Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP Hồ Chí Minh: Gian nan giáo dục mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 1: Khó chồng khó

 

LTS: Mầm non là một trong những bậc học phát triển nổi bật nhất của giáo dục TPHCM trong những năm qua, với 939 trường học được tăng thêm, chiếm 47,6% trong tổng số 1.972 trường tăng thêm ở tất cả các bậc học. Ngoài ra, đây cũng là bậc học có số lượng giáo viên tăng thêm nhiều nhất với 19.548 người, bình quân mỗi năm tăng thêm 488 giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay trước áp lực gia tăng dân số, nhất là tăng dân số cơ học, bậc học này đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt, việc thực hiện Đề án thí điểm nuôi giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi do UBND TPHCM ban hành chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

 

Quyết định số 02/2003 của UBND TPHCM về quy hoạch mạng lưới trường lớp đã tạo bước đột phá trong việc cải thiện tình trạng thiếu trường, lớp tồn tại hàng chục năm qua trên địa bàn TP. Đi cùng nhiệm vụ xây dựng trường lớp, đội ngũ giáo viên cũng không ngừng được bổ sung, cải thiện. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn “khát” trường học, tỷ lệ học sinh/giáo viên vẫn còn cao. Vì sao?

Trường xây nhiều vẫn thiếu

Ông Võ Khắc Thái, Phó chủ tịch UBND quận 3, cho biết hàng năm địa phương đều dành 80% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản ưu tiên cho lĩnh vực giáo dục. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, quận đã duyệt hơn 45 tỷ đồng xây mới các công trình trường học, giải quyết phần nào nhu cầu “khát” chỗ học của con em người dân. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, trước mắt địa phương sẽ tập trung xây mới một số công trình trường học mang tính cấp bách, giải quyết chỗ học cho từng năm chứ chưa thể hoàn thành tất cả dự án xây dựng trường học trong năm nay. Đánh giá cao những nỗ lực của địa phương, song ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TPHCM, vẫn băn khoăn vì dù địa phương đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nhưng với đặc thù “đất chật người đông” của một quận trung tâm nên hiện vẫn còn nhiều trường mầm non có nhiều điểm lẻ, thiếu sân chơi cho trẻ. Ngay cả việc địa phương vui mừng báo cáo thành tích giải tỏa thành công khu đất 1.000m² để xây dựng Trường Mầm non phường 11 thì ông Nguyễn Hồng Hà vẫn lo lắng: “Diện tích khu đất 1.000m² mà địa phương trầy trật nhiều năm mới lấy được, trong khi theo quy định của Bộ GD-ĐT thì 1.000m² chưa đủ chuẩn xây dựng trường học”. 

Quá tải sĩ số học sinh/lớp đang là một trong những bài toán đặt ra cho bậc học mầm non ở TPHCM.

Tại quận Gò Vấp, trong 3 năm trở lại đây, quận đã đầu tư xây mới 5 trường mầm non công lập, nhưng đến nay vẫn còn phường 12 “trắng” trường mầm non. Riêng tại quận Thủ Đức, giữa tháng 5-2015 đã khởi công xây dựng Trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung I (phường Linh Xuân) và hiện đang xúc tiến đầu tư thêm 3 dự án nữa. Ngoài ra, theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 sẽ có thêm 9 trường học được xây mới. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND quận, số lượng trường công lập mới đáp ứng được 40% nhu cầu đi học của trẻ trong độ tuổi, 60% còn lại phải học ở các trường, nhóm lớp ngoài công lập. Nơi thiếu trường lớp nhất phải kể đến là quận Bình Tân, với 125 nhóm lớp và 90 điểm giữ trẻ gia đình không phép đang hoạt động. Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT quận, các trường mầm non công lập mới thu nhận 4.857 trẻ trên tổng số 19.237 trẻ trong độ tuổi đi học, chiếm tỷ lệ 25,24%. Hơn 74% số trẻ còn lại phải học ở các nhóm lớp, điểm giữ trẻ ngoài công lập. Nhận thức được điều này, chỉ tính riêng trong tháng 4-2015, quận đã khởi công xây dựng 10 trường học, giải quyết phần nào cơn “khát” chỗ học của người dân. Theo tính toán của UBND quận, để giải quyết tất cả chỗ học cho con em người dân, từ đây đến năm 2020 quận phải đầu tư xây mới thêm 1.022 phòng học – một trách nhiệm không hề nhỏ.

 Nhọc nhằn bổ sung đội ngũ

Theo bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, định biên nhân viên nuôi dưỡng/lớp mầm non hiện nay là 35 học sinh/nhân viên nuôi dưỡng đối với hệ nhà trẻ và 50 học sinh/nhân viên nuôi dưỡng đối với hệ mẫu giáo. Trong khi trên thực tế, các trường đã phân công số lượng lớn nhân viên nuôi dưỡng này làm nhiệm vụ nấu ăn, số còn lại chỉ đủ hỗ trợ công tác nuôi dưỡng ở các lớp nhà trẻ. Hệ mẫu giáo gần như thiếu vắng lực lượng này. Do đó để đảm bảo chất lượng chăm sóc, các trường phải hợp đồng thêm nhân viên nuôi dưỡng bên ngoài và trả lương từ nguồn thu học phí. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ban hành ngày 16-3-2015, quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, chỉ cho phép các trường bố trí 2 biên chế nhân sự cho 4 nhiệm vụ kế toán, văn thư, y tế và thủ quỹ. Quy định này theo phản ánh của nhiều đơn vị là không thể thực hiện vì “không lẽ bố trí một người làm cùng lúc hai nhiệm vụ giữ tiền và báo cáo thu, chi?”. Thêm vào đó, một số quận, huyện hiện nay chưa phủ kín cán bộ y tế ở 100% đơn vị trường học. Nếu thực hiện theo quy định mới sẽ càng khiến chất lượng hoạt động của đội ngũ này thêm “báo động”. 

Tại quận Thủ Đức, thống kê cuối năm học 2014-2015 cho thấy toàn quận còn thiếu 200 giáo viên. Chưa kể có 321 nhân sự gồm giáo viên, bảo mẫu ở hệ ngoài công lập chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tương tự, quận Bình Tân cũng thiếu 158 giáo viên. Dự báo trong năm học 2015-2016, quận phải bổ sung thêm 421 nhân sự gồm 27 cán bộ quản lý, 275 giáo viên và 119 nhân viên nuôi dưỡng. Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi đơn vị trường học phải có 1 hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng làm công tác quản lý, nhưng qua kiểm tra cho thấy, có đến 11/40 cơ sở tư thục có bộ máy quản lý chỉ gồm một hiệu trưởng kiêm nhiệm cùng lúc nhiều công tác chuyên môn khiến chất lượng hoạt động bị ảnh hưởng. Thực tế này không dễ khắc phục bởi liên quan đến nhiều vấn đề khác như điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, chính sách đãi ngộ cho người lao động.

Theo Thu Tâm/ SGGP

 

Bình luận (0)