Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Ảnh hưởng không nhỏ sau vụ sập cầu Ghềnh

Tạp Chí Giáo Dục

Hành khách đang trả lại vé tàu tại Ga Sài Gòn (hình chụp chiều ngày 23-3)

Sự cố sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai xảy ra ngày 20-3 đã làm tuyến giao thông đường sắt huyết mạch Nam – Bắc bị ảnh hưởng nghiêm trọng về vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa.

3 ngày, hơn 500 khách trả lại vé tàu

Ngày 22-3, bà Trần Thị Hạnh đến Ga Sài Gòn trả vé chuyến tàu SE4 khởi hành ngày 23-3 từ Sài Gòn ra Hà Nội mà bà mua trước đó ít hôm. Bà Hạnh chia sẻ, sau sự cố bà phải đi xe trung chuyển xuống Ga Biên Hòa mới có thể lên tàu ra Bắc. Mặc dù tiền xe trung chuyển không tốn đồng nào thế nhưng đồ đạc nhiều, lỉnh kỉnh, lại say xe và chuyến đi không quan trọng nên bà quyết định trả vé. Nếu như xuất phát tại Ga Sài Gòn thì rất thuận tiện cho bà vì nhà gần ga, lại có con cháu giúp đỡ mang vác đồ đạc. Chưa kể, chuyến đi này bà còn phải dắt thêm đứa cháu, xuống Ga Biên Hòa, nếu có tàu đi ngay thì đỡ, chứ chẳng may phải ngồi chờ nữa thì vô cùng mệt mỏi.

Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Kim Dung cũng đến trả vé tuyến Sài Gòn – Tuy Hòa khởi hành ngày 23. Lý do trả không phải do bắt buộc đi xe trung chuyển mà bởi sự cố sập cầu khiến bà có chút bất an. “Tôi dự định ra nhà đứa cháu ở Tuy Hòa chơi, nhưng thấy những ngày này, nhiều vụ tai nạn xảy ra quá nên thôi đành lùi lại ngày khác. Chắc đợi dịp hè đi cùng con cháu một lượt cho vui”, bà Dung cho biết.

Có thể thấy sự cố sập cầu Ghềnh đã khiến không ít khách đến trả vé với nhiều lý do khác nhau. Ngày 23-3, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin, 3 ngày sau sự cố sập cầu Ghềnh đã có hơn 500 khách đến trả lại vé. Ngày đầu tiên là 300 vé, ngày thứ hai là 115 vé và ngày kế tiếp (tức ngày 22-3) là 92 vé. Khách trả vé được hoàn tiền đầy đủ. Những khách tiếp tục đi đã được ga hỗ trợ miễn phí tiền trung chuyển đến Ga Biên Hòa vì đây là sự cố không ai mong muốn. 

Ghi nhận vào chiều ngày 23, chúng tôi thấy còn rất nhiều khách xếp hàng trả vé. Hầu hết là chuyến Sài Gòn đi Hà Nội. Chị Hồng Ánh, trả vé tuyến Sài Gòn –  Hà Nội chia sẻ, sau thông tin sự cố cầu Ghềnh, chị lên internet xem thử vé máy bay giá rẻ thấy chỉ đắt hơn vé tàu 250 ngàn nên chị quyết định trả lại, chuyển sang đi máy bay.

Ga Sài Gòn là bến chính của tuyến đường sắt Nam – Bắc, vì thế lượng khách đến – đi mỗi ngày luôn đông. Thống kê từ ga này, trung bình mỗi ngày tuyến Sài Gòn – Hà Nội có khoảng 2.500 khách đi và tương tự chiều ngược lại. Sau sự cố, số lượng khách không những giảm mà chuyến tàu cũng giảm. Ông Văn cho biết: “Lúc trước có 9 đôi tàu hoạt động mỗi ngày nhưng hiện tại thì còn 8 đôi. Tuyến Phan Thiết – Sài Gòn đã tạm dừng”.

