Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cạn nguồn tuyển giáo viên ngoại ngữ?

Tạp Chí Giáo Dục

Tính đến tháng 7-2015, mới chỉ có trên 32% giáo viên (GV) dạy ngoại ngữ của Việt Nam đạt chuẩn. Trong khi đó, theo lộ trình của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến năm học 2018-2019, 100% học sinh lớp 3 sẽ được học ngoại ngữ. Thời gian chỉ còn 2 năm, ngành giáo dục sẽ chuẩn bị như thế nào để thực hiện được kế hoạch đã đề ra?

Trong giờ học tiếng Anh tại Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: I.T

Thiếu nhưng không có nguồn tuyển

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Lai Châu, năm học 2015-2016, cấp tiểu học toàn tỉnh có 68 GV dạy môn tiếng Anh. Dù tổ chức tuyển dụng từ năm 2011, nhưng đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 91/147 trường tiểu học chưa có GV dạy tiếng Anh. Nguyên nhân là do thiếu nguồn tuyển, người địa phương học sư phạm tiếng Anh ít. Lai Châu lại là tỉnh miền núi, giao thông đi lại khó khăn, nên không thu hút được GV người miền xuôi lên công tác.

Tại tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh có 56 GV dạy tiếng Anh cấp tiểu học. Đối với tỉnh Hà Giang, năm học này tỉnh mới có 109/227 trường tiểu học dạy tiếng Anh. Hiện các trường tổ chức dạy tiếng Anh tập trung ở các trường học 2 buổi/ngày, không tổ chức tại các trường học 1 buổi/ngày vì không có GV. Thực tế cho thấy, số lượng GV dạy tiếng Anh trong trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày không đủ để sắp xếp dạy so với tiếng Anh 4 tiết/tuần từ lớp 3 đến lớp 5. Do vậy, cùng trong một trường có lớp học 4 tiết/tuần nhưng cũng có lớp chỉ học 2-3 tiết/tuần. Các trường chưa đủ biên chế GV dạy nên không đảm bảo chương trình, thời gian rèn 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học sinh nên chất lượng môn học chưa cao. Kiểm tra học kỳ I, cuối năm chưa có điều kiện tổ chức đủ 4 kỹ năng mà chỉ tập trung hầu hết ở kỹ năng viết.

Bà Phùng Thị Hoàng Yến – chuyên viên Sở GD-ĐT Phú Thọ – cho biết năm 2011, khi đánh giá đội ngũ GV tiếng Anh của tỉnh, 100% GV không đạt chuẩn. Con số này khiến sở, các trường cũng như chính bản thân GV sốc và choáng.

Nhiều tỉnh khác hiện nay cũng còn thiếu đến 50% GV dạy ngoại ngữ. Nguyên nhân theo cô Nguyễn Thị Thúy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ I (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là do không có chỉ tiêu để tuyển. Do đó, nhiều GV gắn bó với nghề 10 năm cũng phải bỏ đi làm việc khác. Hoặc nếu có chỉ tiêu thì người nộp hồ sơ tuyển lại không đạt chuẩn. Ông Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cũng khẳng định tuyển được GV ngoại ngữ đạt chuẩn  rất khó.

Phần lớn GV chưa đạt chuẩn

Thiếu số lượng là một vấn đề nhưng yếu về chất lượng sẽ còn cần cả một chặng đường dài phía trước để “bồi đắp”. Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục, Bộ GD-ĐT – cho biết tính đến tháng 7-2015, trên 50% GV tiếng Anh tiểu học, 63,29% bậc THCS và 73,88% cấp THPT chưa đạt chuẩn. “Với số lượng GV chưa đạt chuẩn còn lại, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian, ngân sách để tiếp tục bồi dưỡng. Đây là khó khăn, rào cản lớn cho việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình tiếng Anh mới”, bà Hồng cho biết. Thậm chí, theo Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT thì có địa phương số lượng GV đạt chuẩn chỉ đạt 5,7%. Bà Phùng Thị Hoàng Yến – chuyên viên Sở GD-ĐT Phú Thọ – cho biết năm 2011, khi đánh giá đội ngũ GV tiếng Anh của tỉnh, 100% GV không đạt chuẩn. Con số này khiến sở, các trường cũng như chính bản thân GV sốc và choáng. Ngay sau đó, Sở GD-ĐT tiến hành bồi dưỡng cho GV ngoại ngữ với 400 tiết bồi dưỡng trên lớp, 300 tiết online. GV được bồi dưỡng 3 tháng liền, không phải dạy học. Trong quá trình bồi dưỡng, sở yêu cầu đơn vị nhận bồi dưỡng phải thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra đánh giá cũng như thái độ chuyên cần của GV.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Thu – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang cũng cho biết năm 2011 qua đợt khảo sát, tỷ lệ GV đạt chuẩn của tỉnh rất thấp. Theo số liệu của Sở GD-ĐT Bến Tre, năm học 2011-2012, năm học đầu tiên triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, toàn tỉnh có 212 GV ngoại ngữ. Qua đợt khảo sát, chỉ có 2,4% GV đạt năng lực bậc 4 (B2 trong khung tham chiếu châu Âu – PV), bậc 3 là 39,2% và dưới bậc 3 là 58,4%. Đến nay, qua các đợt bồi dưỡng, tỷ lệ GV đạt chuẩn đã nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, dưới bậc 3 vẫn còn 11,6%.

Đó là chưa kể đến kỹ năng của GV. Một số sở cho biết GV vẫn yếu hai kỹ năng là nghe và nói. Trong một trường nhưng mỗi GV nói một kiểu nên học sinh không có chuẩn để theo. Đây cũng là một khó khăn cần được giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Nghiêm Huê

Bình luận (0)