Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chia tốp để chọn trường vừa sức

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường THPT Tam Phú đặt câu hỏi cho Ban tư vấn tuyển sinh

Thời điểm này, các trường THPT đã nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013 của học sinh lớp 12, nhưng nhiều em vẫn còn băn khoăn trong việc chọn trường phù hợp với năng lực của mình. Tại các buổi tư vấn – hướng nghiệp tuyển sinh “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức ở Trường THPT Tam Phú và THPT Thanh Đa (TP.HCM) vừa qua, Ban tư vấn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm chọn trường tốp nào để vừa sức với học sinh trung bình, khá, giỏi.
Căn cứ vào điểm trung bình học tập
So với các năm trước, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 sẽ có rất nhiều cơ hội cho thí sinh. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tư vấn (văn phòng 2, Bộ GD-ĐT), cho biết: “Kỳ tuyển sinh năm nay nếu các em không trúng tuyển nhưng có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn và không có môn nào bị điểm liệt (0 điểm) thì sẽ nhận được 3 giấy báo điểm để xét nguyện vọng bổ sung (NVBS). Mỗi đợt các trường xét tuyển trong vòng 20 ngày, nếu không trúng tuyệt đợt đó thì các em sẽ xin rút lại giấy báo điểm và tiếp tục xét tuyển vào các trường khác. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngày 30-10 các trường sẽ kết thúc các đợt xét tuyển NVBS. Như vậy, các em có rất nhiều đợt xét tuyển NVBS và nhiều cơ hội để trúng tuyển”.
Mặc dù năm nay Bộ GD-ĐT tạo nhiều cơ hội cho thí sinh xét tuyển NVBS nhưng nếu thí sinh không cân nhắc kỹ việc chọn trường phù hợp với năng lực thì cánh cửa vào ĐH, CĐ cũng dễ khép lại.
ThS. Nguyễn Anh Đức (Trưởng phòng Công tác HS-SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm: “Những học sinh giỏi, có điểm trung bình học lực 3 môn thi ĐH năm lớp 12 đạt loại giỏi trở lên (như toán 9 điểm; lý 8,9 điểm; hóa 9,1 điểm) thì nên chọn thi tuyển các trường ĐH lớn mà các em mong muốn. Với những em có học lực trung bình, điểm trung bình học lực 3 môn thi ĐH chỉ ở mức trung bình khá (như toán 5,5 điểm; lý 6,1 điểm; hóa 5,2 điểm) thì nên chọn trường CĐ để thi, còn thi ĐH là chỉ thử sức cho biết. Còn với học sinh có điểm học lực dưới mức trung bình nên chọn các trường CĐ nghề, TCCN xét tuyển để học. Kỳ thi này sẽ có nhiều em không vào được ĐH, CĐ bởi trong số hơn 1 triệu thí sinh dự thi thì chỉ có 1/3 trúng tuyển. Vì thế, nếu không đạt được điều mình mong muốn, thí sinh đừng quá lo lắng mà còn rất nhiều lựa chọn khác để các em bước vào đời”.
Nhiều học sinh muốn thi vào các ngành thuộc khối kinh tế như tài chính – ngân hàng, kế toán, marketing… Những ngành này ở các trường ĐH có điểm chuẩn rất cao, vì thế các em lo lắng sẽ không chọn được ngành học mà mình yêu thích. Về vấn đề này, ông Phan Lê Vĩnh Thông (Phó trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cho hay: “Nếu không đủ năng lực thi vào các trường phù hợp với sở thích thì các em cứ yên tâm vì hiện có nhiều trường CĐ nghề, TCCN xét tuyển đa dạng ngành nghề. Riêng ở Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, chúng tôi có một số ngành thuộc Khoa Kinh tế phù hợp với sở thích các em như kế toán, quản trị kinh doanh, quản trị du lịch lữ hành…. Đây là trường công lập nên các em sẽ đóng học phí theo quy định chung của Nhà nước và có nhiều học bổng cho các em”.
Chú ý “trừ hao” vì vấn đề tâm lý
Để biết năng lực học tập của mình có khả năng đạt khoảng bao nhiêu điểm, nhiều chuyên gia tư vấn khuyên thí sinh nên thử giải các đề thi ĐH, CĐ những năm trước.
Ông Nguyễn Quốc Cường đưa ra lời khuyên: “Các em nên giải các đề thi ĐH, CĐ. Khi giải các em cần canh đúng thời gian, không đọc trước đáp án, không nhờ ai, không ra khỏi phòng… Sau khi làm xong, các em đối chiếu với đáp án để xác định mình có thể làm được bao nhiêu điểm. Khi xác định điểm xong, các em lưu ý đến vấn đề tâm lý để trừ hao số điểm. Ở nhà làm bài thi các em không phải chịu áp lực tâm lý nào, còn khi thi thật thường căng thẳng hơn nên các em trừ hao, tính khoảng 70% số điểm các em làm được để làm căn cứ thi tuyển vào các trường”.
Tâm lý là yếu tố không nhỏ tác động đến cách làm bài thi của thí sinh. “Phong độ học tập của nhiều em không phải lúc nào cũng tốt mà có lúc lên, lúc xuống. Vì vậy, trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, các em cần chú ý đến vấn đề sức khỏe, tâm lý và phương pháp học tập thì mới có thể đạt được điểm thi tốt. Nhiều em nghĩ rằng, thi nhất quyết phải đậu, nếu bị rớt sẽ rất nhục trước bạn bè nên cảm thấy căng thẳng, áp lực khi thi. Nếu các em xác định rằng sẽ cố gắng làm hết sức mình, nếu không đạt thì năm sau sẽ thi tiếp hoặc sẽ còn nhiều hướng đi khác thì cảm thấy thoải mái hơn, đầu óc sẽ rất tỉnh táo khi làm bài thi”, ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt) chia sẻ.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)