TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã nhìn lại sau hai năm thực hiện kỳ thi hai trong một.
Các thí sinh tươi cười ra về sau khi thi xong môn sinh – môn thi cuối cùng trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 – tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được mục đích vừa dùng để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Kỳ thi đã được tổ chức theo phương thức tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước, và một phần chi phí xã hội, khi số thí sinh “ảo” được giảm thiểu ở mức tối đa.
Với cách tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm túc, tổng số thí sinh bị kỷ luật tăng cao. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015 thấp nhất trong vòng năm năm gần đây (nhưng không quá thấp đến mức gây sốc cho xã hội). Tỉ lệ xét tuyển theo chỉ tiêu của nhiều trường ĐH, CĐ đã tăng trở lại sau nhiều năm liên tục bị thiếu hụt.
Tuy nhiên, nếu như công tác tổ chức thi tương đối tốt, công tác xét tuyển còn nhiều bất cập. Cách xét tuyển (các quy định xét tuyển) năm 2015 chưa bảo đảm được định hướng nghề nghiệp của học sinh, khiến các em đặt nhu cầu chọn trường để có một chỗ học, hơn là chọn ngành nghề theo sở thích và năng lực.
Hi vọng những thay đổi trong quy định xét tuyển ĐH, CĐ 2016 sẽ khắc phục được những bất cập này, khi cho phép thí sinh được chọn hai ngành trong một trường và được chọn tối đa hai trường trong đợt xét tuyển đầu tiên.
TS Nguyễn Đức Nghĩa – Ảnh: T.Thắng |
* Thưa ông, nếu xét riêng về khía cạnh đề thi, thì đề thi của kỳ thi THPT quốc gia có đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh ĐH hay không, nhất là những trường ĐH thuộc tốp đầu?
– Đề thi là một trong những mấu chốt quan trọng góp phần cho thành công của kỳ thi THPT quốc gia 2015. Đề thi đã đạt độ phân hóa tốt cho xét tuyển ĐH, CĐ, đồng thời khi kết hợp với kết quả học tập năm lớp 12 của học sinh, đã tạo cơ sở cho việc xét tốt nghiệp THPT được hợp lý hơn.
Với gần phân nửa số trường ĐH trên cả nước có sử dụng kết quả học bạ THPT để xét tuyển, thật ra chỉ có các trường ĐH thuộc tốp đầu có sức thu hút lớn thí sinh mới dựa chủ yếu vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, rõ ràng cũng còn nhiều băn khoăn khi kỳ thi tác động mạnh đến việc dạy và học theo những chiều hướng chưa phải là tích cực.
Với cách thi theo môn và cho học sinh tự chọn một số môn thi bên cạnh ba môn bắt buộc (toán, văn, ngoại ngữ), việc học sinh chọn lệch hẳn một số môn là điều không thể tránh khỏi.
Với số liệu đăng ký dự thi hai năm liên tiếp vừa qua, môn sử và môn sinh chỉ là lựa chọn của một số ít thí sinh. Bên cạnh đó, tuy là môn bắt buộc nhưng tùy điều kiện giảng dạy và học tập, một số địa phương cũng cho phép học sinh chọn môn khác thay thế môn ngoại ngữ.
Như vậy sẽ khó đạt được các mục tiêu của đề án ngoại ngữ quốc gia trên phạm vi cả nước.
Trong những kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, cần tính đến việc chuyển định dạng đề thi từng môn tách biệt như hiện nay sang dạng đề thi tích hợp, vừa làm gọn nhẹ hơn kỳ thi, vừa tránh được tình trạng học lệch, đối phó với thi cử như hiện nay.
* Ông suy nghĩ như thế nào về đề xuất của TP.HCM trong buổi làm việc với bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới đây: “Cho các thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm tự xét tốt nghiệp THPT”? Theo ông, nếu thực hiện thì nên có những bước chuẩn bị như thế nào, lộ trình ra sao cho phù hợp và thật sự hiệu quả?
– Câu hỏi này cần xem xét trong bối cảnh năm 2017 có còn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên quy mô cả nước hay không.
Nếu như kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn tiếp tục được duy trì, thì việc “tự xét tốt nghiệp THPT” không chỉ riêng TP.HCM mà bất kỳ tỉnh, thành phố nào cũng chỉ là “chuyện nhỏ”. Bởi khi đó các tiêu chí xét tốt nghiệp sẽ do địa phương quyết định, kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn vai trò dùng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ là chính (tất nhiên khi đó kết quả của kỳ thi này cũng vẫn có thể là một trong các tiêu chí xét tốt nghiệp THPT).
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, số tỉnh, thành phố không tổ chức cụm thi tốt nghiệp đã tăng từ 3 lên 14 địa phương, trong đó TP.HCM liên tiếp trong hai năm vừa qua đều không tổ chức cụm thi tốt nghiệp mà chỉ có các cụm thi ĐH.
Nếu như năm 2017 hoặc những năm tiếp theo không còn kỳ thi THPT quốc gia chung trên quy mô cả nước, việc “tự xét tốt nghiệp THPT” được giao cho từng địa phương thì điều này sẽ trở thành “chuyện lớn”, đặc biệt cho những trường ĐH tốp đầu. Khi đó kết quả tốt nghiệp THPT sẽ không còn là cơ sở tin cậy và có đủ độ phân hóa để xét tuyển thí sinh, và các trường ĐH sẽ phải tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh của riêng mình.
Do vậy, rất cần sớm có chủ trương và định hướng chung của Bộ GD-ĐT, để vừa đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-1-2013 Hội nghị trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, vừa có hành lang pháp lý và lộ trình chuyển đổi thi và tuyển sinh: đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh; cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.
* Theo ông, kỳ thi THPT quốc gia cần cải tiến theo hướng như thế nào trong những năm sắp tới? – Ba khâu chủ yếu của một kỳ thi quy mô quốc gia là tổ chức thi, đề thi và xét tuyển. Kỳ thi THPT quốc gia đã mang dáng dấp của một kỳ thi kiểu SAT. Trong đó, một số trường ĐH được ủy nhiệm trong công tác tổ chức kỳ thi dưới sự chủ trì chung của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi cho rằng ở góc độ tổ chức thi, với các quy định thi chung, các trường ĐH đã thực hiện hết trách nhiệm để tổ chức được kỳ thi nghiêm túc, chính xác. Công tác tổ chức thi (được ủy nhiệm cho một số trường ĐH) đã tách hẳn khỏi khâu xét tuyển (của tất cả các trường ĐH, CĐ). Đề thi đã đạt yêu cầu về độ phân hóa tốt, kết quả thi có mức độ tin cậy cao. Nếu các trường ĐH, CĐ được tự chủ hoàn toàn trong công tác xét tuyển thì kỳ thi THPT quốc gia sẽ còn đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không chỉ trong phạm vi thi cử mà còn phải bao hàm và đồng bộ hóa những chính sách, giải pháp như đổi mới trường học theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, cải tiến chương trình giáo dục và đổi mới sách giáo khoa… Khi đó những đổi mới trong thi cử và tuyển sinh sẽ có tác động cộng hưởng tích cực đến toàn bộ hệ thống giáo dục. |
Bình luận (0)