Trẻ em học bằng cách bắt chước. Trò chơi “đóng vai” luôn thu hút các em, đặc biệt là vai cô giáo, thầy giáo. |
Học bài là nhiệm vụ mà mỗi học sinh bắt buộc phải làm mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng… nhằm đạt được kết quả học tập tốt. Ở mỗi lứa tuổi khác nhau thì nội dung bài học cũng sẽ khác nhau về độ khó và dung lượng.
Tuy nhiên, hiện nay không ít học sinh cảm thấy khó khăn khi phải học bài và cũng không ít phụ huynh phải trăn trở: Có một phương pháp nào để giúp con em mình có thể vừa học, vừa chơi mà lại hiểu sâu và nhớ lâu vấn đề?
Chị N.T.H (ở quận 6, TP.HCM) cho biết: “Con gái tôi học lớp 5, bài vở ở trường rất nhiều nhưng cháu hay chán học. Mỗi khi đến giờ học thì lại ngáp ngắn ngáp dài. Có khi ngồi học bài cháu ngủ tại bàn luôn”.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nguyên nhân mà chúng ta dễ dàng nhận thấy nhất ở đây đó là do các em chưa tìm được một sự hứng thú, một niềm đam mê khi bắt đầu học. Việc học ở trường đã làm cơ thể học sinh mệt mỏi, những tiếng động bên ngoài có ảnh hưởng không tốt đến sự tập trung của các em, cộng thêm tâm lý chán nản khi học… chính là những yếu tố góp phần làm giảm đi kết quả học tập của các em.
Có thể nói, tạo ra niềm vui, hứng thú, đam mê cho học sinh khi học là một trong những cách thức khắc phục tình trạng trên. Các trẻ lứa tuổi nhỏ luôn muốn trở thành người lớn, đặc biệt là người được mọi người kính trọng và càng vui thích hơn khi được tham gia các trò chơi đóng vai. Chính vì vậy, việc hướng dẫn cho con trẻ trở thành một “giáo viên” để “giảng dạy” bài học của mình là một cách thức lôi cuốn được trẻ. Qua đó, trẻ sẽ vừa được chơi nhưng cũng vừa hoàn thành được nội dung học tập của mình.
Cụ thể, phụ huynh nên treo một tấm bảng trên tường và một cây viết lông hay phấn. Đây là dụng cụ duy nhất mà phụ huynh cần phải chuẩn bị, rất cần thiết cho việc học của trẻ. Khi bắt đầu phương pháp này, phụ huynh cần giải thích để trẻ hiểu rằng các thầy cô của chúng ta khi muốn đứng trên bục giảng thì trước đó ở nhà cũng đã phải đọc đi đọc lại, học đi học lại bài học. Do đó, muốn trở thành một “giáo viên” thì trẻ cũng phải làm việc đó: Đọc đi đọc lại, học đi học lại bài học. Với một nội dung bất kỳ, phụ huynh cho trẻ một thời gian xác định để chuẩn bị.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng thì phụ huynh yêu cầu trẻ đứng trước tấm bảng và trở thành một “giáo viên tài năng”. Phụ huynh có thể tham gia vào lớp học của trẻ; tìm một vài em nhỏ gần nhà để học cùng trẻ; hoặc dạy trẻ tưởng tượng phía dưới mình là những đứa học trò ngơ ngác, dễ thương và bắt đầu bài học với “Nghiêm học sinh – Chúng em chào cô ạ!”.
Chắc chắn những lần đầu tiên khi “dạy học”, trẻ sẽ quên vài ba chi tiết nhỏ. Do đó, phụ huynh hãy tìm cách gợi ý cho trẻ nhớ và giúp đỡ khi cần thiết.
Buổi học kết thúc và chúng ta xem trẻ đã học được gì rồi nào? Trẻ đã thuộc, hiểu sâu sắc về bài học và chắc chắn rằng sẽ nhớ nó rất lâu. Ngôn ngữ của trẻ đã được diễn cảm và phong phú hơn. Trí tưởng tượng của trẻ đã bay cao, quan trọng hơn cả là tình cảm của phụ huynh và con cái đã trở nên thân thiết, hiểu nhau hơn.
Nguyễn Thị Diễm My
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).
Bình luận (0)