Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Bí ẩn ít biết về công nghệ đông xác chờ hồi sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Đông xác là phương pháp sử dụng các thiết bị đặc biệt gây chết lâm sàng rồi bảo quản con người trong điều kiện lạnh, chờ đợi được hồi sinh nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học trong tương lai.
Cryonics (tạm dịch sang tiếng Việt: đông xác) là phương pháp sử dụng các thiết bị đặc biệt gây chết lâm sàng rồi bảo quản con người trong điều kiện lạnh, chờ đợi được hồi sinh nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học trong tương lai. Tại Mỹ, nếu muốn sử dụng dịch vụ này, khách hàng phải có được sự cho phép hợp pháp cùng với túi tiền dư dả.

Trào lưu đông xác chờ hồi sinh đang lan rộng khắp thế giới

Một trong những cơ sở lớn nhất thế giới cung cấp dịch vụ làm đông lạnh người chết là Tổ chức kéo dài cuộc sống Alcor (Alcor Life Extention Foundation) ở bang Arizona, Mỹ. Hiện nay, có gần 1.000 người đăng ký tham gia dịch vụ này.
Khi “khách hàng” đã chết về mặt pháp y, nhân viên Alcor chuyển họ lên giường lạnh và dùng thiết bị hồi sức tim phổi làm cho máu lưu thông khắp cơ thể một lần nữa. Sau đó, họ sử dụng 16 loại thuốc khác nhau để giúp cho tế bào không bị hư tổn sau khi chết trước khi rút hết máu và dịch cơ thể rồi bơm chất lỏng bảo vệ nội tạng vào thay thế.

Công nghệ đông xác chờ đợi được hồi sinh nhờ những tiến bộ vượt bậc của y học trong tương lai

Cuối cùng, các nhân viên tiến hành làm lạnh thi thể 0,5 độ C mỗi giờ cho đến khi đạt tới nhiệt độ của nitơ lỏng -160 độ C sau 2 tuần. Tiếp đó, họ cho các thi thể vào tủ đông lạnh hình trụ trong tư thế đầu lộn xuống.
Do chi phí quá đắt đỏ (200.000 USD), nhiều khách hàng chỉ chọn giữ nguyên phần đầu sau khi chết với mức giá rẻ hơn, khoảng 80.000 USD. Họ tin rằng, trong tương lai các nhà khoa học sẽ kích hoạt được những tế bào não và làm não hoạt động trở lại. Một số ngôi sao nổi tiếng như Britney Spears, Simon Cowell và Larry King cũng tham gia đăng ký dịch vụ trên với hy vọng một ngày nào đó sẽ có cơ hội tái sinh sau khi qua đời.

Ca sỹ nổi danh thế giới Britney Spears được cho là tham gia dịch vụ đông xác chờ hồi sinh

Các nhà khoa học đã bước đầu thành công trong công nghệ đông xác, làm lạnh một con chuột sống đến mức độ gần như là chết, khi hầu như mọi sự trao đổi chất đều ngưng lại, sau đó làm hồi tỉnh nó thành công. Nhưng đông lạnh tử thi và hồi sinh sau hàng chục, thậm chí hàng trăm năm vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi trong giới y học.
Trong khi hàng ngàn người háo hức bỏ ra cả một khoản tiền lớn chờ tới ngày nằm trong thùng lạnh, giới khoa học vẫn đầy nghi hoặc vào khả năng hồi sinh của các xác chết. Theo y khoa hiện đại, việc hồi sinh xác chết là hoàn toàn không khả thi.

Các nhân viên pháp y xử lý xác chết trước khi tiến hành đông xác

Theo lý giải của những chuyên gia hóa sinh và các bác sỹ uy tín trên thế giới, từ trước đến nay, các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực bảo quản nội tạngcho thấy mỗi cơ quan ở cơ thể con người cần phải làm lạnh ở một tốc độ khác nhau, bằng các hỗn hợp chất đông, độ đậm đặc của chất đông khác nhau. Vì thế nên khi làm đông toàn bộ bộ, nơi mà mỗi neuron có thể có tới 10.000 điểm kết nối (một bộ não có chừng 100 tỉ neuron) đặc biệt dễ hư tổn khi đông lạnh và rã đông.
Theo BBC, Max More, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm kéo dài sự sống Alcor, thẳng thắn thừa nhận rằng chẳng có sự đảm bảo nào cho việc hồi sinh một xác chết. "Chúng tôi không biết chắc, có thể tồn tại rất nhiều sai sót".

Tính khả thi của công nghệ này vẫn chưa được khẳng định chắc chắn 

"Các hội viên của Alcor có thể phải chờ 50 hoặc 100 năm đến lúc y khoa tiến bộ đủ để hồi sinh họ. Và đó cũng chỉ là một ước tính vu vơ. Thực sự là không thể nào xác định được. Chúng tôi còn chưa biết sẽ dùng công nghệ nào để sửa chữa các hư tổn (trên các thi thể)", ông Max More cho biết.
Làm sao để người chết đi sống lại, làm sao phục hồi các hư tổn của xác chết, của bệnh tật, của tuổi già quả thực cho đến nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Và việc tin rằng khoa học tương lai có thể giải quyết được câu hỏi này thực sự cũng chỉ giống như một trò chơi may rủi mà thôi.
HT (theo khoahoc.tv)

Bình luận (0)