Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đi tìm thần tượng cho con

Tạp Chí Giáo Dục

 

Giáo viên cũng có thể trở thành thần tượng của học sinh

 

Thời đại của truyền thông, internet nên học sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi thần tượng là các diễn viên, ca sĩ. Điều đáng nói là các em thường bị ảnh hưởng mạnh của những cái tiêu cực hơn là tích cực… Vậy phải làm sao định hướng để các em nhìn nhận một thần tượng cho đúng nghĩa?
Khổ vì con… mê “sao”
Năm 2008, sau khi xem xong bộ phim Boys Over Flowers (tiếng Việt: Vườn sao băng) của Hàn Quốc, con gái chị Thúy Bình (Q.3, TP.HCM) mê mẩn anh chàng diễn viên Kim Hyun Joong. Cũng phải, Kim Hyun Joong đẹp đến mức báo chí xứ kim chi phải gọi anh ta là “Bức tượng biết đi”. Từ khi “phải lòng” Kim Hyun Joong, bao nhiêu tiền ba mẹ cho để ăn sáng, mua tài liệu phục vụ việc học tập, Bình Y. (con gái chị Thúy Bình) – đang học lớp 9 một trường THCS trên địa bàn Q.3 – đều “nướng” hết vào tranh ảnh, phim, tạp chí có thần tượng tham gia. Phòng riêng của Bình Y. tràn ngập hình ảnh của Kim Hyun Joong. Thậm chí, thấy thần tượng quảng cáo loại mỹ phẩm nào là Bình Y. tìm đủ mọi cách để có tiền mua cho được sản phẩm đó. Dẫu mua cũng chỉ để đó chứ không sử dụng được vì đó là mỹ phẩm dành cho men (nam) chứ không phải women (nữ).
Chị Thúy Bình tâm tư: “Vì mê thần tượng mà nó quên ăn, quên ngủ và bỏ cả học. Cứ thấy phim nào có diễn viên đó đóng là nó thức cả đêm để coi cho hết. Sức học của con bé ngày càng kém. Nhiều lúc tôi giận quá lột hết mấy tấm hình của anh chàng diễn viên đó trong phòng con. Vài ba ngày sau vào phòng lại thấy có những tấm hình của anh chàng họ Kim dán kín 4 bức tường… Cứ tiếp tục thế này, tôi lo con bé sẽ không thi đỗ vào lớp 10 trong kỳ thi sắp tới”.
Tương tự, chị Hải Âu (Q.Bình Thạnh) cũng rất rầu vì cậu quý tử (đang học lớp 11) của mình đang say mê một nam ca sĩ tuổi teen Việt Nam. Anh chàng ca sĩ này để tóc kiểu gì, mặc đồ kiểu gì là con trai chị bắt chước liền. Khổ nỗi, những kiểu tóc và bộ quần áo mà anh chàng ca sĩ đó mặc chỉ hợp ở trên sân khấu vậy mà con trai chị vẫn “khoái”.
“Nhiều lúc nhìn con – nam không ra nam, nữ cũng không ra nữ, tôi đau lòng lắm. Ba mẹ đã khuyên bảo nhẹ nhàng, rồi dùng vũ lực nghiêm cấm, vậy mà nó vẫn cứ mê đắm thần tượng. Vợ chồng tôi hết cách rồi”, chị Hải Âu xót xa.
Thần tượng ở quanh ta
Anh Tùng Lâm (37 tuổi) – kỹ sư xây dựng ở TP.HCM – cho biết thần tượng của anh chính là tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình (người đã đạt huy chương vàng và giải đặc biệt trong kỳ thi Olympic toán quốc tế lần thứ 21 – năm 1979 ở London, Anh quốc – PV). Cái thời anh Tùng Lâm còn trẻ không có internet như bây giờ, báo chí còn ít, chủ yếu là nghe đài. Anh kể: “Mỗi khi đài phát thông tin về anh Trình, dù đang làm gì tôi cũng bỏ đó để nghe. Khi báo có đăng bài về anh là tôi chép lại vào sổ”. Vì thần tượng anh Trình mà anh Tùng Lâm học khá nhất môn toán. Trong kỳ thi ĐH năm 1994, anh thi 3 trường (ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội và ĐH An ninh), môn toán đều được 9 điểm.
Không chỉ anh Tùng Lâm mà rất nhiều người thuộc thế hệ 7X, 8X cũng thần tượng tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình. Và phần lớn họ đã trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Minh Anh – cựu học sinh bậc THCS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, hiện đang du học ở Singapore (học bổng toàn phần do Chính phủ Singapore cấp) – cho biết: “Trước đây, trong tất cả các môn học, em thích nhất môn tiếng Anh. Nhưng từ khi thần tượng GS. Ngô Bảo Châu thì em mê luôn môn toán. Em đã được hưởng lợi rất nhiều từ khi học toán giỏi…”.
Cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) – thừa nhận: “Học sinh thần tượng thầy cô giáo nào thì các em sẽ thích học và học giỏi môn của thầy cô giáo đó”.
Chính vì lẽ đó mà nhiều giáo viên của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi bằng nhiều cách đã “vô tình” trở thành thần tượng của các em học sinh. Để rồi, các em tỏ ra háo hức mỗi khi được học môn của thầy cô mà mình thần tượng.
Đây cũng là cách mà khá nhiều giáo viên sử dụng để học sinh yêu thích môn học của mình. Cô Thu Hồng – một giáo viên dạy môn giáo dục công dân bậc THPT – tâm sự: “Môn giáo dục công dân là môn phụ, không thi tốt nghiệp, cũng không thi ĐH. Bởi vậy, học sinh hầu như không em nào thích học môn này. Vì vậy tôi đã có nhiều sáng kiến trong phương pháp giảng dạy, cách ứng xử của tôi với học sinh cũng thân thiện, gần gũi… Từ từ, các em bắt đầu thích tôi và thích luôn môn giáo dục công dân”.
Bài, ảnh: Hòa Anh
“Học sinh thần tượng thầy cô giáo nào thì các em sẽ thích học và học giỏi môn của thầy cô giáo đó”, cô Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) – thừa nhận.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)