Nhiều năm qua, nhiều trường ĐH, CĐ không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp (DN) để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Một trong số các trường làm tốt công tác này là Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC) (thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM).
Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, xoay quanh những kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực cao cho TP.HCM và các tỉnh/thành lân cận.
PV: Trường TDC đã và đang gắn với các tổ chức, cơ sở đào tạo và DN như thế nào trong quá trình đào tạo?
– Ông Nguyễn Toàn: Trong 10 năm qua, đánh giá đúng vai trò của DN trong quá trình đào tạo của TDC, lãnh đạo TDC đã triển khai hàng năm “Ngày hội thanh niên với nghề nghiệp” với sự tham gia của nhiều DN đến từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Tại ngày hội, sinh viên (SV) có điều kiện tiếp xúc với DN, hiểu được nhu cầu của DN, từ đó có động cơ và động lực đúng đắn trong học tập, rèn luyện. Cũng tại ngày hội, các khoa đào tạo đã tiến hành tổ chức gặp mặt đại diện các DN để trao đổi về mục tiêu, nội dung và các vấn đề liên quan đến chương trình đào tạo. Trên cơ sở ý kiến đóng góp, các khoa đã điều chỉnh chương trình sao cho sát với nhu cầu DN. TDC đã xây dựng các phòng mô phỏng hoạt động nghiệp vụ tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, nghiệp vụ văn phòng… để SV làm quen với môi trường DN. Nhờ vậy, khi được tuyển dụng, SV gặp khá nhiều thuận lợi trong quá trình thích nghi với công việc chuyên môn. “Khởi sự DN” là môn học được TDC đưa vào giảng dạy chính khóa ở tất cả ngành học nhằm tạo điều kiện cho SV tốt nghiệp không chỉ có khả năng tham gia lao động ở các DN mà còn có thể tự mình tổ chức sản xuất kinh doanh và trở thành chủ DN trong tương lai.
Là thành viên của Hiệp hội DN TP.HCM, TDC có nhiều điều kiện thuận lợi để quan hệ với các DN, doanh nhân. Bên cạnh hoạt động gắn kết với DN trong việc điều chỉnh và phát triển chương trình đào tạo, TDC đã ký hợp đồng đào tạo theo địa chỉ với nhiều DN như: Công ty cổ phần Long Hậu (Khu công nghiệp Long Hậu, Long An), Công ty Intel Products Việt Nam, Công ty cổ phần IPL, Tập đoàn IBM… Công ty Intel Products Việt Nam đã trao hàng trăm triệu tiền học bổng hỗ trợ SV học tiếng Anh và đặc biệt cho SV nữ tham gia học các ngành kỹ thuật – công nghệ của trường. Những năm gần đây, 100% SV khối công nghệ ra trường đều có việc làm đúng ngành nghề đào tạo và có thu nhập cao, được các DN sử dụng lao động đánh giá cao về chất lượng nguồn nhân lực do TDC đào tạo.
Về quan hệ với nước ngoài, TDC đã hợp tác với Tập đoàn Preesia House của Nhật Bản để đào tạo thực tập sinh ngành kỹ thuật cơ khí và xây dựng công trình. Trong thời gian qua, TDC đã đưa gần 400 em tham gia thực tập kỹ năng thời gian 3 năm tại Nhật Bản. Đây là chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của DN nước ngoài nên qua quá trình thực hiện, TDC đã đúc kết được nhiều bài học hữu ích về “đáp ứng nhu cầu DN”. Trên cơ sở đánh giá kết quả đào tạo của TDC, Trường ĐH Yeungnam (Hàn Quốc) đã chấp nhận SV tốt nghiệp từ TDC tham gia học tiếp tại nước này để lấy bằng ĐH cùng ngành đào tạo. Ngoài ra, TDC còn triển khai đào tạo hai ngành cơ điện tử và công nghệ thông tin đa phương tiện với chương trình do Trường Singapore Polytechnic chuyển giao trọn gói, góp phần rút ngắn khoảng cách đào tạo giữa TDC và khu vực.
Thưa ông, “Học kỳ DN” được xem là mô hình sáng tạo khá thành công của TDC trong những năm qua. Ông có thể chia sẻ về mô hình này?
Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức luôn gắn kết chặt chẽ với DN để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao |
– Từ sự gắn kết nhằm đạt mục tiêu “hai bên cùng có lợi”, trường đã mạnh dạn xây dựng mô hình “Học kỳ DN” và thành lập Trung tâm Hợp tác DN nhằm triển khai mô hình này. Sau khi học xong phần lý thuyết và thực tập cơ bản, SV được đưa xuống DN 2 ngày/tuần. Tùy theo thực tế tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, SV sẽ được DN cấp sinh hoạt phí hoặc lương sản phẩm để khuyến khích hoạt động thực tập. Trong môi trường lao động sản xuất, các em có điều kiện rèn luyện kỹ năng giao tiếp của một lao động thực thụ, tiếp cận với chuyên môn, nghiệp vụ sâu hơn. TDC đã ký hợp đồng hợp tác với 8 DN trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) và Khu công nghiệp Đồng An (tỉnh Bình Duơng) hoạt động trong ngành chế tạo cơ khí để thực hiện mô hình này. “Học kỳ DN” đã giúp TDC rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và DN.
Với những nỗ lực nêu trên, ông có thể khái quát sơ nét về công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực của TDC?
– Với diện tích hơn 51.000m2, cơ sở vật chất khang trang, được trang bị hiện đại, đồng bộ, TDC có quy mô đào tạo gần 7.000 SV/năm trình độ CĐ và TCCN các ngành công nghệ thông tin, điện – điện tử, công nghệ chế tạo cơ khí, công nghệ ô tô, tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, du lịch, ngoại ngữ… Hiện tại, TDC có trên 200 cán bộ, giảng viên (GV); 100% GV đã được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc 2, trong đó hơn 60% có trình độ sau ĐH và 3 GV đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp quốc gia. Đội ngũ GV trên thường xuyên được trường tạo điều kiện cập nhật kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn và công nghệ hiện đại tại Hàn Quốc, CHLB Đức, Singapore, Malaysia… Để thực hiện sứ mệnh “Đào tạo nguồn nhân lực có đạo đức và năng lực, yêu nghề, sáng tạo, biết tự khẳng định giá trị, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, có ý thức học tập suốt đời”, lãnh đạo TDC đã không ngừng tìm ra những hướng đi tích cực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ GV, SV phát huy hết thế mạnh, năng lực của bản thân.
Nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực qua đào tạo nghề là một trong 3 trụ cột tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế Việt Nam. Vậy, TDC tận dụng chủ trương trên của Chính phủ như thế nào, thưa ông?
– Trong chiến lược phát triển TDC từ nay đến năm 2020, để thực hiện một cách chủ động và sáng tạo chủ trương đường lối chính sách kinh tế xã hội, tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức, lãnh đạo TDC sẽ thực hiện tốt sứ mệnh của trường và phấn đấu trở thành “cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM và của cả nước”.
Xin cám ơn ông!
T.Đ
Bình luận (0)