Thí sinh đặt câu hỏi với chuyên gia tư vấn trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh vừa tổ chức tại Trường ĐH Cần Thơ |
Thời điểm này, các trường THPT đã nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013 của học sinh lớp 12 nhưng có không ít em vẫn còn băn khoăn, chưa xác định được một hướng đi cụ thể.
Chọn ngành theo sở thích hay cơ hội việc làm?
Mâu thuẫn này không mới nhưng đặc biệt năm nay, với các học sinh ưa thích khối ngành kinh tế, dù yên tâm về chỉ tiêu tuyển sinh của nhóm ngành này không giảm, nhưng những thông tin về tình trạng suy thoái kinh tế, dự báo về tình hình người học ngành này ra trường không có việc làm… khiến nhiều em rất bối rối. Em Trương Duy Anh (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, Sóc Trăng), băn khoăn: “Em dự định thi vào ngành kế toán thuộc khối kinh tế – ngân hàng. Các trường đào tạo ngành này có chính sách hỗ trợ sinh viên khi ra trường có việc làm phù hợp không?”. Còn em Mai Khánh Phong (học sinh Trường THPT Sông Đốc, Cà Mau) cho biết: “Gần nhà em có nhiều anh chị học ngành kinh tế, ra trường không có việc làm. Cha mẹ muốn em học ngành y dược vì cho rằng đây là ngành hầu như không bao giờ thất nghiệp, nhưng em không thích. Em nên chọn học ngành nào?”…
Ở nhóm ngành khoa học xã hội – nhân văn, không ít học sinh cho biết: Thế mạnh của các em là các môn thuộc khối C nhưng học khối này ra trường rất khó kiếm việc làm, trong đó nhiều ngành nhu cầu lao động đã bão hòa. Các em không biết học ngành gì? Trước những băn khoăn trên, TS. Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Đúng là kinh tế hiện nay đang suy thoái, không chỉ ở Việt Nam. Mặt khác, những năm trước rất nhiều thí sinh chọn học ngành kinh tế, ra trường vào lúc kinh tế khó khăn dẫn đến khó có việc làm. Tuy nhiên, các em sẽ học trong 4 năm hoặc 3 năm, lúc đó có thể bức tranh kinh tế sẽ sáng sủa, yêu cầu về nhân lực lại tăng. Do vậy việc chọn ngành cần cân nhắc và nên học những ngành mình ưa thích, phù hợp năng lực, vì đây là một trong những yếu tố quan trọng để thành công sau này. Ứng viên có thành công, tìm được việc làm hay không là do bản thân có chinh phục được người tuyển dụng không? Nếu thành tích học tập tốt kết hợp với những kỹ năng phụ thì khó thất nghiệp. Mà muốn học tốt thì rất cần sự đam mê đối với ngành học”.
ThS. Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia TP.HCM), bổ sung: “Thực tế dù thừa nhân lực nhưng vẫn có nhiều công ty cần người. Khi tuyển dụng, đương nhiên họ sẽ chọn người giỏi. Vấn đề là các em phải tự trang bị cho mình kiến thức và năng lực, dưới sự hướng dẫn của nhà trường”… Đối với khối ngành xã hội, TS. Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, trao đổi: “Khối C có một số ngành mà nhu cầu nhân lực cao như ngành du lịch, tiếng Hàn, tiếng Nhật, ngành luật… Còn ngành báo chí thì điểm trúng tuyển năm nào cũng cao. Vấn đề quan trọng là các em cần đánh giá năng lực bản thân, chọn học ngành thật sự yêu thích; đó mới là yếu tố quyết định sự thành công sau này”.