Hiện tại Ga Sài Gòn vẫn bán vé bình thường. “Kể từ ngày 23-3, ga quyết định vận hành bình thường các chuyến tàu từ Ga Sài Gòn đến Ga Dĩ An. Tại Dĩ An, khách sẽ xuống tàu lên xe trung chuyển đến Ga Biên Hòa mà không mất tiền. Mục đích nhằm rút ngắn khoảng trung chuyển bằng ô tô từ Sài Gòn đến Biên Hòa để khách đỡ vất vả. Hơn nữa, các chuyến tàu vẫn được hoạt động bình thường mà không nằm im một chỗ”, ông Văn cho biết.

Nhiều lô hàng ứ đọng

Ngoài những ảnh hưởng liên quan đến vận chuyển hành khách, không ít đơn vị doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng hóa cũng đang điêu đứng trước sự cố cầu Ghềnh. Chỉ tính riêng Ga Sóng Thần có 3 đơn vị vận chuyển hàng hóa đang hoạt động, bao gồm Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần, Chi nhánh Vận tải phía Nam (một doanh nghiệp ở Hà Nội) và một công ty chuyên vận chuyển container đang chịu không ít thiệt hại.

Công nhân đang bốc xếp hàng hóa tại Ga Sóng Thần (hình chụp ngày 22-3)
Thông tin từ ga tàu Sài Gòn, ngay sau khi sự cố sập cầu Ghềnh, ngành đường sắt hiện tại đã tạm ngưng tiếp nhận đơn hàng mới chuyển đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc. 

Trưa ngày 22-3, trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Cư – Trưởng trạm Vận tải hàng hóa Ga Sóng Thần của Chi nhánh Vận tải đường sắt Sóng Thần than thở, hiện hàng hóa chưa làm hóa đơn và làm hóa đơn rồi còn tới 28 toa. Trung bình một toa chứa 26 tấn, tính ra tổng cộng là 728 tấn đang tồn ứ. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển số hàng hóa này của hành khách, Ga Sóng Thần phải tiến hành thỏa thuận, trao đổi với khách hàng tìm hướng giải quyết. Khách hàng tiếp tục vận chuyển bằng đường sắt, chi nhánh sẽ hỗ trợ trung chuyển hàng hóa lên Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh (Đồng Nai) rồi tiếp tục vận chuyển đến bến Biên Hòa, theo đó đường sắt sẽ chịu mọi chi phí. Còn khách hàng có nhu cầu tự vận chuyển thì có thể đề xuất công ty hỗ trợ một phần, giảm bớt thiệt hại.

Bà Cư cho biết: “Uớc tính thiệt hại của 3 công ty vận tải trong một tuần từ sự cố sập cầu Ghềnh là 13.375 tấn hàng, tương đương doanh thu gần 8,2 tỷ đồng. Mặc dù có những chính sách hỗ trợ nhưng không biết có đáp ứng tiêu chí của khách hàng hay không. Hàng hóa đang tập kết ở Sóng Thần sẽ vận chuyển lên tàu một cách thuận lợi vì ở đó có đến 12 đường dỡ xếp. Khi lên đến Hố Nai, Trảng Bom, Long Khánh… chỉ có 1 đến 2 đường dỡ xếp, 1 lần chỉ vài toa, chắc chắn sẽ khó khăn.

Cũng theo bà Cư: Tình hình kinh doanh hiện tại của các đơn vị đang ổn định. Sau sự cố, nhiều khách hàng thân quen có thể chuyển sang gửi hàng bằng nhiều đường khác. Với thời gian khắc phục sự cố khoảng 3,5 tháng, quá trình gửi hàng của họ cũng đi vào ổn định. Lúc bấy giờ rất khó mà khách hàng quay lại với chúng tôi. Kéo theo đó, nhiều nhân viên đang hoạt động tại Sóng Thần có nguy cơ thất nghiệp.

Bài, ảnh: Trinh Ngọc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)