Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên nằm trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông và Đồng Nai, hiện là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới và được công nhận là khu Ramsar. Bao quanh VQG là sông Đồng Nai rộng lớn, cung cấp nước ngọt cho gần 18 triệu dân vùng Đông Nam bộ. Thời gian gần đây, trên các đoạn sông Đồng Nai đã và đang diễn ra tình trạng bơm hút cát rầm rộ, đe dọa VQG cũng như cuộc sống của người dân sống hai bên bờ sông.
Vườn quốc gia kêu cứu
Dòng sông Đồng Nai chảy quanh VQG Cát Tiên có chiều dài gần 100km. Con sông là ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước; hệ thống sông đã góp phần rất lớn trong việc tạo ổn định các hệ sinh thái bên trong vườn. Theo ông Phạm Hữu Khánh, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế VQG Cát Tiên, sông Đồng Nai là ranh giới tự nhiên tuyệt vời cho công tác bảo vệ VQG. Đồng thời, đây là nguồn cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho gần 18 triệu dân sống ven con sông, thuộc vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ. VQG Cát Tiên và sông Đồng Nai có sự tương tác qua lại, chặt chẽ với nhau. Với hệ sinh quyển đa dạng và phong phú, VQG Cát Tiên có chức năng tiếp nước ngầm, kiểm soát dòng chảy, lọc bẩn… cho nước sông Đồng Nai. Ngược lại, sông Đồng Nai sẽ cung cấp nước, bù đắp dưỡng chất cho thực vật và động vật trong VQG.
Khai thác cát tràn lan trên sông Đồng Nai
Với sự hỗ tương như vậy, nhưng hiện VQG Cát Tiên đang lâm nguy. Theo đó, tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai diễn ra thường xuyên, với quy mô lớn đã có những tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ hệ động, thực vật quý giá của VQG Cát Tiên.
Ông Trần Văn Bình, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, cho biết, vườn đã thông báo tình trạng này cho các cơ quan chức năng, đồng thời cảnh báo những nguy hại của việc khai thác cát đối với hệ sinh thái của VQG Cát Tiên; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng kiểm lâm của VQG phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan đã xử lý nhiều vụ việc bơm, hút trộm cát gây ảnh hưởng tới VQG. Do địa bàn giáp ranh giữa nhiều tỉnh nên việc triển khai bắt quả tang các đối tượng rất khó khăn, đã vậy việc xử lý lại càng không tới nơi tới chốn.
“Khai thác cát làm lở đất ven sông của người dân, ảnh hưởng tới kinh tế hộ gia đình nên người dân phản ứng mạnh mẽ, gửi đơn phản ánh khắp nơi, nhưng cũng chỉ như “nước đổ lá khoai”. Nói thật, chúng tôi đang ở trong cảnh “lực bất tòng tâm” vì vấn đề khai thác cát trái phép ngoài tầm kiểm soát của VQG. Giấy phép khai thác do lãnh đạo các tỉnh cấp phép. Có nơi được cấp phép khai thác đến 23 năm, không hiểu cát đâu nhiều đến như vậy? Hơn nữa chúng tôi đã kiến nghị tới cơ quan chức năng nhiều lần rồi, nhưng việc xử lý không đến đâu, vì vậy anh em của hạt cũng nản lòng”, ông Trần Văn Bình nói.
Tan hoang rẫy, vườn
Một kiểm lâm viên nhiều năm gắn bó với VQG Cát Tiên đưa chúng tôi đi khảo sát các địa điểm khai thác cát xung quanh vườn vào những ngày đầu tháng 4. Đi xuyên qua khu rừng rậm bằng con đường gập ghềnh đá dài gần 10km, chúng tôi xuống một bến đò thuộc địa phận xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai). Trên chiếc xuồng nhỏ, chúng tôi cùng 2 kiểm lâm viên Trạm quản lý và bảo vệ rừng Đà Kộ, ngược dòng Đồng Nai để tiếp cận các “đại công trường” khai thác cát.
Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là dòng nước đục ngầu, hai bên bờ chỗ sụt, chỗ lở, lộ trên mặt nước là những cây gỗ khô khốc, những bụi tre nứa vàng úa. Sông Đồng Nai đoạn này rộng chừng 200m. Vừa điều khiển xuồng máy, kiểm lâm viên Nguyễn Hoàng Cảnh cau mày cho biết, anh đã có 4 năm công tác ở trạm này với nhiệm vụ canh giữ những cây gỗ lâu năm, những con thú quý hiếm đang có nguy cơ bị triệt hạ bởi lưỡi cưa và đầu súng của lâm tặc. Mỗi kiểm lâm viên ở đây được giao bảo vệ khoảng 400ha rừng và những thứ có trong khu rừng. Công việc trên mặt đất vốn dĩ đã khó khăn, vất vả nhưng anh và đồng đội lại phải kiêm nhiệm thêm công tác tuần tra trên sông Đồng Nai, để ngăn chặn tình trạng “sa tặc” gây ảnh hưởng tới VQG. Công tác này cũng quan trọng không kém công việc bảo vệ cây và thú rừng.
