Mỗi bộ hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ gồm túi đựng và hai tờ phiếu ĐKDT số 1 và số 2, thí sinh có thể mua ĐKDT ở bất cứ đâu, miễn là đúng theo mẫu của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh nộp hồ sơ tại đâu, sẽ nhận giấy báo thi tại đó hoặc theo địa chỉ đã ghi trong phong bì nộp kèm với hồ sơ ĐKDT. Cách ghi hồ sơ ĐKDT được hướng dẫn đầy đủ ở mặt sau của tờ phiếu đăng ký số 2. Nếu thí sinh điền sai các tờ phiếu thì không phải mua lại cả hồ sơ mà có thể dùng bản photocoppy hoặc in lại từ cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ GD-ĐT: http://ts.edu.net.vn/.
Về nguyên tắc, một thí sinh có thể nộp nhiều bộ hồ sơ ĐKDT vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau. Tuy nhiên, trong mỗi đợt thi, thí sinh cũng chỉ có thể dự thi theo một bộ hồ sơ duy nhất của đợt đó. Như vậy, mỗi thi sinh chỉ có thể thi được tối đa 3 lần ở 3 đợt thi khác nhau:
Đợt 1: thi vào các ngày 4, 5-7-2009 dành cho các trường ĐH thi khối A và V (môn năng khiếu có lịch thi riêng). Đợt 2: thi vào các ngày 9, 10-7-2009 dành cho các trường ĐH thi các khối còn lại (môn năng khiếu có lịch thi riêng). Đợt 3 thi vào các ngày 15, 16-7-2009 dành cho các trường CĐ có tổ chức thi.
Trong trường hợp thí sinh muốn theo học tại một trường không tổ chức thi thì có thể đăng ký "nhờ" vào một trường ĐH có tổ chức thi cùng khối thi. Khi làm hồ sơ ĐKDT, thí sinh phải ghi rõ trong mục 2 và 3 của hồ sơ ĐKDT. Như vậy, thí sinh sẽ dự thi tại trường ghi ở mục 2, nhưng khi đạt điểm chuẩn trúng tuyển thì sẽ theo học tại trường ghi ở mục số 3.
Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ giống nhau về cấu trúc đề thi, cùng có phần chung và phần riêng. Các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, đề thi gồm hai phần: phần chung ra cho nội dung học giống nhau của cả chương trình chuẩn và nâng cao, phần riêng ra theo từng chương trình chuẩn và nâng cao. Với môn ngoại ngữ, đề thi chỉ có phần chung dành cho tất cả thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa hai chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, không có phần riêng. Điều cần lưu ý là khi làm bài thi tốt nghiệp, thí sinh phải làm phần riêng phù hợp với chương trình của ban mà mình được học; còn khi thi tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh được chọn một phần riêng phù hợp để làm bài. Thí sinh sẽ bị coi là phạm quy khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT chọn phần riêng không đúng với chương trình học hoặc làm cả 2 phần riêng của đề thi tốt nghiệp hay đề thi ĐH, CĐ và sẽ không được chấm điểm phần riêng.
Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, về nguyên tắc, tất cả các đề thi của Bộ sẽ được ra theo đúng cấu trúc đã công bố. Ông Ninh cũng lưu ý: Để làm bài thi tốt, thí sinh phải nắm vững kiến thức cơ bản và có kỹ năng làm bài tốt chứ không thể học tủ bởi đề thi bao quát kiến thức của cả 3 năm trong bậc THPT, trong đó chủ yếu là kiến thức lớp 12.
Bình luận (0)