Trẻ biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương người xung quanh sẽ nhận lại được những giá trị ấy
|
Dạy trẻ biết quan tâm, chia sẻ với người xung quanh sẽ giúp trẻ từng bước hình thành những tính cách tích cực. Theo đó, trẻ sẽ giao tiếp ôn hòa, nhận biết cảm xúc và lắng nghe người khác. Ngoài ra, trong từng hoàn cảnh trẻ có thể phản ứng phù hợp và hợp tác với người xung quanh.
Những hành động đáng buồn
Mới học lớp 1 nhưng em Thúy H. (học sinh Trường TH Đặng Trần Côn, Q.4) nổi tiếng là một cô bé học giỏi, con nhà giàu. Mọi đồ dùng học tập của em đều đầy đủ, đẹp và tốt. Bên cạnh đó, Thúy H. còn nổi tiếng là cô bạn lạnh lùng, khó gần thậm chí nhiều bạn trong lớp còn cho rằng em kiêu ngạo. Chẳng là một lần giáo viên chủ nhiệm thấy một em trong lớp không có bút tô màu liền mượn bút của H. cho em kia dùng. Khi thấy cô giáo mượn bút của mình không dùng mà đưa cho bạn, H. liền đòi lại. Thấy cây bút bị mòn, em yêu cầu bạn đền lại cây mới. Đòi không được, H. nhảy vào giựt tóc bạn mặc cho cô giáo chủ nhiệm khuyên ngăn. Sự việc phức tạp đến độ phải đưa xuống Hiệu trưởng nhà trường giải quyết song cũng không thành, cô bé vẫn một mực đòi lại bút mới.
Thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn, cho biết: “Tôi đã giải thích hết lời nhưng em H. không chịu nhận cây bút màu đã mòn. Trái lại cô bé không nhận lỗi về hành vi giựt tóc bạn, mặc cho bạn nước mắt ngắn dài. Cô bé còn khẳng định: Bạn đã làm hỏng cây bút màu của con và con chỉ đòi lại bút mới. Con không có lỗi gì cả, bạn mới là người có lỗi”.
Theo thầy Đặng Văn An, trường hợp của H. không khó bắt gặp ở môi trường tập thể như trường học. Nhiều học sinh sợ mất mát, hư hao đồ dùng, tài sản cá nhân nên không cho bạn bè xung quanh mượn khi cần. Điều đáng nói, những hành động này đều thực hiện theo lời dặn dò của phụ huynh. Đơn cử như trường hợp của H., cô bé chia sẻ: “Ở nhà mẹ dạy con không được cho người khác mượn, sử dụng đồ dùng của mình. Và con cũng không sử dụng đồ đạc của người khác. Như thế là công bằng nhất”. Trước hành động của H., người đối diện buồn em một nhưng buồn phụ huynh mười. Không biết lời dặn dò của mẹ là cách giáo dục con cái hay vô tình H. đã hiểu sai lời căn dặn mà có hành xử như vậy. Hành động này còn thể hiện cô bé là người ích kỷ.
Cô Phạm Thị Xuân Lan, Hiệu trưởng Trường TH Tô Hiến Thành (Q.10), chia sẻ: “Trường hợp phụ huynh căn dặn con không được cho bạn mượn đồ dùng cá nhân để tránh mất mát là có chứ không phải là không. Từ đó các em không chia sẻ với bạn bè trong lớp, đặc biệt là những bạn khó khăn. Hành động này có thể biến trẻ thành người ích kỷ từ nhỏ đến khi trưởng thành”. Cô Trần Thị Lan, Hiệu trưởng Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4), cho biết cảm thấy buồn khi chứng kiến những hành động vô cảm của một vài em học sinh trong trường. Cô kể, tại một buổi học võ đã tan, các em mồ hôi nhễ nhại ngồi chờ ba mẹ đến đón. Lúc sau có một số em được ba mẹ đón về trước và mua nước cho uống. Một số em khác vẫn đứng chờ ba mẹ, thấy bạn uống mà không dám xin, còn đợi bạn mời một câu thì không có, phụ huynh đứng bên cũng không nhắc nhở con mời bạn một tiếng. “Chỉ một ngụm nước nhưng không em nào nói lời mời, cha mẹ đứng bên cũng không để ý. Nhìn thấy học sinh tiết kiệm lời mời và có hành động chia sẻ, thật tình ai cũng cảm thấy buồn”, cô Trần Thị Lan nói.
Dạy trẻ biết quan tâm
Trong tâm thức của trẻ nhỏ, người lớn có thể trở thành thần tượng, nên các em rất biết nghe lời, lắng nghe và làm theo. Nếu như ở nhà được cha mẹ chăm sóc chu đáo, dành nhiều tình thương yêu thì mỗi lời cha mẹ nói ra, các em “nuốt” dần vào trong tâm mà làm theo. Tuy nhiên, do cha mẹ chưa nói một cách tường tận hoặc cũng có thể do trẻ hiểu máy móc nên có những biểu hiện, hành xử ích kỷ với bạn mình. Thầy Đặng Văn An cho biết: “Cha mẹ nên khéo léo trong việc giáo dục con, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp qua việc dạy cho trẻ biết quan tâm, yêu thương, chia sẻ dù chỉ là cây bút, cây thước, cái bánh… đến những người xung quanh”.
Về vấn đề này, ThS. Tô Nhi A, giảng viên Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM, cho rằng việc trẻ có tính ích kỷ đơn giản chỉ là “sao chụp” lại. Muốn trẻ biết quan tâm, yêu thương người khác thế nào, phụ huynh phải thực hiện được điều đó để tạo ra một minh chứng sống cho trẻ. Đây là một quá trình dài và phức tạp, đòi hỏi sự kỳ công. Hãy nói với trẻ về giá trị bản thân, từ đó để trẻ yêu thương và tôn trọng chính mình. Việc trẻ trân quý bản thân mình ra sao thì cũng phải biết trân quý người khác như vậy. Vì chính người khác sẽ giúp trẻ cũng như trẻ sẽ giúp ngược lại họ. Thành công sẽ đến dễ hơn nếu trẻ biết hợp tác và hỗ trợ với bạn bè của mình. Bên cạnh đó, tích cực giúp trẻ tiếp xúc với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình, cũng như tận dụng những hoạt động ở trường học. Việc làm này cho trẻ trải nghiệm thực tế mình đã đầy đủ thế nào và những người bất hạnh hơn mình, họ đã sống và cố gắng ra sao. Từ đó trẻ hiểu và thực hiện một cách tự nguyện việc chia sẻ, thấu cảm cùng người khác.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Mối quan hệ trong xã hội là một sự tương tác của tập thể chứ không tồn tại ở một cá nhân. Trẻ ích kỷ sẽ khó hòa nhập vào xã hội, tự đẩy mình ra khỏi các mối quan hệ và gặp khó khăn trong cuộc sống”, thầy Đặng Văn An, Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn, chia sẻ. |
Bình luận (0)