HS tìm hiểu ngành nghề tại các gian hàng tư vấn do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức
|
Với hành trình tư vấn tuyển sinh qua các trường THPT Bình Phú, THPT Trương Vĩnh Ký, THPT Nguyễn Du và THPT Phước Long… (TP.HCM), Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp “Đúng ngành nghề, sáng tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã giúp hàng ngàn em học sinh (HS) sáng tỏ nhiều vấn đề về ngành nghề, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 cũng như cách làm hồ sơ đăng ký dự thi.
HS quan tâm đến ngành sư phạm tiểu học
Một điều rất đặc biệt trong mùa tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là khá nhiều em HS quan tâm đến ngành sư phạm tiểu học. Qua mỗi điểm tổ chức, Ban tư vấn đều nhận được nhiều câu hỏi về cách thức tuyển sinh, quy chế đào tạo cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường của ngành học này. Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp để hướng HS đến với ngành này do sự thiếu hụt giáo viên bậc tiểu học trong nhiều năm gần đây. Không chỉ tìm hiểu, các em còn đặt câu hỏi so sánh về chất lượng đào tạo của ngành này ở hai trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM vì băn khoăn không biết trường nào sẽ có… tỷ lệ SV có được việc làm cao hơn sau khi ra trường.
Trước vấn đề tưởng như nan giải này, PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn (Trưởng bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khẳng định: Hai trường ĐH Sài Gòn và ĐH Sư phạm TP.HCM đều là những trường đáng để HS thi vào nếu lựa chọn ngành sư phạm. “Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là một trong số ít trường trọng điểm của cả nước trong việc đào tạo ngành sư phạm, do đó chất lượng đào tạo giáo viên sau khi ra trường là vấn đề được nhà trường ưu tiên hàng đầu. Còn Trường ĐH Sài Gòn lại có tiền thân từ Trường CĐ Sư phạm TP.HCM, cũng là một trường có bề dày về thành tích và kinh nghiệm đào tạo giáo viên bậc tiểu học. Về cơ bản, các trường có cùng ngành nghề sẽ giống nhau khoảng 80% chương trình đào tạo vì thực hiện theo “khung” chung do Bộ GD-ĐT quy định. 20% “vốn liếng” còn lại có thể coi là sự khác biệt và cũng là “bí kíp” của từng trường. Đó có thể là sự khác biệt về cơ sở vật chất, số lượng giảng viên, truyền thống nhà trường… Và sinh viên ở cả hai trường này đều có cơ hội tìm kiếm việc làm ngang nhau, không có sự phân biệt đối xử về bằng cấp vì cả hai đều là trường mũi nhọn trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên cho TP.HCM và các tỉnh/thành lân cận”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Để tạo niềm tin cho những HS “nuôi” giấc mơ trở thành người “gõ đầu trẻ”, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết trung bình mỗi năm TP.HCM thiếu khoảng 500 giáo viên bậc tiểu học. Không chỉ bậc tiểu học, các bậc học khác như mầm non, THCS cũng đang thiếu trầm trọng. Từ nay cho đến 2015, nhu cầu giáo viên mầm non của TP.HCM tăng 28,002%; tiểu học 16,514%; THCS 17,322%. Từ 2015-2020, nhu cầu tuyển dụng giáo viên tăng 9,069% đối với mầm non; 6,785% đối với tiểu học; 13;223% đối với THCS. “Do đó, những sinh viên có hộ khẩu đóng trên địa bàn thành phố có cơ hội việc làm rất cao đối với ngành sư phạm nếu biết lựa chọn đúng đắn”, ông Trần Anh Tuấn khẳng định.
Kinh nghiệm từ thực tế
Một trong những vấn đề được nhiều HS lo xa đó là kinh nghiệm sau khi ra trường của SV. Em Lê Trần Tường Vân (HS lớp 12 B3 Trường THPT Nguyễn Du) trăn trở: “Em thấy các công ty, doanh nghiệp đều yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm ít nhất từ 2-3 năm đối với một vị trí ứng tuyển. Một số anh chị SV cũng chạy đôn, chạy đáo xin nhận xét từ một số đơn vị để bổ sung vào hồ sơ xin việc sao cho hoàn thiện. Em nghĩ các đơn vị tuyển dụng nên mở rộng cánh cửa việc làm cho đối tượng SV chứ không nên giới hạn trong khuôn khổ có kinh nghiệm mới được nộp hồ sơ tuyển dụng, vì SV mới “chân ướt chân ráo” ra trường thì kinh nghiệm lấy đâu ra?”. Đây có lẽ cũng là câu hỏi mang tính “lịch sử” mà năm nào Ban tư vấn cũng gặp phải. Dù lo khá xa nhưng đây lại là vấn đề “nhạy cảm” thiết thực không chỉ HS mà còn rất nhiều SV ngồi trên ghế giảng đường quan tâm. ThS. Trần Từ Duy (ĐHQG TP.HCM) cho hay, việc tìm kiếm kinh nghiệm từ khi còn là SV không phải là không thể. Ai cũng có một khả năng nhất định và vấn đề là phải biết khai thác tối đa khả năng đó. Ông dẫn chứng về một câu chuyện có thật: Từng có một anh SV nộp hồ sơ ứng tuyển vào vị trí trợ lý giám đốc cho một trung tâm tiếng Anh trong khi “vốn liếng” tiếng Anh và kinh nghiệm làm việc của anh này khá hạn chế. Thế nhưng, hồ sơ xin việc của anh lại vượt qua hàng trăm ứng viên và trúng tuyển vào vị trí này bởi trong bản hồ sơ xin việc, anh đã trình bày rất cụ thể về nguyện vọng, khả năng và còn kèm theo một lời hứa: Sẽ đạt điểm TOEFL 100 trong vòng mấy tháng. Anh ta đã làm được điều này và hiện nay đã trở thành phó giám đốc trung tâm tiếng Anh đã tuyển dụng mình. Kinh nghiệm không chỉ được hiểu là thời gian làm việc mà còn phải hiểu rộng ra là những kỹ năng cần thiết để ứng phó với xã hội và cách xử lý tình huống với công việc được giao. Kỹ năng đó sẽ được lấy từ các hoạt động công tác xã hội, phong trào tình nguyện các em tham gia khi còn là HS-SV như Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh… Ngoài ra, khi còn là SV ngồi trên ghế nhà trường, các em nên trải nghiệm với các công việc có liên quan đến ngành học của mình, thậm chí có thể chấp nhận đi làm không có tiền để đúc kết kinh nghiệm thực tế cho chính bản thân sau này. Và tôi nghĩ: Kinh nghiệm phải được lấy từ thực tế, từ sự phấn đấu, chất lượng của bản thân người đó trong công việc chứ không phải là từ số lượng công việc, số đơn vị làm việc mà người đó tham gia. Đó mới chính là giá trị bền vững giúp SV sau khi ra trường”, ThS. Trần Từ Duy nhắn nhủ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết trung bình mỗi năm TP.HCM thiếu khoảng 500 giáo viên bậc tiểu học. Không chỉ bậc tiểu học, các bậc học khác như mầm non, THCS cũng đang thiếu trầm trọng. |
Bình luận (0)