Học sinh lắng nghe các câu trả lời của Ban tư vấn
|
Tại buổi tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” ở Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú) do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức (ngày 10-1), một trong những vấn đề mà các em quan tâm vẫn là sở thích, ngành “hot”…
“Lạc đà phải sống ở sa mạc”
Ngoài sự hiện diện của học sinh, các phụ huynh cũng có mặt và đặt một số câu hỏi về việc lựa chọn ngành nghề của con em họ. Trong đó, vấn đề chủ yếu là sở thích của học sinh mâu thuẫn với mong muốn của bố mẹ. Bắt đầu buổi tư vấn, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đã kể cho các em nghe một câu chuyện về mẹ con lạc đà hết sức thú vị: Một hôm, chú lạc đà conhỏi mẹ “Tại sao mình lại có bướu?”, lạc đà mẹ trả lời “Mình là động vật sống ở sa mạc, mình cần có bướu để dự trữ nước, mình sẽ không thể sống ở sa mạc nếu thiếu nước”. Lạc đà con lại tiếp tục thắc mắc: “Nhưng tại sao chân con lại dài vậy mẹ?”, lạc đà mẹ trả lời “Chân con dài là để đi bộ trên sa mạc tốt hơn bất cứ loại nào khác”. Lạc đà con hỏi tiếp “Nhưng mà tại sao lông mi của con lại dài và dày đến như vậy, lúc con gặm cỏ bị ngứa lắm mẹ à?”, lạc đà mẹ trả lời: “Lông mi dài và dày là bảo vệ mắt con trước gió và cát của sa mạc…”. “Con hỏi mẹ câu cuối cùng này nữa thôi, mẹ ơi mình đang làm cái gì trong sở thú nữa vậy mẹ?”.
Câu chuyện ngắn gọn vậy thôi nhưng đã nhận được tràng pháo tay lớn của học sinh vì ý nghĩa đằng sau câu chuyện này. ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nhấn mạnh: “Con lạc đà có nhiều tiềm năng khác nhau, sẽ “tỏa sáng” nếu nó ở đúng môi trường, đó là sa mạc. Còn nếu như nó không ở đúng với môi trường thì sẽ giống như bị giam ở sở thú. Lạc đà phải sống ở sa mạc, cá phải sống dưới nước, chim phải bay trên trời… Đối với các em khi chọn nghề cũng vậy, phải biết mình là ai, mảnh đất nào phù hợp với mình thì mới chọn được nghề. Vấn đề ở đây không phải là chúng ta nghe theo lời ba mẹ hay làm theo sự lựa chọn của mình mà vấn đề quan trọng là ngành nào, bằng cấp nào phù hợp với mình?”.
Bàn về vấn đề sở thích, em Lê Hoàng Oanh, học sinh lớp 12A12, thắc mắc: “Em thích làm bác sĩ nhưng không có khả năng đậu ngành này, vậy em phải làm thế nào?”. ThS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Năm nào cũng có sinh viên than thở với tôi vì chọn nhầm nghề, các em chọn nhầm nghề bởi không hiểu được sở thích của mình hoặc ảo tưởng về nghề nghiệp. Để trở thành một người làm việc ở ngành y, các em phải xem tính cách của mình có phù hợp hay không hay chỉ mới năm nhất thôi các em đã chán vì mình không phù hợp với ngành đã chọn. Thời điểm này các em cần cân nhắc kỹ, đừng nhầm lẫn khi chọn ngành nghề, đừng thích ngành theo xu hướng lựa chọn của bạn bè mà phải xác định rõ sở thích, năng lực của mình thực sự có phù hợp với ngành đó không?”.
Nhiều em học sinh xác định mình có quá nhiều sở thích nên phân vân vì không biết chọn theo hướng sở thích nào. Một HS cho biết: Em thích ngoại ngữ, thích kinh doanh và còn thích cả ẩm thực. Em là nam, vậy em nên thi vào trường nào để có thể phù hợp với những sở thích này?”. Giải đáp câu hỏi này, ông Nguyễn Chí Thu, Trưởng ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, cho hay: Với nhiều sở thích như trên, em có thể chọn khối ngành dịch vụ để học, trong đó có ngành quản trị khách sạn – nhà hàng rất phù hợp với những sở thích này. Hiện nay, ngành dịch vụ có nhu cầu nhân lực khá cao, khoảng 80% sinh viên học ngành quản trị khách sạn – nhà hàng tốt nghiệp có việc làm ổn định”.
“Đóng cửa” ngành “hot”
TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM – đang giải đáp các câu hỏi của học sinh sau buổi tư vấn chung
|
Tại buổi tư vấn, Ban tổ chức nhận được hơn 20 câu hỏi về việc thực hư “đóng cửa” một số ngành “hot” trong khối ngành kinh tế.
Em Phan Thị Bích Ngọc thắc mắc: “Em nghe nói năm nay Bộ GD-ĐT có chủ trương “đóng cửa” một số ngành kinh tế như quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng… ở một số trường. Vậy điều này có thật hay không?”.
TS. Lê Anh Duy, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương giảm chỉ tiêu ở khối ngành kinh tế. Chẳng hạn ở Trường ĐH Sài Gòn, năm 2012 tuyển sinh ngành tài chính – ngân hàng khoảng 300 đến 350 chỉ tiêu, nhưng năm nay dự kiến khoảng 200 chỉ tiêu. Một trong những nguyên nhân khiến các trường phải giảm chỉ tiêu là do những năm trước chúng ta đào tạo quá nhiều sinh viên ngành này, hơn nữa kinh tế đang khó khăn nên nhiều ngân hàng, công ty cắt giảm nhân lực”.
TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT đã có công văn không mở khối ngành kinh tế, đặc biệt là ngành tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh ở một số trường không chuyên về đào tạo ngành này. Ví dụ, Học viện Hàng không không được phép tuyển quản trị kinh doanh. Năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương không tăng chỉ tiêu ngành kinh tế, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng. Các trường đào tạo ngành này sẽ chủ động cắt giảm chỉ tiêu chứ không phải tự động đóng cửa hoàn toàn nên các em hãy yên tâm”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“Năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương không tăng chỉ tiêu ngành kinh tế, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng. Các trường đào tạo ngành này sẽ chủ động cắt giảm chỉ tiêu chứ không phải tự động đóng cửa hoàn toàn nên các em hãy yên tâm”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, nhắn nhủ. |
Bình luận (0)