Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Những bài học từ Di chúc thiêng liêng của Bác

Tạp Chí Giáo Dục

(Tiếp theo và hết)

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) vào năm 1954
Đã 45 năm trôi qua, Di chúc của Bác càng ngày càng tỏa sáng bao bài học quý giá cho mỗi người. Đọc lại Di chúc, chúng ta có dịp được gần bên Bác; mỗi chúng ta cảm thấy mình lớn lên thêm về tư tưởng, tình cảm, về nhận thức cuộc sống.
Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/ Màu quê hương bền bỉ, đậm đà/ Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
Bài học thứ ba là sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi đoàn viên, thanh niên là người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng. Những hạt giống tốt sẽ nảy nở, vươn cao những mầm xanh cho đất nước, quê hương.
Bác căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Vì sao Bác nhấn mạnh “giáo dục đạo đức cách mạng” cho thanh niên? Bởi vì “đạo đức cách mạng” của người cách mạng phải được đưa lên hàng đầu. Bác từng dạy chúng ta: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Có đạo đức cách mạng tức là có lòng yêu nước thương nòi, có phẩm chất cao đẹp của một người Cộng sản, nguyện cống hiến trọn đời cho lý tưởng cách mạng.
“Lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân”; coi sự cống hiến là niềm vui, là lẽ sống. Đó là đạo đức cách mạng mà Bác mong muốn có được ở các thế hệ thanh niên. Đất nước sẽ trường tồn, vững mạnh vì có những thế hệ thanh niên có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp nối tiếp nhau như vậy. Vì thế, Bác nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Công việc này “quan trọng” vì không ai khác ngoài các thế hệ thanh niên sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng. Công việc này “cần thiết” vì tính cấp bách trước mắt cũng như sự nghiệp lâu dài; việc rèn luyện đạo đức cách mạng, việc xây dựng một thế hệ cách mạng đòi hỏi phải có thời gian của sự thử thách.
Bài học thứ tư là chăm lo cuộc sống của nhân dân thật tốt. Từ bao đời, nhân dân lao động là quần chúng tích cực, tự giác của cách mạng. Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; nhân dân ta một lòng nghe theo Đảng, đi theo Đảng; lập nên những chiến công hiển hách. Nhân dân đã cống hiến sức người, sức của để làm nên thắng lợi mùa xuân lịch sử 1975. Vì vậy, việc chăm lo đời sống cho nhân dân thật tốt được Bác căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của mình.   
Công cuộc đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo đã và đang thu được nhiều thắng lợi to lớn. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc. Điện, đường, trường, trạm mở rộng khắp nơi. Vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ đang ngày càng thay da đổi thịt. Các lĩnh vực kinh tế, xã hội luôn ổn định, phát triển và không ngừng được nâng cao.
Lĩnh vực văn hóa, tinh thần luôn được chú trọng. Các di sản văn hóa, các làn điệu dân ca, các lễ hội văn hóa… đều được khôi phục và phát huy vẻ đẹp truyền thống văn hóa có nguồn gốc từ xưa của dân tộc. Cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung lưng đấu cật, đồng cam cộng khổ tự bao đời. Nay mỗi dân tộc đều bình đẳng, đều được quan tâm, tạo mọi điều kiện phát huy bản sắc riêng; tạo nên một cộng đồng đoàn kết, thương yêu nhau cùng dựng xây đất nước.
Bác dành những lời đánh giá, ghi nhận xác đáng những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta: Nhân dân lao động ta từ miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Khi đất nước hòa bình, điều cần làm trước nhất là ổn định, chăm lo đời sống của nhân dân. Sự quan tâm tới nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Bác căn dặn thật rõ ràng, chu đáo: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Bác nhấn mạnh các yếu tố “có kế hoạch” và “nâng cao đời sống của nhân dân”.
Phải chăng, Bác mong muốn Đảng ta từng bước không ngừng nâng cao đời sống, nâng cao mức sống của nhân dân. “Đời sống” ở đây bao gồm đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng; một lòng một dạ đi theo Đảng để cuộc sống càng ngày càng hoàn thiện hơn.
Bài học thứ năm là bài học về tinh thần cống hiến trọn cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp. Bác đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”.
Di chúc thiêng liêng một lần nữa thể hiện nét phẩm chất đẹp đẽ của Bác mà mỗi người cần đọc, cần ngẫm nghĩ và nhìn lại bản thân mình. Hẳn chúng ta đều rưng rưng khi đọc những dòng cuối khi Bác viết về mình: Về việc riêng – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Bác nhấn mạnh từ “phục vụ” nhằm nói rõ nhiệm vụ của người làm cách mạng là phải quên mình “phục vụ” Tổ quốc, nhân dân! Đó mới là biểu hiện sinh động của phẩm chất người cán bộ cách mạng. Người cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người “đầy tớ” của nhân dân. Lý tưởng cách mạng của Bác thật là cao đẹp, đầy chất nhân văn cao cả. Tự nguyện đi theo lý tưởng cách mạng là tự nguyện phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân chứ không đòi hỏi riêng mình một quyền lợi nào hết! Vì vậy, Bác “không có điều gì phải hối hận”, không có điều gì phải bận tâm vì mình đã cống hiến trọn đời cho nhân dân, cho Tổ quốc.
ThS. Lê Đức Đồng
Tài liệu tham khảo:
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – NXB Chính trị quốc gia, 2012
Từ điển tiếng Việt – Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 1997

Bình luận (0)