Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy trẻ theo lẽ tự nhiên

Tạp Chí Giáo Dục

Thích ứng là một giải pháp giáo dục trẻ trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: N.Trinh

Xã hội càng phát triển thì phương pháp dạy con càng trở nên phức tạp. Khuôn mẫu thường áp dụng ở một số gia đình, như “cố thủ trong phương pháp truyền thống gia đình”, hay hiện đại theo hướng mở là gửi con ở các trường điểm, đến các trung tâm bồi dưỡng kỹ năng để hy vọng vào một kết quả giáo dục tốt đẹp…
Phụ huynh có người hưởng ứng cách thứ nhất, có người lại đồng tình với cách thứ hai. Cả hai cách đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Song, ngày nay có một xu hướng dạy con khác, hướng này đang được một số phụ huynh vận dụng và mang lại những kết quả bước đầu. Đó là dạy con thích ứng. Tuy nhiên, cũng còn không ít phản ứng trái chiều từ những phụ huynh và những người làm công tác giáo dục. Phải chăng, đó là một phương pháp mới hay là sự bất lực của người lớn. Dưới góc nhìn tâm lý, theo tôi cần phải hiểu được nguồn gốc và định hướng khoa học mới có thể giải quyết được vấn đề này.
“Thích ứng” có gốc tiếng Anh là: Adaptation. D.A. Andreeva cho rằng: Phải hiểu sự thích ứng như là sự thích ứng đặc biệt của cá nhân với điều kiện mới, là sự thâm nhập của cá nhân vào những điều kiện đó một cách không gượng ép. Từ đó tác giả đưa ra khái niệm: Thích ứng là một quá trình xây dựng chế độ hoạt động tối ưu và có mục đích của nhân cách.
Đối với trẻ em, từ những năm tháng chào đời đến lúc trưởng thành là một quá trình diễn biến phức tạp của những đặc điểm tâm sinh lý. Trải qua các giai đoạn từ một đứa bé thụ động đến biết khẳng định cái tôi và hoàn thiện từng bước về mặt xã hội là những bước thay đổi về hoạt động chủ đạo – đó cũng là sự thích ứng. Mỗi bước ngoặt này đòi hỏi phải có các cách thích ứng khác nhau. Hình thành khả năng thích ứng cho trẻ là liều thuốc có thể miễn dịch được những tác động tiêu cực của môi trường bên ngoài.
Tự do phát triển
Một số phụ huynh tin rằng con mình sẽ phát triển tốt nhờ thích ứng với hoàn cảnh xung quanh, theo họ làm như vậy trẻ ít bị tập nhiễm bởi thói hư, tật xấu, hình thành khả năng tự điều chỉnh, có sức đề kháng tuyệt vời với môi trường – đó là cách: Hãy để con được tự do phát triển. Điều khác biệt là phương pháp giáo dục của họ không phải theo cách “phù hợp với sự phát triển theo quy luật sinh học, xã hội” mà họ muốn dạy con kiểu “để con tự xuống nước trẻ sẽ biết bơi”. Cha mẹ cũng không cần theo dõi mà do chính bản thân đứa trẻ quyết định sự phát triển nhân cách. Hiện tượng này đang diễn ra ở một số ít gia đình, tuy nhiên điều mà họ thu được chủ yếu không phải là những thành công. Vậy thì tại sao một số phụ huynh lại đồng tình? Họ còn cổ xúy cho hành động mà theo họ là “gieo tính cách bền vững”, cách lý giải như sau: Xã hội hiện nay cần phải cho con sức đề kháng tốt nhất. Họ không tin vào nhà trường mà tin vào sự trải nghiệm, họ không tin vào cách giáo dục của gia đình vì theo họ người lớn nhiều lúc cũng bế tắc, vậy phải dạy làm sao để đứa trẻ biết tự giải quyết các tình huống mà không phụ thuộc vào người khác. Bằng cách lập luận như vậy, những đứa con của họ sẽ trải qua nhiều lần vấp ngã mà phải tự đứng dậy, như thế sẽ vững vàng để đối mặt trước khó khăn, thử thách. Cũng có thể xem cách giáo dục này là một cách mới, nhưng cách này là thể hiện sự cực đoan, bất lực.
Chúng ta liên tưởng đến cách giáo dục của Giăng Giắc Rút-xô (1712-1778, nhà giáo dục Pháp). Theo ông, trẻ từ lúc lọt lòng đến 2 tuổi: Muốn trẻ phát triển tự nhiên thì phải để trẻ làm quen với nước lạnh, giáo dục tiêu cực để trẻ không sợ những con thú, con vật lạ. Còn với trẻ từ 2 đến 12 tuổi, ông lý giải rằng: “Xã hội loài người đã xấu xa thì giáo dục trẻ em là phải làm như thế nào cho chúng thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của xã hội ấy và giữ được bản chất lương hảo của con người”. Do đó ông chủ trương “giáo dục tự do”. Ông nhấn mạnh: “Không nên cấm đoán trẻ một tí gì, phải để trẻ tự rút kinh nghiệm. Thí dụ nếu trẻ đánh vỡ cửa kính thì người lớn cứ để mặc, tối đi ngủ thấy lạnh trẻ sẽ hiểu rằng phá vỡ cửa kính có hại như thế nào, lần sau không bao giờ làm vỡ nữa…
