Hiện HS đang chịu nhiều áp lực vì chương trình khá nặng (ảnh minh họa). Ảnh: A.Khôi |
Tôi có một điều ước mong sao HS khi đến trường sẽ không còn bị áp lực đè nặng. Xã hội ngày càng phát triển thì việc giáo dục cho thế hệ trẻ là một công việc vô cùng quan trọng đối với chúng ta. Vì thế mà trường học được xây dựng, sách vở được biên soạn ra. HS đến trường để học tập những điều hay, những đạo lí làm người, những kiến thức mà sau này khi vào đời, chúng ta sẽ áp dụng để góp phần tạo ra một thế giới hoàn thiện và phát triển hơn. Nhưng đứng ở phương diện của một HS đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi nhận thấy những việc tồn tại trong học đường khiến cho HS bị áp lực tâm lý đè nặng, khả năng sáng tạo bị kìm hãm, chỉ biết học tập rập khuôn theo một mức độ định sẵn. Trò hay thì thầy phải giỏi. Ở đây không có ý nói giáo viên (GV) dạy không giỏi, mà là cái cách thầy cô truyền đạt cho HS chưa thật sự phù hợp, GV vẫn đang vô tình tạo nên một áp lực vô hình với tâm lý HS của mình. Đó là khi GV đặt ra những điều luật “hà khắc” đối với tiết học của mình, rồi khi HS vi phạm, thay vì tìm hiểu thật kĩ nguyên nhân, thì GV lập tức áp dụng hình phạt. Những điều đó gây áp lực rất lớn cho HS. Tâm lý bị đè nặng, bị áp lực thì khả năng tiếp thu sẽ giảm hẳn đi một nửa. Người ta nói “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Tuổi học trò là cái tuổi mơ mộng, hiếu động, HS ưa hoạt động hơn là bị gò bó. Thế nhưng phần lớn các trường học hiện nay, có tới hơn 80% là HS đến trường ngồi ì một chỗ nghe giảng bài, làm bài tập, kiểm tra. Học tập năng động là học tập mà trong tiết học HS được phép bày tỏ những ý kiến, là những tiết học mà HS có thể đặt câu hỏi và GV giải đáp, hướng dẫn, là những tiết học mà HS và GV sẵn sàng tranh luận với nhau, và GV lúc nào cũng có thái độ thân thiện với HS.
Tôi nhận thấy, hiện nay rất ít GV gợi được cảm hứng học tập từ HS, làm cho HS mong muốn được tìm tòi, được nhanh chóng học tiếp môn học đó mà đa phần là làm cho HS cảm thấy lo lắng khi phải học tiết học đó. Mà lí do quan trọng nhất là GV đã vô tình tạo ra quá nhiều áp lực cho HS. Và một lí do khác quan trọng không kém, GV cùng phụ huynh đặt quá nặng vấn đề điểm số lên đôi vai HS. Thiết nghĩ, muốn cho HS phát triển cần phải có một môi trường thân thiện hơn. Các tiết học nên được “cải tiến” cho sinh động hơn GV cũng cần tạo không khí hài hước, có vài phần thưởng nhỏ, và luôn luôn mỉm cười với HS… Nếu như GV tâm lý hơn, hiểu HS hơn thì điều ước này sẽ dễ dàng thành hiện thực.
P.L.H.N (HS lớp 11 Trường THPT T., TP.HCM)
LTS: Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng chương trình học của học sinh (HS) phổ thông khá nặng, nhiều kiến thức học thuộc lòng; đặc biệt có môn học trong chương trình không biết ứng dụng vào đâu trong cuộc sống…Để làm rõ hơn vấn đề này, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu bài viết của một HS xoay quanh chuyện học, mối quan hệ giữa HS và thầy cô. |
Bình luận (0)