi!
Em Thế Phong (16 tuổi, ở Long Khánh, Đồng Nai) là đứa con cầu, con khấn của ông bà Hải. Trước đây, ba mẹ Thế Phong lấy nhau gần chục năm mà vẫn “không có gì”. Đi đủ thầy đủ thuốc bà Hải mới sinh được con. Với ông bà, Thế Phong là hoàng tử, là niềm tự hào, hy vọng của gia đình. Do đó em rất được ba mẹ cưng chiều, thương yêu và thường bênh vực mọi lúc, mọi nơi. Khi thầy cô, họ hàng và hàng xóm than phiền em có những biểu hiện thiếu lễ phép, gặp người lớn tuổi không thèm chào hỏi; thấy người nhỏ yếu hơn thì ăn hiếp, gây gổ, đánh lộn… thì ngay lập tức bà Hải giãy nảy: “Các anh chị bảo sao chứ cháu đi học suốt ngày, ở nhà thì nó chăm chỉ, hiền lành. Chắc mọi người đặt điều vì ganh tị với con tôi chứ gì”. Góp ý vài lần mà thấy ông bà Hải cứ bênh con ra mặt nên mọi người đành im lặng. Cho đến một hôm, công an vào nhà bắt Thế Phong vì tội đánh người gây thương tích thì ông Hải mới tá hỏa “thì ra cậu ấm nhà mình lại hư hỏng thế!”. Còn bà thì xông vào níu con lại và chửi mắng mọi người “hay là các chú bắt nhầm người, con tôi ngoan lắm kia mà!”.
Có không ít phụ huynh sẽ phải bối rối khi trẻ có những biểu hiện khiến họ đau lòng, mà nguyên nhân sâu xa là việc họ coi “con mình là nhất”. Đó cũng là điều mà chị Mai Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thấm thía khi giáo dục con gái mình – Hằng Nga (5 tuổi). Cách đây mấy hôm, trong lúc cả lớp đang ngủ thì Hằng Nga lén lấy quyển truyện tranh của Mai Tâm – bạn cùng lớp. Khi tan học, Mai Tâm mách lại với mẹ. Sẵn gặp chị Mai Anh, mẹ của Mai Tâm đến bắt chuyện và nhẹ nhàng góp ý. Đáp trả những lời góp ý khéo léo đó, chị Mai Anh tỏ ra giận dữ vì con mình bị cho là ăn cắp đồ của bạn. Thay vì lắng nghe đầu đuôi câu chuyện để phân biệt đúng sai, chị lớn tiếng cho rằng con mình không bao giờ lấy cắp của ai và dằn mặt: “Chị không được hồ đồ, đổ oan cho con tôi…”. Trước lý lẽ của chị Mai Anh, mẹ của Mai Tâm và nhiều phụ huynh chứng kiến sự việc không khỏi bất bình.
Từ một quyển truyện tranh lấy cắp của bạn được mẹ dung túng, em Hằng Nga thản nhiên tiện tay lấy cây bút, đồ chơi và tiền của bạn mà trong suy nghĩ non nớt của em vẫn cho rằng đó là việc làm đúng và luôn được mẹ ủng hộ. Hai tuần sau, đích thân cô giáo đã mời chị Mai Anh vào làm việc sau khi phát hiện Hằng Nga nhiều lần lấy cắp đồ của bạn. Cô giáo cũng phân tích cho chị Mai Anh hiểu việc chị đồng tình và bênh vực con một cách mù quáng đã khiến bé nghĩ rằng việc làm của mình đúng và tiếp tục làm việc đó dù rằng thực tế đó là một việc làm hoàn toàn sai.
Hãy công minh trong mọi tình huống!
Cha mẹ không thể bên con suốt đời và cuộc sống vốn nhiều biến động nên dù yêu thương vô bờ bến, cũng sẽ đến lúc cha mẹ chỉ bảo cho con thấy rõ đâu là đúng sai để trẻ nhận biết. Vậy nên, khi con có những hành vi sai trái, cha mẹ đừng bênh vực mà hãy giúp con dũng cảm đối diện với cái sai ấy và không lặp lại. Khi con có những biểu hiện trái với chuẩn mực chung của xã hội thì cha mẹ nên ân cần chỉ bảo để con nhận ra những điều chưa đúng của mình, nhằm điều chỉnh thái độ và hành vi cho phù hợp với chuẩn mực. Tùy theo từng độ tuổi khác nhau mà người lớn nên phân tích đánh giá sao cho khéo và tế nhị. Có những hành vi mà trẻ chưa ý thức rõ, coi việc làm của mình chỉ thỏa mãn những nhu cầu vui chơi, tò mò, khám phá. Tuy nhiên, khi đứa trẻ từ 5-6 tuổi trở lên thì đã có thể ý thức được phần nào việc làm đúng sai của mình, do vậy mà cha mẹ phải cùng con rèn luyện những hành vi tốt. Đừng để những hành vi xấu xâm nhập, nếu cứ lặp lại nhiều lần mà được người lớn khuyến khích, ủng hộ, bênh vực thì có thể trở thành những thói quen xấu khó sửa, và khi thói quen này in đậm trong quá trình phát triển thì sẽ gieo cho trẻ những tính cách xấu sau này.
Do vậy, chúng ta nên gieo cho trẻ một thói quen tốt để gặt một tính cách tốt từ những năm đầu đời. Mọi biểu hiện bênh con lệch lạc của người lớn sẽ làm tổn thương, làm méo mó trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ.
Hoàng Lan
Mọi biểu hiện bênh con lệch lạc của người lớn sẽ làm tổn thương, làm méo mó trong quá trình phát triển nhân cách của trẻ. |
Bình luận (0)