Theo lẽ tự nhiên để thích ứng
Đó là ý kiến của nhiều nhà khoa học nghiên cứu về tâm lý hiện nay. Phù hợp với tự nhiên – có nghĩa là người lớn nên bám sát vào sự phát triển tâm sinh lý ở từng độ tuổi mà đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp, để tác động sao cho có hiệu quả. Phù hợp với tự nhiên cũng có nghĩa cho trẻ được khám phá thế giới xung quanh bằng chính khả năng của mình, qua đó trẻ sẽ thu được những “kinh nghiệm” cho bản thân. Còn kiểu giáo dục “tự do” không thể mang lại điều tốt đẹp cho trẻ, đó là biện hộ cho sự bất lực. Một đứa trẻ lớn lên mà thiếu cảm xúc, lì lợm, ngang tàng, không theo các chuẩn mực, bất chấp tất cả thì kẻ đó nhất định sẽ bị xã hội đào thải. Chúng ta dạy con hướng thiện, điều cần thiết là luôn cần có sự giúp đỡ gián tiếp hoặc trực tiếp của người lớn. Nhân cách con người không hình thành và phát triển tốt đẹp theo cách tự phát và tùy tiện để thích ứng mà luôn phải chịu sự tác động của một hệ thống, những chủ thể nhất định.
Thứ nhất, rèn các kỹ năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống. Hãy cho trẻ tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội mới. Khi không có ba mẹ ở bên, trẻ sẽ có cách để hòa nhập và sống có ích trong cuộc sống mới. Hầu như đứa trẻ nào cũng thích tự khẳng định mình, chẳng hạn về quê sống với bà con, họ hàng trẻ sẽ phát huy tốt các kỹ năng đó. Miền quê bình yên sẽ để lại những ký ức tốt đẹp và ấn tượng nhất cuộc đời trong mỗi đứa trẻ. Những hình ảnh bình dị, gần gũi ở quê nhà sẽ hun đúc tâm hồn của trẻ, giúp chúng thêm yêu quê hương, đất nước qua những hình ảnh cụ thể như cánh cò, lũy tre làng, cây đa, bến nước. Hòa nhập được vào điều kiện sống và sinh hoạt của người miền quê giúp các em chững chạc và trưởng thành hơn. Với những kỹ năng đó các em sẽ phát triển hài hòa hơn, tự hoàn thiện nhân cách của mình.
Thứ hai, hãy để trẻ có điều kiện được giao lưu với trẻ cùng độ tuổi. Đây cũng là giải pháp để trẻ có thể nâng cao sức đề kháng của mình. Trong gia đình, phương pháp của cha mẹ thường trói buộc trẻ, các em sẽ không có điều kiện thuận lợi để phát huy tính tích cực và điều quan trọng là tâm lý thụ động, trơ lì, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện. Tâm lý cha mẹ thường suy nghĩ tiêu cực về môi trường xung quanh mà trẻ đang sống, họ cho rằng con mình luôn được cha mẹ giáo dục, chăm sóc đầy đủ, không thiếu thốn về vật chất – tinh thần thì không cần phải tiếp xúc với môi trường xung quanh. Đó là cách lý giải sai lầm nghiêm trọng. Cho con tiếp xúc với trẻ xung quanh nhưng có sự định hướng của cha mẹ thì trẻ sẽ học được nhiều điểm tích cực của các bạn và biết cách ứng xử với thói hư tật xấu. Khi được tiếp xúc với bạn bè cùng tuổi thì trẻ càng có điều kiện để hiểu thêm những trò chơi, những cách giải quyết một vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ đó. Đồng thời qua việc tiếp xúc này còn giúp trẻ hình thành những nét tâm lý mới như tính độc lập, chủ động, sáng tạo, biết kiềm chế cảm xúc, rèn luyện các thói quen hành vi tích cực.
Tóm lại, thích ứng như là một giải pháp giáo dục cần thiết cho trẻ trong giai đoạn hiện nay. Đó cũng là cách giáo dục mới, nó chỉ phát huy được khi biết vận dụng phù hợp với các quy luật của cá nhân và xã hội. Thực chất là theo lẽ tự nhiên.
Nguyễn Văn Công (Giảng viên tâm lý học)
 
Thích ứng cần có sự hướng dẫn của người lớn
Do đặc điểm tâm sinh lý cá nhân còn ở mức độ hạn chế, như hiểu biết, kinh nghiệm, mạnh về cảm xúc, dễ tập nhiễm thói quen xấu… nên khi phụ huynh cho trẻ tự do tham gia với mỗi hoạt động cần có sự hỗ trợ, định hướng, giáo dục, uốn nắn, rút kinh nghiệm cho trẻ, chú ý không để trẻ tùy tiện, tự do một cách vô kỷ luật.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)