Khác với chương trình phổ thông, chương trình học của sinh viên các trường ĐH, CĐ thường gắn với các ngành nghề. Chính vì thế được học với đội ngũ giảng viên vừa có kinh nghiệm giảng dạy vừa có kinh nghiệm thực tế thì sinh viên sẽ có kỹ năng thực hành và ứng dụng tốt hơn. Đây cũng là cách mà nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả giáo dục cao. Do được trải nghiệm từ các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, nhà xưởng nên những “người trong cuộc” thấu hiểu những kiến thức từ sách vở được vận dụng trong thực tế như thế nào. Mặc dù chưa ra trường nhưng các sinh viên cũng có thể tiên liệu được tất cả khó khăn và thuận lợi trong thực tiễn cuộc sống qua giáo dục đón đầu.
Tuy nhiên, hiện nay ở các trường ĐH, CĐ không phải giảng viên nào cũng được trải qua kinh nghiệm thực tế. Chính vì thế kiến thức giảng dạy còn nặng về lý thuyết và hàn lâm, từ đó làm cho sinh viên tốt nghiệp ra trường gặp nhiều bỡ ngỡ. Rõ ràng, nếu các trường “đóng khung” đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu, quá chú trọng bằng cấp, hạn chế đội ngũ giảng viên thỉnh giảng từ nơi khác đến thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Trong khi đó chúng ta đang khuyến khích nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với thực tiễn”. Theo tôi, đừng để nguyên lý đó trở thành lý thuyết suông.
NGND Ngô Hướng (Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Bình luận (0)