Chiều 20–6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp sơ kết tình hình kinh tế – văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và thu ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016.
Ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP chủ trì buổi họp báo chiều 20-6 |
Kinh tế TP tăng 7,47% trong 6 tháng
Báo cáo với Chủ tịch UBND TP, bà Trần Thị Bình Minh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so với cùng kỳ, các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp đã đạt kết quả đáng kể; lĩnh vực dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng cao hơn cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các sở – ngành, quận huyện phải quyết liệt hơn nữa trong công việc |
Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt gần 477.000 tỉ đồng, tăng 7,47% so với cùng kỳ năm ngoái. Các lĩnh vực quan trọng như dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái… Các chỉ số khác cũng cho thấy kinh tế TP tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm nay, như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đạt gần 347.600 tỷ đồng (tăng 11,3%); kim ngạch xuất khẩu đạt 14,8 tỷ USD (tăng 11,3%); và nhập khẩu trong 6 tháng là 17,3 tỷ USD (tăng 7,9%).
Đáng chú ý, trong 6 tháng 2016, tổng thu ngân sách của TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt 143.965 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 48,26% dự toán năm. Trong đó, các khoản thu nội địa tăng 18%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 5,7% so cùng kỳ, duy chỉ có thu từ dầu thô của TP là giảm mạnh đến 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP vẫn ổn định và tăng trưởng tốt, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng so với cuối năm 2015 và tăng cao so với cùng kỳ; đây được cho là điều kiện thuận lợi và ổn định để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng TP năm 2016.
Về lĩnh vực du lịch, trong 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Kết quả khách quốc tế đến TP trong 6 tháng đầu năm ước đạt 2.430.386 lượt khách, tăng12,2% so cùng kỳ và đạt 47,7% kế hoạch năm 2016 (kế hoạch: 5.100.000 lượt). Doanh thu ngành du lịch (lữ hành, khách sạn nhà hàng) trong 6 tháng ước đạt 49.487 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ và đạt 47,7% kế hoạch năm 2016.
Về lĩnh vực đầu tư, trong nước có 16.322 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 144.586 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 218.679 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ. Về đầu tư nước ngoài có 367 dự án được cấp mới. Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 780,1 triệu USD, giảm 35,1% so với cùng kỳ.
6 tháng xảy ra 1.700 vụ tai nạn giao thông
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tại TP HCM xảy ra hơn 1.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết 376 người (tăng 25 nạn nhân so cùng kỳ), 1.400 người bị thương.
Theo đó, trên địa bàn xảy ra hơn 1.700 vụ tai nạn giao thông, làm chết 376 người, bị thương hơn 1.400 nạn nhân (tăng 31 vụ và 25 người tử vong).
Về giao thông đường sắt xảy ra 3 vụ tai nạn, làm chết 3 người. Đường thủy xảy ra 15 vụ, không gây thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đã kiểm tra hơn 30.000 phương tiện đường thủy và 73 lượt bến bãi, xử phạt hơn 29.000 phương tiện vi phạm và 10 bến bãi, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 5,1 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện đăng ký mới hơn 171.000 hồ sơ xe cơ giới (hơn 29.000 ôtô, 142.000 môtô, gắn máy); nâng tổng số phương tiện hiện đang quản lý trên toàn địa bàn là 7,6 triệu xe.
Qua tuần tra, CSGT đã lập biên bản xử lý hơn 285.000 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, tạm giữ hơn 34.000 phương tiện các loại; quyết định xử phạt hơn 207.000 trường hợp, chuyển kho bạc nhà nước khoảng 118 tỷ đồng.
Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm công an TP triệt phá 109 băng nhóm, bắt 452 tội phạm. Tình hình tội phạm giảm, đặc biệt là các loại tội phạm cướp giật, trộm tài sản. Tuy nhiên trong khi đó các vụ giết người lại tăng 5%, nguyên nhân do mâu thuẫn cá nhân trong sinh hoạt, đời sống, tính bộc phát trong tội phạm.
Để giảm những vụ án giết người, ông Tài đề xuất TP cần có quy hoạch địa điểm bán hàng ban đêm, đặc biệt là các quán nhậu vì nhiều vụ án giết người xuất phát từ những địa điểm này. Thành phố cũng đã tăng cường bố trí lực lượng kiểm soát, tuần tra, phục kích bí mật tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về hình sự; củng cố công tác quản lý hành chính, đẩy mạnh phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương (Q. Bình Tân) |
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm, UBND TP.HCM xác định tiếp tục mở rộng thị trường vùng và các tỉnh khu vực phía Nam, tăng sản phẩm chế biến và chế tạo, giảm dần tỉ trọng hàng thô và sơ chế; phối hợp với các tỉnh, thành xây dựng vùng nguyên liệu chế biến nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
Ngoài ra, TP sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại với các phương tiện thanh toán tiện ích. TP cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường quản lý tốt thị trường vàng và thị trường ngoại hối, giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc về thủ tục, chính sách, công tác quản lý thuế, chế độ kế toán, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế xuất nhập khẩu.
