Phụ huynh phải luôn đồng hành với nhà trường trong việc giáo dục trẻ. Ảnh: N.Quang |
Một số bậc cha mẹ thường chỉ chú ý đến kết quả học tập của con mà ít quan tâm đến phương pháp phát triển trí tuệ, dạy cho con phương pháp học sao cho hiệu quả thậm chí còn có ý nghĩ “khoán trắng” cho giáo viên.
Không giống như trẻ ở tuổi vị thành niên, đối với trẻ tuổi tiểu học vai trò của gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách nói chung, phát triển trí tuệ nói riêng. Gia đình là chiếc nôi ươm mầm và nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm và nhân cách của trẻ. Vì thế, mặc dù ngày nay có những tác động to lớn từ nhiều phía, nhưng cha mẹ vẫn luôn giữ vai trò quyết định trong việc cung cấp và tạo điều kiện cung cấp những tri thức khoa học cũng như thực tiễn cho trẻ cả về số lượng lẫn chất lượng.
Để làm được điều đó, cha mẹ cần nắm rõ những đặc điểm cơ bản về trí tuệ của con ở lứa tuổi tiểu học:
Quá trình tri giác
Ngay từ khi bước vào bậc tiểu học, khả năng tri giác của trẻ đã khá phát triển. Trẻ có khả năng định hướng tốt đối với các hình dáng và màu sắc khác nhau. Trong quá trình học tập tại trường, khả năng phân tích và phân biệt các đối tượng đã được tri giác phát triển mạnh mẽ và hình thành một dạng hoạt động mới là quan sát. Trên cơ sở đó, trẻ biết phân biệt và tri giác sự vật một cách chủ định theo mục đích của mình đặt ra.
Quá trình ghi nhớ
Khi mới bước vào lớp 1, trẻ chủ yếu nhớ những sự kiện có vẻ ngoài gây ấn tượng về mặt cảm xúc. Song, trải qua quá trình học tập ở trường, trẻ đã hình thành được cách ghi nhớ có chủ định và hiểu nội dung. Từ chỗ các em ghi nhớ một cách đơn giản bằng việc lặp đi lặp lại nhiều lần để thuộc lòng nguyên văn tài liệu, trẻ được dạy ghi nhớ ý nghĩa, dựa trên mối quan hệ logic của nội dung. Các em bắt đầu biết lập đề cương, dàn ý và dựa vào đó để nhớ.
Quá trình tưởng tượng
Quá trình này ở trẻ diễn ra theo hai giai đoạn chủ yếu. Giai đoạn đầu các hình ảnh được tái tạo bằng những chi tiết nghèo nàn, trẻ thường chỉ có khả năng miêu tả một cách rõ nét khi tri giác những hình ảnh hay câu chuyện cụ thể. Giai đoạn thứ hai, khi đã quen với môi trường học mới, trí tưởng tượng của trẻ được tăng lên. Trẻ có khả năng tái tạo những hình ảnh mà không cần có sự cụ thể hóa đặc biệt, do đã biết dựa vào những biểu tượng của trí nhớ và kinh nghiệm thu được từ trước đó. Trẻ đã biết miêu tả một cách sinh động những câu chuyện mà chúng đã đọc, thấy hoặc nghe cô giáo kể.
Sự phát triển tư duy
Trẻ lứa tuổi tiểu học cũng trải qua hai giai đoạn cơ bản. Giai đoạn tư duy trực quan sinh động, sự phân tích tài liệu học tập chủ yếu diễn ra trên bình diện hành động trực quan. Có nghĩa là, trẻ chỉ có khả năng tư duy khi các đối tượng trực tiếp tác động đến trẻ. Trẻ chỉ biết phán đoán, lý giải dựa trên dấu hiệu bề ngoài, dựa trên những gì tri giác được. Giai đoạn hai thể hiện khả năng khái quát hóa và tổng hợp ở mức độ cao hơn. Với vai trò của cha mẹ và thầy cô đã giúp trẻ chỉ ra được mối liên hệ giữa các yếu tố riêng lẻ của tri thức cần lĩnh hội.
Trách nhiệm của cha mẹ
Khi bắt đầu đến trường, trẻ gặp phải những trở ngại tâm lý, như giảm sút hứng thú học tập, chán học… Vì thế, vai trò của cha mẹ là rất quan trọng, giúp cho trẻ vượt qua những khó khăn đầu tiên khi nhập trường. Bên cạnh đó, cha mẹ giúp trẻ hình thành và phát triển tính tò mò, ham hiểu biết. Nếu trong quá trình học tập trẻ được cha mẹ giúp tháo gỡ những vướng mắc sẽ tạo động lực cho chúng phát triển trí thông minh và sáng tạo. Đồng thời, cha mẹ phải giáo dục cho trẻ động cơ học tập đúng đắn. Ở giai đoạn đầu, trẻ chưa hiểu được vì sao mình phải đến trường. Thông thường, chúng thích thú bởi vì được mặc quần áo đẹp, được đeo cặp mới… Khi những cảm xúc đó qua đi, trẻ phải tiếp xúc với những kiến thức mới, phải ngồi học nghiêm túc, không được nói chuyện riêng, phải thực hiện nội quy của trường… cho nên sẽ bị căng thẳng, lo lắng. Lúc này cha mẹ là nơi cho trẻ nương tựa, xóa những băn khoăn trong học tập bằng cách xây dựng cho trẻ động cơ học tập đúng đắn. Cha mẹ luôn đặt niềm tin, sự tôn trọng, sự động viên, khích lệ… đối với con cái trong học tập, cũng như trong sinh hoạt hằng ngày chính là những công cụ hữu ích nhằm giúp trẻ hình thành và phát triển trí tuệ.
Lê Phạm
Bình luận (0)