Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Số phận đàn hươu trắng quý hiếm ở kho vũ khí của quân đội Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

Đàn hươu hàng trăm con lang thang giữa những két chứa đạn dược ở kho vũ khí bỏ hoang của quân đội Mỹ đang phải đối mặt với một tương lai mù mịt.

so-phan-dan-huou-trang-quy-hiem-o-kho-vu-khi-cua-quan-doi-my

Đàn hươu trắng quý hiếm trong kho chứa đạn ở Seneca, New York, Mỹ.

Theo AP, những con hươu trắng, kết quả tự nhiên của đột biến gene, sinh sôi trên 28 km2 đất có hàng rào bao quanh, tại Seneca Army Depot, New York, một trong các kho cất trữ bom đạn quan trọng nhất của quân đội Mỹ thời Chiến tranh Lạnh. Chính quyền địa phương đang tìm cách đưa kho vũ khí vào đấu thầu trong tháng tới, làm dấy lên những lo ngại về số phận của đàn hươu trắng sau thương vụ bán đất.

Đàn hươu có thể tồn tại trong suốt thời gian dài chủ yếu nhờ 39 km hàng rào mắt cáo bao quanh được dựng lên khi kho vũ khí ra đời vào năm 1941. Hươu trắng là biến thể gene tự nhiên của những con hươu nâu thông thường. Chúng không mất mọi sắc tố như trường hợp mắc chứng bạch tạng, mà chỉ thiếu sắc tố ở lông.

Trong tự nhiên, hươu trắng có tuổi thọ rất ngắn và thường dễ dàng trở thành mục tiêu của thú săn mồi và các thợ săn tìm chiến lợi phẩm. Nhiều đàn hươu trắng nhỏ sống rải rác trong những khu vực được bảo vệ ở khuôn viên Phòng thí nghiệm Quốc gia tại Illinois, nhưng Seneca Army Depot là nơi tập trung đông hươu trắng nhất nước Mỹ.

so-phan-dan-huou-trang-quy-hiem-o-kho-vu-khi-cua-quan-doi-my-1

Đàn hươu không thể tồn tại lâu dài nếu hàng rào bao quanh kho vũ khí bị hạ bỏ.

Nhờ sự bảo vệ của quân đội và hàng rào thép gai, đàn hươu trắng có số lượng ước tính lên tới 200 con. Nếu người mua đất hạ hàng rào, những con hươu sẽ không thể tồn tại lâu dài. "Tôi nhìn thấy hươu trắng mỗi ngày. Chúng là những con vật đẹp đẽ. Tôi rất lo chúng bị mất đi môi trường sống nếu họ bán khu đất", Lisette Wilson, chủ một cửa hàng bán nông phẩm và bánh trái cạnh đường cao tốc đối diện kho vũ khí, chia sẻ.

Kho vũ khí Seneca hoàn thiện một tháng trước khi Nhật tấn công Trân Châu cảng, đáp ứng nhu cầu cất trữ đồ quân nhu của nước Mỹ trong 60 năm. Kho bao phủ khu vực rộng hơn thành phố Syracuse ở cách đó 64 km về hướng đông bắc. Bom và đạn dược được lưu trữ trong 500 két chứa bê tông cốt thép. Quân đội Mỹ ngừng sử dụng kho vũ khí này vào năm 2000.

Phương Hoa (theo vnexpress)

 

Bình luận (0)