Sự khác biệt trong cách nói tiếng Anh giữa các quốc gia, thậm chí giữa các địa phương ở cùng đất nước chính là một trong các trở ngại cho những người sử dụng tiếng Anh; nhất là với những du học sinh khi giao tiếp, sinh hoạt và học tập tại nước ngoài.
Lẫn lộn giữa Anh-Anh và Anh-Mỹ
Sự khác biệt đó thể hiện ngay ở bản chất của tiếng Anh – ngôn ngữ được sử dụng toàn cầu – khi cả tiếng Anh của người Anh và tiếng Anh của người Mỹ được sử dụng song song và phổ biến ngang nhau.
Bạn Lê Hằng, từng là học sinh hệ Gymasium trao đổi với Anh quốc và du học bằng học bổng trao đổi sinh viên 2 năm với University at Buffalo, cho biết: Dù sử dụng rất tốt tiếng Anh nhưng khi vào ĐH, tôi chỉ hiểu được 70% những gì giảng viên nói, còn lại là phải hỏi các bạn sinh viên Mỹ. Nguyên nhân là người Mỹ thích sử dụng chữ tắt, thí dụ như cablegram thay cho cable telegram, sportcast thay cho sport broadcast, hoặc là những danh từ hoàn toàn cùng một ý, nhưng mà nói lại khác. Thí dụ như ở Anh quốc gọi xe vận tải là lorry, còn ở Mỹ gọi là truck; ở Anh quốc nói trousers, còn ở Mỹ nói là pants; ở Anh quốc nói là holiday, còn ở Mỹ nói là vacation; ở Anh quốc gọi là wallet, còn ở Mỹ gọi là billfold…
Về phát âm thì người Anh phát âm chữ a rất rõ ràng, và chữ a đó thì người Mỹ phát âm thành ae và ngược lại. Thí dụ như danh từ clerk thì người Anh phát âm là [kla:k], người Mỹ phát âm là [klae:rk]. Hoặc người Mỹ thường nhấn mạnh mẫu tự r hơn người Anh. Thí dụ như danh từ car, người Anh phát âm là [ka:], người Mỹ phát âm là [kar]; với danh từ here thì người Anh phát âm là [hia], còn người Mỹ phát âm là [hiar]…
Theo nhiều du học sinh, trong bản thân tiếng Anh của người Anh cũng có khá nhiều giọng địa phương khác nhau |
Hay trong bản thân tiếng Anh chuẩn của người Anh cũng phân biệt giữa cách diễn tả nội dung giữa normal English (diễn tả ngắn gọn) và basic English (diễn tả dài dòng). Không hẳn là bất cứ người Anh nào cũng nắm vững cách diễn tả nội dung ngắn gọn. Giới bình dân ở Anh cũng diễn tả nội dung rất dài dòng, dù nhiều lúc vẫn hiểu họ muốn nói gì nhưng nghe cũng đủ… chóng mặt. Chỉ những người học cao thì họ diễn tả nội dung bằng những key-words (từ khóa) ngắn gọn.
Quá nhiều giọng địa phương
Tiếng Anh được sử dụng toàn cầu, nhưng không phải quốc gia nào nói tiếng Anh cũng dễ nghe và dễ hiểu do có sự pha trộn giữa chất giọng (accent) và thổ ngữ. “Ở Mỹ, bạn sẽ có dịp nghe tiếng Anh với giọng Pháp, tiếng Anh với giọng một số nước châu Phi, tiếng Anh giọng Ấn… Hồi mới đi du học, tôi ở homestay trong một gia đình người Scotland và tôi hầu như không nghe được những gì họ nói. Ở trường thỉnh thoảng có một vài giảng viên, trợ giảng từ Ấn Độ sang giảng dạy theo chương trình trao đổi văn hóa nhưng họ nói rất khó nghe và rất ít sinh viên hiểu hết được nội dung bài giảng. Có lần, trường tổ chức một buổi nói chuyện giữa sinh viên với một giáo sư ngành CNTT từ Ấn Độ sang. Dù chỉ nghe bập bõm được một vài nội dung nhưng tôi vẫn thấy nhiều bạn vỗ tay khi giáo sư kết thúc bài phát biểu. Hỏi ý kiến một bạn sinh viên người Mỹ ngồi bên cạnh, bạn bảo: “Tao hiểu được chết liền”. Thế mới biết, không phải ai nói tiếng Anh cũng khiến người khác hiểu được”, bạn Lê Ngọc Chiến, cựu sinh viên ngành tài chính kinh doanh quốc tế của ĐH Umass Dartmouth (Mỹ), đánh giá.
Ngay trong bản thân tiếng Anh của người Anh cũng có khá nhiều giọng địa phương khác nhau. “Dù bạn nói chuẩn tiếng Anh của người Anh nhưng sẽ vẫn bị sốc nếu du học ở Anh vì giọng London khác với Liverpool, khác với Manchester, chưa kể đến những tiếng lóng mà người dân địa phương sử dụng. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị trước tinh thần cho chuyện này và nên tập nghe những chất giọng địa phương nơi bạn sẽ du học. Khi không hiểu họ nói gì, bạn có thể nhờ họ nói chậm lại, hay hỏi lại hoặc nhờ họ giải thích. Riêng với các bài giảng, bạn có thể dùng máy ghi âm để về nhà nghe lại. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, bạn cần phải xin phép giảng viên và tuyệt đối không được phát tán ra ngoài vì lý do vi phạm luật bản quyền. Ở nước ngoài, đây là tội rất nặng và bạn sẽ phải mất rất nhiều tiền để dàn xếp và xử lý sự việc”, Lê Hằng khuyên.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Dù bạn nói chuẩn tiếng Anh của người Anh nhưng sẽ vẫn bị sốc nếu du học ở Anh vì giọng London khác với Liverpool, khác với Manchester, chưa kể đến những tiếng lóng mà người dân địa phương sử dụng. |
Bình luận (0)