Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chi tiền tỉ dạy tiếng Anh cho người dân

Tạp Chí Giáo Dục

UBND huyện Côn Đảo, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang chuẩn bị triển khai đề án “Dạy và học tiếng Anh” cho cán bộ và người dân huyện Côn Đảo.

Chi tiền tỉ dạy tiếng Anh cho người dân
Du khách nước ngoài đi dạo trên đường Tôn Đức Thắng, huyện Côn Đảo – Ảnh: Đông Hà

Mục tiêu của đề án là để khoảng 20% người dân Côn Đảo có thể giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh.

2.000 người được thụ hưởng

Tháng 7-2015, HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nghị quyết phê duyệt đề án dạy và học ngoại ngữ tại huyện Côn Đảo giai đoạn 2015-2018. Theo nghị quyết này, sẽ có tổng cộng khoảng hơn 2.000 người đang làm việc, sinh sống tại Côn Đảo được thụ hưởng đề án.

Cụ thể hơn, khoảng 400 cán bộ, công nhân, viên chức; khoảng 160 tiểu thương; 400 người làm việc tại các khách sạn, nhà nghỉ; 400 người làm việc tại các cơ sở ăn uống; 60 người lái taxi, xe ôm; khoảng 420 người dân sinh sống trên địa bàn và 235 người thuộc 
lực lượng vũ trang.

Tổng số tiền chi cho đề án này được phê duyệt khoảng 5,5 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước bỏ ra hơn 4,5 tỉ đồng, còn lại do nguồn xã hội hóa bằng việc các học viên hành nghề tự do đóng 30% 
học phí, với số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Ngày 24-5, ông Nguyễn Thanh Giang, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết sở này đã giới thiệu cho UBND huyện Côn Đảo nhiều đơn vị dạy tiếng Anh có uy tín, còn việc chọn đơn vị nào là thẩm quyền của UBND huyện Côn Đảo.

Cùng ngày, một lãnh đạo của UBND huyện Côn Đảo cho biết thêm hiện huyện đang tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị dạy tiếng Anh và có thể trong tháng 6 này sẽ triển khai việc dạy 
học cho người dân.

Ông Nguyễn Thành Chính, chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cho biết việc dạy ngoại ngữ cho người dân Côn Đảo đã được huyện ấp ủ từ nhiệm kỳ trước, đến nay mới được thông qua.

Theo ông Chính, nếu hầu hết người dân Côn Đảo ai cũng có thể trò chuyện với du khách nước ngoài bằng tiếng Anh thì sẽ tạo ra hình ảnh một Côn Đảo thân thiện, du khách cũng sẽ đánh giá cao trình độ của người VN.

Còn ông Nguyễn Xuân Dũng, giám đốc Ban quản lý các khu du lịch huyện Côn Đảo, cho biết đề án này rất hay, vì để Côn Đảo phát triển du lịch, phải nâng cao chất lượng con người.

Tạo cảm hứng cho người dân

Ông Nguyễn Thanh Giang rất ủng hộ đề án và tin tưởng đề án sẽ có hiệu quả, vì “sẽ tạo cảm hứng”, “tạo men” cho người dân, giúp người dân biết tiếng Anh căn bản trong giao tiếp. Và khi người dân đã có kiến thức căn bản trong chào hỏi, mời mua hàng, mời uống nước, chỉ đường… họ sẽ có cảm hứng để tự học tiếp, nâng cao trình độ tiếng Anh.

Anh T., chủ một khách sạn ở Côn Đảo, phấn khởi nói: “Nếu người dân Côn Đảo ai cũng biết tiếng Anh, nói tiếng Anh được với khách 
nước ngoài thì quá tốt”.

Về giáo trình dạy cho nhiều tầng lớp, nhiều đối tượng người dân, ông Giang cho biết Sở GD-ĐT đã biên soạn chương trình giảng dạy. Theo đó, tùy theo mỗi đối tượng, mỗi ngành nghề khác nhau mà dạy riêng, theo chương trình phù hợp, chứ không phải dạy đại trà với giáo trình như nhau.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết chương trình dạy ngoại ngữ là chính sách ưu tiên để phát triển du lịch cho Côn Đảo, do đó tỉnh quyết tâm nâng cao trình độ cho người dân.

“Tỉnh khuyến khích người dân đi học. Ai học mới thanh toán tiền và tùy theo đối tượng mà được miễn phí hoàn toàn hay 70%, 50%. Phải tìm thầy dạy ngoại ngữ có chất lượng ra Côn Đảo dạy, vì đội ngũ giáo viên ngoài đó không đáp ứng 
được” – ông Lĩnh nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng – giám đốc Ban quản lý các khu du lịch huyện Côn Đảo, năm 2014 và 2015, huyện đảo này đã lần lượt đón hơn 20.000 và 21.000 khách nước ngoài.

Theo chỉ tiêu phấn đấu của huyện Côn Đảo, đến năm 2020 Côn Đảo sẽ đón khoảng 180.000 lượt du khách, và năm 2030 đón 300.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 40%.

Đề án dạy tiếng Anh cho người dân Côn Đảo nhận được nhiều quan tâm, nhưng cũng có người lo ngại về hiệu quả của đề án vì nhiều lý do.

Một công chức tại Côn Đảo cho rằng tốt nhất là để tự thân mỗi người tự lo việc học ngoại ngữ, nếu họ có nhu cầu và cần thấy phải có tiếng Anh để phục vụ kinh doanh cho khách nước ngoài thì họ tự học.

Còn theo một chủ khách sạn, việc dạy tiếng Anh đại trà như vậy sợ hiệu quả sẽ không cao, vì mỗi người một trình độ khác nhau, sợ có người không theo kịp.

Anh này nói rằng bản thân anh học tiếng Anh suốt nhiều năm phổ thông, nhưng khi ra trường còn không nói được tiếng Anh.

Còn có đề xuất trước mắt, Côn Đảo cần tận dụng nguồn nhân lực tại chỗ để dạy tiếng Anh cho cán bộ, nhân dân. Đó là đội ngũ nhân viên nước ngoài hay nhân viên người Việt giỏi tiếng Anh đang làm việc tại các khu resort, khách sạn cao cấp trên đảo.

 

ĐÔNG HÀ  (TTO)

 

Bình luận (0)