Giảng viên giảng dạy ngày càng xa rời với hoạt động thực tiễn, sinh viên khó tốt nghiệp vì vướng tiếng Anh…, đó là những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị tổng kết Hội đồng hiệu trưởng các trường đào tạo khối ngành du lịch năm học 2014-2015 do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tổ chức ngày 16-9.
Nguy cơ tách biệt với hoạt động thực tiễn
Để đào tạo đáp ứng với nhu cầu doanh nghiệp, giảng viên cần phát huy năng lực tay nghề. Tuy nhiên, việc giảng viên còn xa rời với hoạt động thực tiễn ở doanh nghiệp là thực trạng được các đại biểu đặt ra tại hội nghị này. Ông Phạm Quốc Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết: “Giảng viên ĐH sau một thời gian giảng dạy có nguy cơ tách biệt với hoạt động thực tiễn. Vì thế, các trường vẫn đang chật vật tìm giải pháp nhằm giúp giảng viên gắn liền với hoạt động thực tiễn để có tay nghề cao. Tương tự, sinh viên ĐH cũng có nguy cơ giống giảng viên, tức là ảo tưởng muốn ra trường là làm sếp ngay nhưng tay nghề chưa chắc đã bằng sinh viên bậc CĐ trong khi doanh nghiệp lại yêu cầu tay nghề cao”.
Nhìn nhận về đội ngũ giảng viên khối ngành du lịch, bà Trần Thị Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, thẳng thắn: “Ngành du lịch của trường chúng tôi vẫn còn yếu, giảng viên chưa có kinh nghiệm, đặc biệt là tay nghề chưa cao, đào tạo lý thuyết còn khá nhiều. Vì vậy, các trường đào tạo khối ngành này nên có sự kết nối để tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng giảng viên, để giảng viên các trường cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm”.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại hội nghị |
Nếu các trường ĐH, CĐ loay hoay với việc nâng cao tay nghề cho giảng viên qua các hoạt động thực tiễn thì các trường TC lại mong muốn đội ngũ của mình có kiến thức lý luận vững chắc. PGS.TS Bùi Ngọc Oánh, Hiệu trưởng Trường TC Tây Nam Á, chia sẻ: “Trường chúng tôi thường dựa vào các công ty du lịch để bồi dưỡng tay nghề cho giảng viên nhưng nếu chỉ dựa vào doanh nghiệp để nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn là chưa đủ mà cần có sự liên kết với các trường ĐH đào tạo khối ngành này để các đội ngũ giảng viên cùng trao đổi cả về trình độ lý luận lẫn hoạt động thực tiễn”.
Để giải quyết những năng lực còn hạn chế của giảng viên các trường ĐH, CĐ và TCCN, ông Phạm Quốc Lộc đưa ra giải pháp: “Giảng viên giữa các trường đào tạo cùng khối ngành nên có nhiều buổi trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm thực tế chứ không nên phân biệt cấp bậc nào vì ở cấp bậc nào cũng có những thế mạnh riêng, có những năng lực giảng viên ĐH không có nhưng giảng viên trường CĐ, TC thì lại có và ngược lại”.
Sinh viên khó tốt nghiệp vì yếu tiếng Anh
Các trường đào tạo khối ngành du lịch thường yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên. Vì vướng phải chuẩn này nên nhiều sinh viên đến kỳ tốt nghiệp vẫn nợ môn hoặc đang học giữa chừng lại xin chuyển sang ngành khác.
“Những lao động trong khối ngành du lịch cần có năng lực ngoại ngữ. Vì vậy nhà trường đã đặt chuẩn đầu ra cho sinh viên ngành này là TOEIC 500. Tuy nhiên, chỉ có 40-50% sinh viên tốt nghiệp đúng kỳ hạn, số còn lại chưa tốt nghiệp được vì vướng phải yêu cầu ngoại ngữ”, TS. Đỗ Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, cho hay.
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Phạm Quốc Lộc chia sẻ: “Chúng tôi rất băn khoăn khối ngành du lịch ở nhà trường vì yêu cầu sinh viên phải có chuẩn đầu ra tiếng Anh và một ngoại ngữ khác. Trong đó, chuẩn đầu ra TOEIC là 650 hoặc IELTS 5.5. Vì vậy, có khoảng 3-5% sinh viên phải chuyển sang ngành khác hoặc một số em phải tốt nghiệp trễ hơn vì vướng phải chuẩn này”.
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh – sinh viên, đặc biệt trong khối ngành du lịch ở thời kỳ hội nhập là rất cần thiết. Vì thế, cùng với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM tích cực hỗ trợ, khuyến khích các trường nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh – sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp thông qua Đề án ngoại ngữ 2020. Đồng thời, khuyến khích, bồi dưỡng tiếng Anh để giảng viên dạy các môn chuyên ngành có thể giảng dạy bằng tiếng Anh”.
Bài, ảnh: Minh Châu
“Sinh viên ĐH cũng có nguy cơ giống giảng viên, tức là ảo tưởng muốn ra trường là làm sếp ngay nhưng tay nghề chưa chắc đã bằng sinh viên bậc CĐ trong khi doanh nghiệp lại yêu cầu tay nghề cao”, ông Phạm Quốc Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nói. |
Bình luận (0)