Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tư vấn tuyển sinh năm 2009: Học chương trình cơ bản có thể dự thi ĐH?

Tạp Chí Giáo Dục

Tư vấn tuyển sinh năm 2009: Thí sinh không được phép chọn phần riêng?

Hỏi: Em đang học khối D (Văn-Toán-Anh). Em muốn hỏi việc xét tuyển các nguyện vọng khi thi vào Đại học, nhất là hai trường ĐH Sư Phạm TPHCM và Đại học KHXH&NV.. Liệu kì thi đại học có phải là kì thi "chặt chém loại bỏ thí sinh" như nhiều người vẫn đồn thổi? (anhvu231191@yahoo.com.vn)

* Trả lời:

Ban tư vấn không hiểu khái niệm “chặt chém loại bỏ thí sinh” của em là như thế nào. Đứng dưới góc độ của những người làm công tác tuyển sinh, Ban tư vấn có thể nhận định, kì thi ĐH được coi là kì thi nghiêm túc nhất và đây cũng là kì thi sàng lọc được thí sinh nhất.

Nguyên tắc xét tuyển của bất kì trường ĐH nào là đều lấy điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Những thí sinh chưa trúng tuyển NV1 nhưng có điểm thi trên mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định thì đều được phép tham gia xét tuyển NV2, NV3 vào các trường ĐH, CĐ có thông báo xét tuyển các nguyện vọng này. Nguyên tắc xét tuyển NV2, NV3 vẫn tuân thủ như xét tuyển NV1.

 

Em năm nay 28 tuổi và đang đi làm. Em muốn học thêm tại chức kinh tế thì học trường nào và thi như thế nào?(vugiaviet@yahoo.com.vn)

– Liên quan đến lĩnh vực kinh tế thì có nhiều chuyên ngành. Do em không nói muốn học chuyên ngành nào nên cũng khó có thể liệt kê các trường có đào tạo hệ tại chức ngành em mong muốn.

Theo Ban tư vấn thì em nên học hệ tại chức (nay gọi là hệ vừa làm vừa học) của trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là trường đào tạo khá nhiều chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực kinh tế như Kế toán, Quản trị kinh doanh,…

– Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế tuyển sinh hệ vừa học vừa làm. Nói chung việc tuyển sinh hệ này đang được siết chặt để đảm bảo tính nghiêm túc của nó.

Để được theo học trường ĐH Kinh tế Quốc Dân hệ Tại chức thì em phải dự thi 3 môn Toán, Lý, Hoá. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa hiện hành. Đề thi sẽ được lấy từ kho đề của Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT.

Em học chương trình cơ bản thì liệu có thể thi được ĐH không?

Em thi khối D, muốn hỏi môn toán khối D với khối A khối nào khó hơn?

Em định thi ĐH Ngoại ngữ – ĐHQG Hà Nội, khoá em học là khoá đầu tiên học chương trình cải cách liệu điểm chuẩn của trường có vào năm tới hạ không?

Để đạt điểm 7 trở lên môn ngoại ngữ thì cần phải chú trọng học phần nào? (i_still_loving_her@yahoo.com)

 

– Em không nên lo lắng về điều này vì đề thi ĐH sẽ không quá khó và đánh đố thí sinh.

Đề thi năm nay sẽ dành cho chương trình chuẩn (cơ bản) và nâng cao. Đề thi vẫn gồm hai phần: phần chung và phần riêng.

Ở phần chung thì sẽ đảm bảo cho cả ban cơ bản và nâng cao đều làm được còn ở phần riêng sẽ phụ thuộc vào từng khả năng của thí sinh mà thí sinh có quyền lựa chọn phần phù hợp với mình.

– Việc học chương trình cơ bản hay nâng cao không phải là điều quá quan trọng, thi ĐH là đánh giá năng lực thực của thí sinh đo đó nếu em học chắc và nắm vững kiến thức chương trình thì hoàn toàn vẫn có thể làm tốt bài thi không chỉ ở môn Toán mà ở các môn khác. Nói cách khác là để kiếm điểm 5 môn Toán không quá khó nếu em học vững và chắc.

