Học sinh cần thận trọng khi quyết định du học |
Khoảng 15 năm về trước, khái niệm du học vẫn còn là một “hiện tượng” mới với người Việt Nam. Những gia đình có con em đi du học thường nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều người xung quanh bởi những cá nhân đi du học được coi là thực sự giỏi.
Nhưng 5 năm trở lại đây, xu hướng du học đang ngày một phổ biến, thậm chí là “chuyện thường ngày ở huyện” ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng. Các bậc phụ huynh cũng như con em của họ ngày càng thấy được những lợi ích to lớn từ việc “sang trời Tây” để học tập và sinh sống. Và đó không chỉ là một sự trải nghiệm đáng giá trong cuộc đời mỗi sinh viên (SV) trong việc “hấp thụ” những tri thức mới mà còn có thể “lột xác” theo hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đi đến tận cùng ước mơ đó theo hướng tích cực, đúng nghĩa nhất. Rất nhiều SV đã bị “vỡ mộng” và cũng không ít người phải vội vã trở về khi chưa kịp học hỏi được điều gì, thậm chí hành trang mang về còn là những tư tưởng mang tính tiêu cực.
Phải “biết mình biết ta”
Nhiều SV khi sang đến nước bạn vẫn lầm tưởng về việc sẽ được vào học ĐH ngay hay được học chuyển tiếp. Trong thực tế, hầu hết các nước vẫn chưa chấp nhận bằng tốt nghiệp THPT của Việt Nam nên muốn vào ĐH, SV phải trải qua thời gian học dự bị. Không chỉ thế, nhiều SV sau bao nỗ lực đặt chân vào được giảng đường ĐH nhưng lại nhanh chóng bước ra bởi họ đã chọn môi trường “quá sức” đối với mình. Ông Nguyễn Trọng Tường, Giám đốc CMI Việt Nam, lý giải: Đứng trước quyết định vào một ĐH, bạn phải cân nhắc rất nhiều yếu tố. Có thể là về học phí, vị trí địa lý, xếp hạng, cơ sở vật chất hay các vấn đề khác nữa. Nhưng một điều SV không thể thờ ơ là đặt lực học của mình tương quan với môi trường sắp lựa chọn.
“Bạn học bình thường, cần có thời gian để nghiền ngẫm, tư duy các vấn đề, bạn không quen “bắn tốc độ” khi học tập thì bạn phải chọn một ngôi trường vừa tầm. Vẫn biết rằng một ngôi trường với những SV xuất sắc có thể là động lực để thúc đẩy bạn tiến bộ. Nhưng ngược lại, khi SV luôn bị đẩy lùi về phía sau và không có khả năng để vượt lên thì môi trường đó lại dễ “giết chết” tất cả những ý chí, quyết tâm của bạn. SV rất dễ rơi vào tình trạng chán nản, thất vọng và buông xuôi. Và trường hợp này xảy ra với không ít người. Họ tìm mọi cách bước chân vào trường xếp hạng cao để hãnh diện với bạn bè. Nhưng nó sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi mà SV không thể “lớn lên” trong môi trường đó trong khi bạn hoàn toàn có thể chọn một ngôi trường khác cho mình và phấn đấu lớn lên mỗi ngày cả về lượng và chất. Môi trường đó cho bạn cơ hội để tự làm đầy và hoàn chỉnh kiến thức cho mình, cho bạn thời gian để vá những chỗ “rách” trong khối tri thức của bạn. Bạn sẽ cảm thấy con đường học vấn của mình nhẹ nhàng, dễ chịu hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Trọng Tường chia sẻ.
Quan niệm lệch lạc về du học
Có không ít phụ huynh và SV còn mơ hồ rằng: Giáo dục “ở Tây” khác Việt Nam, sang bên đó “không thành công thì cũng thành nhân”. Theo ông Hoàng Đức Linh, Trưởng bộ phận di trú Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam: Đó là một cái nhìn phiến diện bởi điểm nhìn mới chỉ tập trung vào yếu tố khách quan mà bỏ qua yếu tố tiên quyết về mặt chủ quan. Bản thân mỗi SV không nỗ lực phấn đấu và không có tư tưởng học hành thì môi trường có tốt đến mấy cũng không thể thay đổi được họ. Các trường ĐH tạo cơ sở vật chất tốt cho SV, đội ngũ giáo sư chất lượng sẵn sàng chia sẻ như những người bạn, các dịch vụ hỗ trợ luôn sẵn có dành cho SV nhưng nếu SV không “tự thân vận động”, không chủ động tiếp cận những điều đó thì những yếu tố kia cũng chỉ là điều vô nghĩa.
“Không ai có thể giúp mình bằng chính bản thân mình. Đã là lao động trí óc thì ở Việt Nam hay ở nơi đâu cũng vậy, nó đòi hỏi mọi người phải tập trung, có ý thức phấn đấu. Thay vì học tại môi trường Việt Nam, SV sang môi trường khác tốt hơn bởi nơi đó có sự hội tụ của các nền văn hóa, được thực hành ngoại ngữ liên tục và tiếp cận với những tinh hoa nhân loại. Đó là những điều lợi thế mà SV phải nắm bắt. Chắc chắn bạn sẽ hơn hẳn bạn bè ở Việt Nam nếu như bạn thực sự thấy được điều đó và nghiêm túc với mục tiêu học tập của mình”, ông Hoàng Đức Linh phân tích.
Ông Hoàng Đức Linh cũng cho rằng, có rất nhiều kiểu “vỡ mộng” khác nhau về du học nhưng bất kì hình thức “vỡ mộng” nào cũng có thể khắc phục từ chính các bậc phụ huynh và SV ngay từ những bước đầu tiên khi quyết định cho con em đi du học. Từ chính bản thân mỗi SV cũng phải “lên dây cót” tinh thần và chuẩn bị hành trang cho mình. “Theo tôi, hành trang quan trọng nhất là trong suy nghĩ của mỗi người phải xác định rằng: Du học là đi học và phải phấn đấu gấp nhiều lần so với việc học tập trong nước. Có như vậy, bạn mới có thể biến ước mơ du học của mình trở thành hiện thực thay vì việc hối hận khi phải đặt chân đến những “miền đất hứa”, lãng phí thời gian, tiền bạc và ý chí”, ông Hoàng Đức Linh cho biết.
Bài, ảnh: Linh Vy
Bình luận (0)