Nhìn lại phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong 5 năm qua, chúng ta có thể nhận thấy được rất nhiều nét mới sau khi gặt hái kinh nghiệm trong quá trình tổ chức. Đa số các trường đã đáp ứng cơ bản 5 tiêu chuẩn đề ra. Các thầy cô giáo thể hiện sự thân thiện bằng hành vi cụ thể trong quan hệ giao tiếp, trong dạy học…
Từ khi hòa mình vào phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các em học sinh đã vui hơn khi hàng ngày được học tập, sinh hoạt trong một ngôi trường thân thiện, hít thở bầu không khí đầy ắp sự yêu thương của thầy cô. Với phương pháp giáo dục mới, các em được quyền phát biểu ý kiến, lập luận cá nhân, những ý kiến đó luôn được trân trọng, khích lệ và giúp đỡ. Những hoạt động xã hội, vui chơi lành mạnh đã giúp các em trau dồi thể lực, rèn kỹ năng sống, dần dần trưởng thành hơn về nhân cách lẫn tri thức.
Những suy nghĩ mới “xem trường như nhà, đến trường vui, nhẹ nhàng như ở nhà” được hình thành là yếu tố cực kỳ quan trọng mời gọi, động viên dẫn bước các em đến trường. Nếu chúng ta duy trì thật tốt những việc làm trên, chắc chắn sẽ không còn tình trạng học sinh muốn bỏ học. Muốn vậy chúng ta phải làm cho học sinh nghĩ rằng đến trường có thầy cô là chỗ dựa, có bạn bè thân thiết.
Việc xây dựng môi trường thân thiện không phải mang tính phong trào; là việc làm lâu dài, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải có rất nhiều tâm huyết, công sức, phải tự đấu tranh loại bỏ mặt chưa tốt bên trong bản thân, nhân đôi cái thiện. Việc xây dựng môi trường thân thiện sẽ rất khó nếu chúng ta thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm và đặt “cái tôi” quá lớn. Ông bà ta thường nói: “Nhân vô thập toàn”, vì vậy chúng ta nên biết lắng nghe đồng nghiệp và cùng nhau trao đổi chân thành những vấn đề mâu thuẫn với phương châm “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”, khi có công việc mọi người phải thật sự đồng tâm nhất trí để thực hiện, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong tình thân ái, xây dựng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rằng, môi trường giáo dục ở thành phố lớn có một vài hạn chế. Chẳng hạn, các em ít được gần gũi với thiên nhiên, cầu nối giữa phụ huynh học sinh với thầy cô, giữa thầy cô với học sinh, giữa học sinh với nhau còn trở ngại…
Vì thế, để phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thêm hiệu quả, chúng tôi nhận thấy, nhà trường nên phối hợp với các tổ chức Đoàn – Đội thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB), và duy trì hoạt động của các CLB ấy phù hợp với thời gian hoạt động trong năm học. Ví dụ, CLB Bạn gái, CLB Tuổi vị thành niên, CLB Chiến sĩ an ninh nhỏ tuổi, CLB Chữ thập đỏ… Nhà trường tổ chức mời chuyên gia về dạy nấu ăn, tư vấn về các vấn đề của bạn gái… qua đó để các em tự chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống mà đôi khi rất khó nói với cha mẹ hay thầy cô. CLB Tuổi vị thành niên để các em có thể trao đổi với chuyên gia những vấn đề của tuổi vị thành niên như: Giới tính, tình bạn, tình yêu, quan hệ gia đình… nhằm mục đích trang bị cho các em những hiểu biết về giới tính, về các mối quan hệ trong xã hội. Hoạt động CLB được xem là hình thức phù hợp nhất để tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, bởi các em luôn có nhu cầu được chia sẻ, khẳng định; khám phá và phát huy những năng lực của bản thân.
Bùi Thị Đông
(Phó hiệu trưởng Trường THCS Colette, Q.3, TP.HCM)
Bình luận (0)