Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy chữ cho con

Tạp Chí Giáo Dục

PH cần động viên nhẹ nhàng, thể hiện sự quan tâm sẽ khiến trẻ cảm thấy thích thú  với việc học và học hiệu quả hơn.

Để giúp con biết chữ trước khi vào lớp 1, một số phụ huynh (PH) đã tự dạy kèm con ở nhà. Thay vì chỉ bảo các em một cách nhẹ nhàng, nhiều PH vừa dạy vừa dọa nạt, la mắng thậm chí còn dùng đòn roi khiến trẻ bị áp lực nặng nề.
Học vì nhiệm vụ
Chữ này là chữ gì? Chữ gì? Hỏi sao không nói. Mới dạy hôm qua mà đã quên rồi sao?… Sau câu hỏi của mẹ, bé Tuấn A. (Q.3) nước mắt ngắn dài, ậm ừ trả lời: “Dạ, chữ ăn”. Thỉnh thoảng cậu bé lại nhầm lẫn giữa ăn an. Cả tuần nay, thay vì xem phim hoạt hình, vui chơi buổi tối, Tuấn A. phải ngồi vào bàn tập viết, tập đọc, đếm số cả giờ đồng hồ để chuẩn bị vào lớp 1. Do nhớ đến phim hoạt hình mà bé không tập trung học nên tiếp thu chậm, vì vậy mỗi buổi dạy chị Nguyễn Thị H. (mẹ Tuấn A.) luôn la mắng, thậm chí dọa nạt. Chị cho biết: Sắp đi học đến nơi mà bé còn ham chơi lắm. Dạy trước quên sau. Cứ phải la mới học. Cô xem này, cả tuần rồi mới học được có vài chữ, thế này thì làm sao vô học lớp 1”.
Hai vợ chồng chị H. làm công nhân, ngày nào sớm thì 18 giờ mới về đến nhà, ngày tăng ca thì 21 giờ nên chị đành tự dạy kèm cho con trai ở nhà thay vì đưa con đến lớp rèn chữ. Mỗi buổi học như thế, chị yêu cầu con phải biết đọc, biết viết nhuần nhuyễn 2 chữ. Vốn tính nóng nảy nên mỗi lần con trai đọc sai là chị không kìm được nên la mắng.
So với Tuấn A. thì bé Hữu M. (Q.Bình Thạnh) học chữ có phần nhanh hơn. Mới 1 tháng học mà bé đã biết tự đọc, tự đánh vần chữ có 3 âm tiết. Song mỗi lần M. ngồi vào bàn là mẹ – chị Trần Thị D. – cầm theo cây thước kẻ làm roi. Chị D. cho biết: “Đang quen với mỗi buổi tối chơi đùa cùng ông bà nên cu cậu không chịu học gì cả, tôi phải dùng thước kẻ đánh vào mông, hoặc ngồi kèm liên tục cháu mới chịu học chứ không lại đòi chơi”. Mỗi buổi, chị D. giao cho M. phải biết đọc một chữ và tập tô hết một trang giấy trong vòng 1,5 giờ. Nhìn thấy cây thước kẻ bên cạnh, M. phải cố gắng đọc, viết cho xong. Chỉ khi buồn ngủ quá thì mới được mẹ ưu ái cho lên giường.
Có thể nói, vào thời điểm này, nhiều PH có con em chuẩn bị vào lớp 1 đã sốt sắng lên lịch dạy chữ trước cho con. Có PH vì muốn con học tốt hơn, cũng có PH sợ con thua kém bạn bè do không biết chữ… Chị D. chia sẻ, bây giờ trẻ nào cũng biết chữ trước khi vào lớp 1. Con mình không biết sẽ không theo kịp bạn bè, đuối chương trình nên phải cho học trước. Vì những lí do này, người cho con đến trung tâm, người thì thuê gia sư, một số người không có điều kiện kinh tế hoặc nhận thấy có khả năng kèm cặp thì tự làm cô giáo cho con.
Chị H. nói: “Dạy trẻ lớp 1, lớp 2 không có gì là khó cả. Đơn giản chỉ là dạy cách đọc, cách viết mà trước kia mình cũng đã trải qua. Hơn nữa kèm cặp ở nhà cũng đỡ mất thời gian đưa đón và tiền học phí”.
Dạy được nhưng chưa chắc… đã đúng