TP cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện 39 hạng mục công trình mang tính cấp bách năm 2016, tiếp tục khảo sát, đề xuất bổ sung các hạng mục công trình mang tính cấp bách phục vụ công tác xóa giảm ngập. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, giải quyết các điểm ngập theo kế hoạch công tác năm 2016. Triển khai khởi công và giám sát thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều Khu vực TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý mức tăng trưởng một số ngành đang có xu hướng chậm lại. Tình trạng nhập siêu đã có. Đầu tư nước ngoài giảm 35% so với cùng kỳ. “Trách nhiệm này thuộc về Sở KH&ĐT, nhất là khi mọi nỗ lực của ta là tạo môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài. Dù nội lực là quan trọng nhưng trong đầu tư phát triển, nhất là về hạ tầng thì nội lực không làm xuể. Các sở ban-ngành TP tổ chức các hoạt động xúc tiến, kịp thời cập nhật những thông tin và dự báo mới nhất theo từng thị trường, ngành hàng, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển và đa dạng hóa sản phẩm phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu; Tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền TP để nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Chỉ đạo quyết liệt hơn để cuối năm tốc độ tăng trưởng GRDP đạt chỉ tiêu đề ra, tối thiểu 8%.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý các địa phương tập trung giải quyết các vấn đề người dân bức xúc và khẳng định trong thời gian tới sẽ phân công các Phó Chủ tịch nắm lĩnh vực cùng lãnh đạo các địa phương giải quyết những kiến nghị của cử tri. Chủ tịch cũng đề nghị các sở ngành lắng nghe doanh nghiệp để giải quyết khó khăn để doanh nghiệp phát triển. Muốn vậy, phải có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, mặt bằng và đổi mới công nghệ; tăng cường thông tin, phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế, chính sách của TP.…
Đối với các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu phai hoàn thành dứt điểm trong năm 2018.
Lê Quang Huy
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH đã tự nhận hình thức xử lý Trong buổi họp báo chiều tối ngày 20/6, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã thông báo sơ bộ về tình hình kinh tế – xã hội TP 6 tháng đầu năm 2016, trong đó có vấn đề xe công và xử lý sai phạm của cán bộ. Liên quan đến vụ việc nhiều cán bộ, công chức bỏ giờ làm đi dự tiệc nhà Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn, ông Hoan cho biết, Thanh tra TP đã xác định 2 vi phạm trong vụ việc này là sử dụng giờ công vào việc riêng và sử dụng xe công không đúng quy định. UBND TP đã có ý kiến đề xuất thành lập tổ công tác để xem xét và xử lý những vi phạm của Giám đốc Sở LĐ-TB-XH. UBND TP đã mời Giám đốc Sở LĐ-TB-XH làm bản tự kiểm và tự nhận hình thức xử lý, đồng thời đang chờ quyết định của Chủ tịch UBDN TP về việc thành lập hội đồng kỷ luật cấp thành phố để xử lý vụ việc này. Về vấn đề xe công, ông Hoan cho biết, TP.HCM hiện có 693 xe công. Nếu tính theo Quyết định 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính cấp TP chỉ được tối đa 2 xe/đơn vị, đối với các đơn vị sở, ngành thì tối đa 1 xe… thì TP.HCM hiện dư 353 xe công. Sở dĩ số lượng xe công của TP vượt quá quy định nhiều như vậy, vì hầu hết các xe này được mua trước năm 2007, trước khi có các quyết định 59/2007, sau đó là QĐ 61/2010 và QĐ 32/2015 về quản lý xe công. Từ năm 2007 đến nay, TP mua rất ít xe, điển hình là năm 2015 chỉ mua mới 1 xe. Trong một số trường hợp có lãnh đạo mới về, TP thực hiện việc hoán đổi xe để chọn xe cũ tốt hơn mua lại và sử dụng. Cũng theo ông Hoan, hiện nay rất nhiều đơn vị phải sử dụng xe cũ. Đây cũng là vấn đề bức xúc vì chi phí bảo dưỡng rất cao. Đơn cử như văn phòng UBND TP có chiếc xe được mua từ năm 2008 đến nay đã không thể sử dụng được, buộc phải chuyển giao cho Sở Tài chính để thanh lý. Dự kiến năm 2016, TP sẽ đề xuất mua thêm 43 xe ô tô mới với giá khoảng 34 tỷ đồng. TP sẽ đề xuất và nếu Trung ương đồng ý sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định. Đồng thời ông Hoan khẳng định, TP.HCM không có xe sang như các địa phương khác. |
Bình luận (0)