Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cần hiểu đời sống tình cảm học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

GV cần kích thích HS đánh giá đúng đắn cảm xúc tình cảm của mình.  Ảnh: N.Quang

Cảm xúc tình cảm có vai trò hết sức to lớn trong đời sống; tình cảm tích cực là động lực mạnh mẽ kích thích con người vượt qua những khó khăn trở ngại để đạt mục đích. Bên cạnh đó, đời sống tình cảm có những đặc điểm khác biệt, độc đáo.
Chính vì vậy trong quá trình giáo dục, người giáo viên (GV), đặc biệt là GV chủ nhiệm cần thấu hiểu đời sống tình cảm, đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh (HS) mà mình đang giảng dạy để giáo dục, xây dựng đời sống tình cảm tích cực cho các em một cách hiệu quả nhất. Cảm xúc tình cảm có những đặc điểm cơ bản sau.
Tính nhận thức của cảm xúc tình cảm
Thể hiện ở nguyên nhân gây nên cảm xúc tình cảm được chủ thể ý thức rõ ràng. Con người luôn nhận thức rõ nguyên nhân, mức độ tình cảm, đồng thời cảm xúc tình cảm có cơ sở từ nhận thức.Như vậy sẽ có hiện tượng nhận thức sai dẫn đến tình cảm sai lệch, để hình thành cảm xúc tình cảm tích cực GV cần giúp HS hiểu rõ ý nghĩa về sự vật, sự việc, những hiện tượng xung quanh.Khi đánh giá tình cảm của HS, GV cần tìm hiểu nhận thức của các em về vấn đề có liên quan như thế nào.
Tính độc đáo
Biểu hiện tính chủ quan cá thể, tùy thuộc vào ý nghĩa của sự vật hiện tượng đối với cá nhân. Cùng một sự việc song trong những hoàn cảnh, tình huống khác nhau thì sự biểu hiện cảm xúc tình cảm cũng khác nhau. Vì vậy trong việc hình thành tình cảm hoặc đánh giá tình cảm của HS, GV cần xuất phát từ sự hiểu biết về đặc điểm tâm lý, nhân cách của từng em, hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng sở thích của HS để tránh áp đặt ý kiến chủ quan trong xử lý, giải quyết các vướng mắc. Đồng thời quản lý, giáo dục HS cần phát huy sở trường của từng em, có phương pháp tác động hợp lý để tập thể lớp có đời sống tình cảm thống nhất, các em luôn tích cực tự giác trong học tập và xây dựng tình bạn chan hòa, cởi mở.
Tính phân cực (đối cực)
Mỗi cảm xúc tình cảm đều có những rung động đối lập với nó, gắn liền với sự thỏa mãn, hay không thỏa mãn những nhu cầu, mong muốn của con người mà tính đối cực xuất hiện. Quá trình hình thành, phát triển tình cảm tốt đẹp cho HS, GV cần chú ý hình thành những rung động trái ngược nhau một cách phù hợp nhằm hình thành cảm xúc, tình cảm tích cực. Hiểu những rung động trái ngược để kiềm chế cảm xúc, chia sẻ cảm xúc, trang bị cho các em kỹ năng ứng xử khi có áp lực trong học tập, thi cử và những tác động tâm lý khác, cần biết cách làm chủ, kiểm soát cảm xúc, tránh rơi vào trạng thái bi quan, stress quá mức mà không biết cách giải quyết vướng mắc của bản thân.
Tính lan truyền (lây lan)
Sự biểu hiện ra ngoài của các rung động cảm xúc tình cảm của người này có thể lan truyền sang người khác. Việc “lây lan” tình cảm từ chủ thể này sang chủ thể khác không phải là con đường chủ yếu để hình thành tình cảm, song thông qua sự lan truyền người ta có thể truyền tâm trạng, thái độ với những người xung quanh. Hiện tượng: Vui lây, buồn lây, cảm thông, đồng cảm… chính là sự lan truyền của cảm xúc, tình cảm. Vận dụng đặc điểm này trong xây dựng các tập thể HS để xây dựng tình cảm tốt đẹp, tâm trạng, thái độ lạc quan, yêu đời, ước mơ, lý tưởng cao đẹp cho HS, không để lây lan tâm lý bi quan trong tập thể; đồng thời GV cũng giáo dục và trang bị cho các em kỹ năng ứng xử tinh tế, biết cảm thông chia sẻ với những bạn có hoàn cảnh khó khăn, những người chịu thiệt thòi trong xã hội, tránh thái độ thờ ơ, dửng dưng, thiếu đồng cảm với những người xung quanh mình.
Tính thích ứng
Một cảm xúc tình cảm nào đó, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần một cách không đổi thì sẽ bị suy yếu dần và trở nên “chai sạn”. Ví dụ: Hiện tượng xa thương, gần thường… Trạng thái cảm xúc háo hức thường xuất hiện với điều mới lạ, giảm xuống khi quen, như vậy cần tạo ra cảm xúc tích cực mới mẻ, không để cảm giác buồn chán xâm lấn. Trong giáo dục tình cảm và xây dựng các mối quan hệ trong tập thể HS, GV cần đổi mới nội dung hình thức, phương pháp tác động để tạo ra những cảm xúc mới mẻ, sinh động, khắc phục sự nhàm chán. Vận dụng đặc điểm này đối với những HS nhút nhát sợ phát biểu trước đám đông ta cần “ưu tiên” phân công những em này phát biểu với những câu hỏi, nội dung vừa sức đồng thời động viên, khuyến khích nhằm củng cố và tăng cường sự tự tin cho HS.
Có thể nói, hoạt động sư phạm của nhà giáo bên cạnh việc dạy chữ là giáo dục con người, thông qua giáo dục để bồi dưỡng thế giới quan, chuẩn mực đạo đức, quan điểm thẩm mỹ… giúp cho HS nắm vững các chuẩn mực, tạo cơ sở cho các em biểu thị thái độ đúng, tình cảm đẹp. Đây là cơ sở để HS so sánh, đánh giá, phân biệt giữa cái tốt với cái xấu, giữa thiện và ác, tích cực và tiêu cực… từ đó mà bày tỏ thái độ đúng đắn, hướng cảm xúc, tình cảm của mình theo hướng tích cực. Để HS tự giáo dục, tự rèn luyện tình cảm tích cực cho bản thân, GV cần hướng dẫn các em khả năng tự kiềm chế, tự điều chỉnh những cảm xúc tiêu cực, có năng lực tự đánh giá và rèn luyện tình cảm tích cực, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Ngoài ra, GV cần tạo điều kiện và kích thích HS đánh giá đúng đắn cảm xúc tình cảm của mình và tự giác đề ra phương hướng biện pháp xây dựng tình cảm tích cực phù hợp.
Cảm xúc tình cảm có vai trò hết sức quan trọng trong học tập và hình thành kỹ năng sống của HS. Do vậy để bồi dưỡng những cảm xúc tình cảm tích cực, khắc phục những cảm xúc, tình cảm tiêu cực cho HS đòi hỏi người GV phải nắm vững những nội dung cơ bản của cảm xúc tình cảm cũng như con đường biện pháp hình thành cảm xúc tình cảm tích cực của chính các em.
Phạm Thị Ngần
(Giảng viên tâm lý học)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)