Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khi chồng… keo kiệt

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: I.T

Chị Mai nước mắt giàn giụa xách va li về nhà mẹ ruột trong đêm tối, phớt lờ tiếng gào to “Mẹ ơi! mẹ ơi!” của hai đứa con nhỏ. Chồng chị thì ngồi xem ti vi tỉnh như sáo. Sự việc này đã lặp đi lặp lại nhiều lần.

Ngồi trên xe ôm chị Mai nhớ lại thời xuân trẻ của mình với vẻ tiếc nuối. Có nhiều mối nhờ bà mai đến dạm ngõ nhưng đều thất bại. Cuối cùng chị chấp nhận lấy anh Xứ – gã thợ sửa xe đạp hiền lành ở đầu chợ xã. Mỗi ngày chị đạp xe đi chợ được anh Xứ để ý rồi quen. Chị thương anh vì cái tính thật thà, chất phác, lo làm ăn, lại biết ga lăng. Chính vì thế mà khi gia đình anh qua nhà chị Mai xin hỏi cưới thì ba mẹ chị gật đầu đồng ý ngay.

 Nhờ cái tính chịu thương chịu khó của anh Xứ mà chẳng mấy chốc anh Xứ đã có tiệm sửa xe đạp lớn ở chợ xã. Có vốn kha khá, anh Xứ lên đời tiệm sửa xe gắn máy lớn nhất xã, từ xe số cho đến xe tay ga. Nhờ kỹ tính, sửa khéo lại chịu khó học hỏi nên anh luôn được lòng khách hàng. Chẳng mấy chốc, từ ngôi nhà gỗ đơn sơ, gia đình nhỏ của chị Mai đã lên nhà lầu, tiện nghi đầy đủ. Nhưng cũng từ khi dư dả, anh Xứ bắt đầu thay đổi tính nết. Bản tính keo kiệt của anh ngày càng bộc lộ rõ rệt. Từ xưa đến nay, phụ nữ luôn là nội tướng, quán xuyến chuyện trong nhà, kể cả việc giữ tiền để tính toán thu chi. Nhưng chị Mai lại không được đặc quyền đặc lợi đó. Tiền bạc một tay anh Xứ giữ. Mỗi lần đi chợ, mua sắm những thứ cần thiết là chị Mai phải ngửa tay kêu chồng đưa tiền. Lúc vui thì không nói gì, nhưng khi có chuyện buồn là anh Xứ lại mặt nặng mày nhẹ. Chị Mai nhận tiền từ tay chồng mà lòng ái ngại nhưng chị buộc phải lấy vì phải mua những thứ cần thiết trong nhà.

 Chính vì anh Xứ quá keo kiệt mà chị chẳng bao giờ có chiếc áo mới, đôi giày mới khoác lên người. Đa phần là chị mặc những bộ đồ của em gái mình cho. Đi đám tiệc thì chị phải chạy sang nhà nhỏ bạn mượn quần áo để bằng em bằng chị với người ta. Đã vậy anh Xứ không cảm thông cho vợ, ngược lại còn cho rằng vợ mình se sua, đua đòi, không biết rằng mình đã có chồng con mà chưng diện cho lắm vào. Nhiều lúc chị cũng buồn, tủi phận khi so sánh giữa mình và các cô bạn cùng trang lứa. Nhưng rồi nghĩ đến các con, chị quên đi tất cả. Chị xoa dịu lòng mình bằng những suy nghĩ tích cực: “Thôi kệ! Chắc có lẽ anh ấy muốn tiết kiệm để lo cho con ăn học thành tài”. Với lối suy nghĩ ấy mà chị vẫn sống yên ổn bên chồng con. Nhưng một ngày chị đi chợ về thông báo với chồng rằng chị đã tiêu thâm hết 200 ngàn vì mua chiếc váy hoa. Ngay lập tức, anh ném chiếc mỏ lết vào tủ và phán một câu: “Bà tưởng tôi là đại gia chắc?”. Sự việc chưa dừng lại ở đó, tối đi nhậu về, anh Xứ lại gây sự với vợ. Anh không ngần ngại mắng mỏ chị Mai là thứ vô dụng, ăn bám, lại tiêu pha hoang phí.

 Từ khi bị chồng mạt sát là kẻ ăn bám, vô dụng, chị Mai đâm ra buồn, tự ái và cảm thấy mình còn thua cả con chim yểng mà anh nuôi trong lồng. Chẳng phải chị là người lười biếng mà việc nhà đã chiếm hết thời gian. Ngày ba buổi chị phải đi chợ nấu ăn cho các học viên học ở tiệm sửa xe của chồng. Tưởng như thế anh Xứ biết suy nghĩ lại, lo cho chị, nào ngờ, hôm làm rơi mất 3 tờ 100 ngàn đồng, chị bị anh tát vào mặt như trời giáng. 3 nhát tát như xoáy vào tim chị, xoáy vào tình cảm mà bấy lâu nay chị đã dành cho chồng. Giờ nó đã tan nát. Chị đau lắm, nước mắt chực trào như mưa trút, vội vàng xách va li về nhà mẹ ruột ngay hôm đó. Chị rất thương con, nhưng tạm thời chị chưa thể đón chúng về vì trong tay chị không một xu dính túi. Ở bên cha, bọn trẻ sẽ được nuôi nấng đàng hoàng. Vả lại, chúng cần phải học thật tốt. Chị nghĩ, rời xa chồng một thời gian để anh ấy có thể nhìn lại bản thân mình, nhìn lại cuộc hôn nhân tròng trành vừa qua. Mặt khác, chị muốn thử xem anh đóng vai trò “làm vợ, làm mẹ” sẽ như thế nào khi không có chị. Hôn nhân cũng cần phải làm mới để duy trì lâu dài.

ĐẶNG TRUNG THÀNH (Bình Chánh, TP.HCM)

Bình luận (0)