PH kèm cặp trẻ ở nhà là thể hiện sự quan tâm chuyện học hành của con cái. Tuy nhiên để có những tiết dạy – học hiệu quả thì không phải ai cũng làm được. Bởi hầu hết PH không nắm bắt được phương pháp giảng dạy, vì thế đều dạy theo cảm tính chủ quan: Áp đặt, nhồi nhét, bắt trẻ phải học cái này, cái kia, học nhiều, học nhanh, học 1 biết 2, nóng giận khi giảng dạy… Điều đó ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ làm trẻ sợ học.
Thầy Đặng Văn An – Hiệu trưởng Trường TH Đặng Trần Côn (Q.4) – cho biết: “Do thiếu kỹ năng sư phạm nên PH không biết cách khơi gợi tinh thần học tập của trẻ, ngược lại hay nóng giận, bực tức mỗi khi trẻ không học, tiếp thu chậm. Tất cả những điều này gây ra áp lực tâm lý nặng nề, mệt mỏi cho trẻ và không hiệu quả cao”.
ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đồng tình với ý kiến này và cho biết thêm: “Nhiều PH cứ nghĩ trẻ học nhiều sẽ biết nhiều và học giỏi. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lệch. Học nhiều không quyết định được sự thông minh. Đôi khi học nhiều, không đúng phương pháp khiến trẻ học nhồi nhét, theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, học cho xong nhiệm vụ… mà không nắm vững và sâu kiến thức”.
Để PH hiểu tâm lý và giúp con học tốt hơn, ThS. Hiếu chia sẻ: Đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, nội dung chương trình sách giáo khoa dành cho các em được thiết kế đúng với đối tượng HS chưa biết đọc, biết viết, vì thế cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 hoàn toàn không cần thiết. Sự mới lạ luôn khiến trẻ thích thú, là điều kiện khơi gợi tính sáng tạo, nhưng khi đã biết rồi mà phải học lại, học với thời gian dài trên lớp khiến trẻ nhàm chán, sinh ra không chú ý, không tập trung, không nghiêm túc, đôi khi ỷ lại, ảnh hưởng đến cả một quá trình học tập.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
PH nên động viên, chỉ bảo nhẹ nhàng
Nếu PH quan tâm, kèm cặp thêm cho con thì nên đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ để có cái nhìn cảm thông. Đối với trẻ mầm non chuyển sang lớp 1, các em đang quen sinh hoạt vui chơi, ngủ nghỉ là chính. Bước vào lớp 1 đòi hỏi các em phải học theo quy củ, nề nếp vì thế nếu đột ngột bị ép vào một khuôn khổ khiến trẻ bị gò bó, ép buộc. Vì thế, trong quá trình dạy, PH nên tạo không khí thoải mái; nên động viên, bảo ban nhẹ nhàng, thể hiện tình yêu thương, quan tâm. Như vậy trẻ cảm thấy yên tâm, hứng thú với việc học và học hiệu quả hơn. Thỉnh thoảng nên cho trẻ nghỉ giải lao, vận động một thời gian ngắn nhất định để thư giãn. Từng bước và từ từ giúp trẻ dần thích nghi với các quy tắc. Trường hợp cha mẹ nóng tính thì nên đi làm một việc khác trong cơn giận để nguôi ngoai cảm xúc, sau đó tiếp tục dạy. Với tâm lý thoải mái giữa người dạy và người học thì việc dạy tốt hơn, người học sẽ phát huy tối đa khả năng và tinh thần sáng tạo.
ThS .tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)