Thành An Thổ (thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), nơi lưu dấu sự kiện phong trào Cần Vương chống Pháp ở tỉnh này và còn là nơi sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Thành An Thổ nhìn từ cổng chính |
Ngày đầu năm 2016, chúng tôi trở lại nơi này, nước sông Cái vẫn hiền hòa chảy, những người con của vùng đất lưu dấu biết bao sự kiện văn hóa, lịch sử ấy vẫn kiên quyết bám trụ, dẫu thiên tai, nghèo khó bủa vây.
Lưu dấu phong trào Cần Vương
Theo sách sử, Phủ Phú Yên được thành lập năm 1611, chỉ với hai huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa. Lúc bấy giờ dinh Trấn Biên nằm ở vùng hạ lưu sông Cái (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An ngày nay). Năm 1832, vua Minh Mạng cho nâng cấp Phú Yên thành đơn vị hành chính cấp tỉnh. Thành An Thổ được xây dựng vào năm 1836, tức đời Minh Mạng thứ 17 thuộc thôn Long Uyên, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, sau khi chuyển tỉnh lỵ về đây. Sau này, thôn An Thổ được tách ra từ thôn Long Uyên và dinh phủ thuộc thôn An Thổ và trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899 và phủ lỵ của tỉnh Phú Yên từ năm 1899 đến năm 1939.
Thành An Thổ được xây dựng theo kiểu thành Vauban của Pháp, có bình đồ hình vuông, độ dài mỗi cạnh khoảng 300m và có chu vi lên đến 1.360m. Thành có 4 cửa với tên gọi là cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Hữu và cửa Tả tương ứng với 4 hướng Đông, Tây, Nam và Bắc. Bên ngoài thành có hệ thống hào nước bao bọc. Chính giữa thành dựng hành cung, phía trước dựng kỳ đài. Phía sau lưng dựng kho tàng. Bên tả là dinh tổng đốc (quan kiêm quản vài tỉnh hoặc đứng đầu một tỉnh lớn), tuần vũ (tức tuần phủ – đứng đầu một tỉnh nhỏ), án sát (thời Tự Đức, án sát là tỉnh phó của tỉnh nhỏ). Bên hữu là dinh bố chánh (bố chánh là chức quan sau tuần phủ hoặc tổng đốc, coi việc tài chính thời nhà Nguyễn); lãnh binh (quan võ nắm quân đội cấp tỉnh). Trại lính đặt ở các cửa. Nhà ngục thì đặt ở cửa Bắc.
Du khách tìm hiểu về sa bàn thành An Thổ Một điểm đến trong tuyến du lịch đến Phú Yên Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ, bên cạnh những sự kiện lịch sử được nhiều người quan tâm, thành An Thổ là một điểm đến trong tuyến du lịch đến Phú Yên (Mũi Điện – gành Đá Dĩa – thành An Thổ – chùa Đá Trắng – vịnh Xuân Đài…). Thành còn là niềm tự hào của người dân Phú Yên về truyền thống đạo nghĩa, uống nước nhớ nguồn, khơi gợi lòng tự hào dân tộc ở thế hệ trẻ. |
Thành An Thổ là nơi lưu dấu dự kiện quan trọng của phong trào Cần Vương chống Pháp ở Phú Yên cuối thế kỷ 19. Năm 1886, nghĩa quân Cần Vương do Lê Thành Phương chỉ huy bao vây đánh chiếm thành An Thổ nhưng sau đó bị thực dân Pháp phản công và đàn áp ác liệt. Lê Thành Phương bị bắt và bị xử chém tại bến đò Cây Dừa vào ngày 20-2-1887, cách thành hơn 1km đường chim bay.
Theo nhiều tài liệu lưu trữ tại đây, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, thành An Thổ còn là nơi đặt Trường Trung học kháng chiến Lương Văn Chánh. Cũng tại đây, vào năm 1901, ông Trần Văn Phổ (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) được bổ nhiệm làm giáo thụ phủ Tuy An. Thời gian này, ông Phổ đã đưa gia đình vào đây sinh sống và hạ sinh người con thứ 7 là Trần Phú vào ngày 1-5-1904.
Di tích khảo cổ
Thời gian ông Trần Văn Phổ, cha Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú dạy học tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên và mẹ ông, bà Hoàng Thị Cát hạ sinh ông tại đây. Nơi đây gắn với tuổi thơ của ông (1904-1907). Ngày 22-8-2005, Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận thành An Thổ là di tích khảo cổ quốc gia.
Tại tầng trên của thành An Thổ ngày nay, có đặt bàn thờ cố Tổng Bí thư Trần Phú và nơi trưng bày hiện vật, tư liệu liên quan đến thân thế, cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí. Bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương, minh chứng lòng thành kính đối với vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tầng dưới, trước là tòa công đường có diện tích 750m2 là nơi trưng bày hiện vật, hình ảnh di tích khảo cổ thành An Thổ được khai quật vào cuối năm 2008, phát hiện nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như đá xây thành, ngói trang trí, tiền kim loại…
Thành An Thổ còn là điểm đến sinh hoạt ngoại khóa của học sinh, sinh viên và địa chỉ đỏ trong những chuyến về nguồn, du lịch biển miền duyên hải Nam Trung bộ. Chị Nguyễn Phương Hoàng, cán bộ Đoàn huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết sắp tới chị sẽ tổ chức chuyến tham quan về nguồn ở thành An Thổ cho đoàn viên các xã có nhiều đóng góp trong phong trào Đoàn. Được biết, 5 năm trước chị Hoàng vinh dự được cơ quan làm lễ kết nạp Đảng tại đây.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)