Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mai con vào lớp 1…

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi vào lớp 1. Ảnh: H.Triều

Đó là một bước chuyển hoàn toàn mới lạ với trẻ, do đó nhiều phụ huynh đã quá lo lắng và cho con vào lò luyện trước lớp 1. Có cầu thì ắt có cung, các dịch vụ trước lớp 1 cứ mọc lên như nấm – học tại nhà cô, học tại trường hay tại các câu lạc bộ…
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiếu – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non  (Bộ GD-ĐT) – phụ huynh hoàn toàn có thể tự chuẩn bị hành trang cho con em mình vào lớp 1.
Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, ngay trong Luật Giáo dục đã quy định, học sinh vào tiểu học là 6 tuổi. Nếu học trước chương trình thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Ở mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo, việc học trước chương trình sẽ gây căng thẳng cho trẻ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học cho thấy ở lứa tuổi mầm non, nếu trẻ ngồi trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới hệ cơ, xương, nét chữ của trẻ. Ngoài ra, trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh gây mệt mỏi, loạn thị, thậm chí ngồi không đúng tư thế dễ bị vẹo cột sống. 
“Chúng tôi cũng đã từng nói đến vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lo lắng nếu chỉ học chương trình mầm non thì có đảm bảo, chuẩn bị đầy đủ tâm thế cho trẻ vào lớp 1 hay không? Phải khẳng định rằng nếu học đúng chương trình mầm non và đặc biệt là chương trình mẫu giáo 5 tuổi, trẻ đã được chuẩn bị đầy đủ vào lớp 1. Trong đó có chuẩn bị thể chất cho trẻ và chuẩn bị kiến thức. Ở chương trình mẫu giáo 5-6 tuổi, trẻ đã bắt đầu được làm quen với chữ viết, nhận biết từ số 1-10. Làm quen này là tạo tiền đề cho trẻ vào lớp 1”, bà Nguyễn Thị Hiếu cho biết.
Ngoài ra, chính phụ huynh cũng có thể tự chuẩn bị hành trang cho con mình như: Điều đầu tiên là tâm thế vào lớp 1 cho trẻ. Phụ huynh có thể trò chuyện với trẻ về môi trường trẻ sắp đến như thế nào, khuyến khích trẻ có thể nói được về môi trường mới. Cha mẹ cũng có thể giúp trẻ phát triển khả năng quan sát. Tập chú ý, phát triển khả năng thích ứng với các hoạt động như sẵn sàng hòa nhập, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành, kỹ năng giao tiếp với bạn bè. Tiếp nữa là trang bị cho trẻ những kiến thức về tự nhiên và xã hội thông qua các hình thức như cho trẻ đi tham quan, đi chơi, dã ngoại hoặc cho trẻ tham gia vào các hoạt động kể chuyện, sáng tạo… Có thể hướng dẫn trẻ thích ứng, thích nghi với hoàn cảnh, điều kiện bằng cách cho trẻ đi tham quan trường tiểu học, nếu trẻ có anh chị đang học ở trường tiểu học thì có thể tạo điều kiện thuận lợi để chuẩn bị như các hoạt động học tập của anh chị ở nhà, đồ dùng học tập, trật tự, kỷ luật trong học tập. Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, vấn đề quan trọng là giúp trẻ sử dụng thành thạo tiếng Việt để trẻ bước vào lớp 1 thông qua việc phụ huynh đọc, trò chuyện với trẻ về cuốn sách trẻ yêu thích, tạo tâm thế thoải mái đối với trẻ. Phụ huynh cũng có thể hướng dẫn trẻ cầm sách, mở sách, ngồi  viết đúng tư thế, giúp trẻ biết điều khiển bàn tay để thực hiện các thao tác gọn gàng.
Như vậy, có thể thấy quan trọng nhất đối với trẻ trước khi vào lớp 1 không phải học chữ mà là chuẩn bị tâm thế cho trẻ. Bố mẹ có thể kể những câu chuyện trong tương lai ở trường tiểu học sẽ có những gì để trẻ hình dung, háo hức. Rồi những ngày đầu trẻ bước vào môi trường mới, bố mẹ, ông bà có thể cùng trẻ chuẩn bị đồ dùng trong không khí gia đình. Chính những điều này đã cho trẻ một tâm thế vững vàng bước vào lớp 1.
Nghiêm Huê
“Phụ huynh cũng có thể hướng dẫn trẻ cầm sách, mở sách, ngồi  viết đúng tư thế, giúp trẻ biết điều khiển bàn tay để thực hiện các thao tác gọn gàng”, bà Nguyễn Thị Hiếu – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) – chia sẻ. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)