– Thông thường thì mức độ đề thi Toán khối A sẽ khó hơn khối D một chút. Tuy nhiên sự khó dễ còn phụ thuộc vào đánh giá của từng thí sinh.

– Về việc điểm chuẩn có hạ hay không thì khó có thể nhận định vào lúc này vì nó phụ thuộc vào mức độ đề thi và khả năng làm bài của thí sinh. Tuy nhiên theo nhìn nhận của Ban tư vấn thì việc thi theo chương trình mới sẽ làm điểm chuẩn biến động theo chiều hướng giảm.

– Để đạt được điểm 7 môn Ngoại ngữ thì em nên học theo cấu trúc mà Bộ GD-ĐT ban hành. Dân trí đã đăng tải chi tiết cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ môn Ngoại Ngữ của Bộ GD-ĐT, em có thể xem tại đây.

Em là sinh viên hệ tại chức của trường ĐH An Giang. Năm nay em muốn thi lại hệ ĐH Chính quy của trường. Như vậy em có nhất thiết phải xin giấy xác nhận của trường hay không? (lamphuqui@gmail.com)

Về nguyên tắc thì sinh viên đang theo học các trường ĐH (bao gồm cả hệ tại chức và chính quy) muốn dự thi lại đều phải được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường.

Tuy nhiên, đối với hệ tại chức thì quy định này không quá khắt khe. Em có thể làm hồ sơ và xin dấu xác nhận địa phương để dự thi ĐH.

Cho em hỏi bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm chính quy nếu liên thông lên cao đẳng thì em sẽ được cấp bằng gì? Nếu được cấp bằng thì bằng liên thông của em có gì khác với bằng cao đẳng không liên thông không? (thanhha.thanhha65@gmail.com)

– Việc em được cấp bằng hệ chính quy hay hệ không chính quy còn phụ thuộc vào yếu tố em theo học liên thông hệ gì.

Nếu em thi liên thông học theo hình thức liên tục thì sẽ nhận được bằng tốt nghiệp chính quy còn nếu học theo hình thức tập chung sẽ nhận được bằng tốt nghiệp không chính quy. Do đó, trước khi dự thi em phải hỏi rõ vấn đề này.

– Nói chung là bằng tốt nghiệp của thí sinh học liên thông không có gì khác biệt so với những sinh viên học trực tiếp.

Năm ngoái em thi không đậu. Thế sang năm em thi lại thì có được công điểm khu vực không. Năm nay em thi lại thì có được về trường THPT ngày trước em học nộp hồ sơ hay nộp theo bưu điện. Lúc làm hồ sơ thì em phải xin dấu ở đâu?(anhdoctor@gmail.com)

-Theo quy định tuyển sinh thì mức điểm ưu tiên khu vực vẫn tồn tại trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 đó đó em hoàn toàn được hưởng quyền ưu tiên này.

– Do năm trước em thì không đậu nên năm nay em được coi là thí sinh tự do. Đối với những đối tượng này thì không được phép nộp hồ sơ ĐKDT tại trường THPT mà mình học trước đó mà phải nộp theo hệ thống tuyến Phòng, Sở GD-ĐT nơi mà thí sinh cư trú hoặc nộp trực tiếp cho trường thí sinh ĐKDT.

Em nên lưu ý: Thí sinh không được phép nộp hồ sơ ĐKDT qua đường bưu điện.

-Thông thường khi làm hồ sơ dự thi ĐH thì cần phải xin dấu tại UBND phường, xã nơi mình có hộ khẩu thường trú hoặc xin dấu xác nhận tại cơ quan mình đang công tác…

Ban Tư vấn Tuyển sinh

Theo Dân trí

Bình luận (0)