Trên chiếc xuồng nhỏ, chúng tôi xuôi dòng chừng hơn chục phút, thì bỗng từ xa, một chiếc tàu cỡ lớn tiến ngược về phía xuồng máy chúng tôi. Một kiểm lâm viên chỉ tay và nói: “Tàu hút cát đó, giờ này đang chạy lên bãi ăn hàng”. Tiến lại gần hơn, chúng tôi thấy rõ trên tàu có những máy bơm công suất lớn, nhiều ống hút như những vòi bạch tuộc quấn nhằng nhịt trên sàn tàu. Chủ tàu thấy chúng tôi quay phim, chụp hình thì thản nhiên ngó lơ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Rất đơn giản vì một điều, họ có giấy phép khai thác.
Xuồng chúng tôi chạy thêm khoảng 30 phút thì đến địa điểm tập kết cát thuộc xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng). Trên bờ, hai máy múc đang hì hục với đống cát to như quả đồi. Dưới sông, 6 chiếc tàu đang chúm chụm chuyển cát lên bờ. Kiểm lâm viên Nguyễn Hoàng Cảnh cho hay, đó chỉ là một điểm trên dọc tuyến sông Đồng Nai chảy qua VQG. Trong con suối Đạ Tẻh, một nhánh đổ ra sông Đồng Nai, có khoảng chục điểm như thế. “Hết nạc lại vạc đến xương”, khi cát ở địa điểm được cấp phép bị hút đến cạn kiệt, những người bơm hút cát có phép lại biến thành “sa tặc” khi điều khiển tàu đến đoạn sông khác, cắm vòi xuống để hút cát. Phía bờ VQG Cát Tiên, dòng sông Đồng Nai đã ngoạm sâu vào đất rừng vài mét, kéo dài cả 5km, bởi phương thức hút cát như vừa nêu. Theo giấy phép được cấp, các doanh nghiệp chỉ được khai thác ở nửa dòng sông mà tỉnh họ đã cấp phép, nhưng lợi dụng lúc trời nhá nhem tối hoặc rạng sáng, họ đánh tàu sang phía gần bờ của VQG để hút trộm. Thậm chí, họ còn bố trí hệ thống thông tin liên lạc cảnh báo cho nhau. Nếu có lực lượng chức năng di chuyển tới thì những chiếc tàu đang hút cát trộm sẽ ngay lập tức di chuyển sang phía bờ bên kia thuộc tỉnh khác là xong.
“Nhiều hôm chúng tôi mật phục, đi men theo đường rừng bên bờ sông, quay phim chụp ảnh được tàu hút trộm cát rõ ràng, ấy vậy nhưng khi tới làm việc họ còn chối bay chối biến. Rồi cũng có vài vụ bị xử lý, nhưng chẳng thấm vào đâu”, kiểm lâm viên Nguyễn Hoàng Cảnh tâm sự.
Một cán bộ xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) bức xúc cho biết, người dân sản xuất nông nghiệp trong vùng “đau đầu” với tình trạng khai thác cát vô tội vạ trong vài năm gần đây. Những rẫy cà phê, vườn mía… của nông dân đang cho thu hoạch, “bỗng dưng” lọt thỏm xuống lòng sông Đồng Nai cũng vì tình trạng hút trộm cát gần bờ, khiến dòng nước xâm thực vào rẫy, vườn.
Tình trạng khai thác cát diễn ra rầm rộ trên sông Đồng Nai đã đe dọa đối với sự sống còn của VQG Cát Tiên. Và dù “sa tặc” có phức tạp đến đâu đi nữa cũng chẳng bằng sự thờ ơ của cơ quan chức năng các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai. Đó mới là điều đáng buồn thật sự.
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên, cho biết: “Ngoài tình trạng khai thác cát đang diễn ra rất phức tạp thì ở thượng nguồn sông Đồng Nai, do có nhiều đập thủy điện chặn dòng đã khiến ở một số điểm trở thành đoạn sông “chết”. VQG yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá tác động môi trường do tình trạng khai thác cát đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực VQG. Chúng tôi cũng kiến nghị các cơ quan chức năng không nên tiếp tục cấp phép khai thác khoáng sản trên sông và có biện pháp quản lý các tổ chức, cá nhân đang được phép khai thác cát; thu hồi giấy phép, buộc khắc phục hậu quả đối với những cá nhân vi phạm”. |
Đức Trung – Nông Ngân/ SGGP
Bình luận (0)