Khi ước mơ chưa sát tầm với
Một học sinh Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP.Cần Thơ) cho biết: “Em chọn khối kinh tế và đang luyện thi ở một trung tâm. Hàng tháng trung tâm cho làm các đề thi ĐH, tổng điểm của em thường là 14, vậy em nên học ngành nào phù hợp? Em có thể học kinh tế nông nghiệp rồi học bằng 2 thuộc khoa kinh tế, được không”. ThS. Lâm Tường Thoại khuyên: “Đa số trường dân lập chọn mức điểm này. Trường công lập cũng có thể có, thí sinh nên lên trang web các trường để nghiên cứu điểm sàn. Còn chọn ngành? Thí sinh nên gặp những người làm các ngành nghề mà mình quan tâm để trao đổi, xác định ngành phù hợp bản thân”.
Ở các nhóm ngành khác, không ít học sinh cũng đặt câu hỏi tương tự như trên, trong đó nhiều em muốn thi khối D nhưng lại yếu môn toán.
Thường những trường hợp như trên, học sinh có khuynh hướng chọn ngành tương đương nhưng điểm trúng tuyển là điểm sàn, sau đó học thêm bằng 2 chuyên ngành mình yêu thích. Về điều này, TS. Trần Thế Hoàng nhận xét: “Nhiều năm nay, tham gia tư vấn tại TP.Cần Thơ tôi thường thấy học sinh hỏi về chuyện học 2 ngành, chính và phụ. Học dàn trải như vậy đa số chỉ đạt học lực trung bình khá, khó tìm được việc làm sau này. Các em cần xem lại thực chất mình thích ngành gì? Sau đó cố gắng chọn trường phù hợp”…
Ngoài số học sinh học lực yếu đặt “hy vọng” vào con đường liên thông, còn có những em không biết chọn khối thi nào vì chỉ học khá 2/3 môn trong khối thi đó. Chẳng hạn, một nữ sinh hỏi TS. Nguyễn Thị Bích Hồng (Trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): “Em học khá môn toán, lý nhưng yếu môn hóa, môn sinh thì hầu như không làm bài tập được. Em nên chọn ngành nào?”. Với câu hỏi này TS. Bích Hồng khuyên: “Em nên thi khối A, cố gắng tranh thủ tập trung ôn luyện môn hóa, và nên chọn trường, chọn ngành vừa sức”…
Trong khi đó, một học sinh Trường THPT Thị trấn Ngã Sáu (tỉnh Hậu Giang), bộc bạch với bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Chúng em thi khối A, B. Học bài rất căng thẳng. Thậm chí tranh thủ tiết học sử, địa để giải bài tập toán, lý. Khi làm bài kiểm tra môn sử, địa thì chép bài của bạn. Bác sĩ cho chúng em biết cách nào để học hiệu quả và thi đậu?”. Bác sĩ Minh Hạnh cảnh báo: “Học như vậy có thể các em sẽ không đậu tốt nghiệp THPT, đừng nói đến chuyện thi ĐH. Muốn học tốt các môn, các em nên thuộc bài ngay tại lớp bằng cách gạch đầu dòng những ý chính rồi cố gắng ghi nhớ. Làm bài tập cũng ngay tại lớp. Như vậy khi ôn bài cũng nhẹ nhàng mà hiệu quả”.
Đối với những câu hỏi xoay quanh vấn đề sức khỏe mùa thi của học sinh, bác sĩ Minh Hạnh khuyên: “Để có sức khỏe tốt các em cần ăn uống điều độ, không cần những món cao lương mỹ vị, chỉ cần canh rau, thịt, cá hoặc tàu hũ. Không được bỏ bữa, nhất là bữa sáng. Một trái chuối, một lon sữa không thể thay được bữa sáng. Các em có thể ăn gói xôi, hoặc cơm nguội hâm lại. Nhịn đói đi học, từ 9 giờ trở đi thì đói, không thể tiếp thu bài được. Với những chuẩn bị như học tốt, kiến thức vững, chọn trường vừa sức, sức khỏe tốt thì vô phòng thi các em sẽ tự tin, kỳ thi sẽ đạt kết quả tốt”.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Bình luận (0)