Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng: Hiệu quả từ một mô hình

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đào tạo nghề được đánh giá cao là đào tạo theo đơn đặt hàng. Việc học nghề được trả lương trong thực tế đã được thực hiện và hầu hết học sinh đều cảm thấy thực sự có ích.

Trên địa bàn Hà Nội có gần 300 trường nghề công lập và tư thục nhưng số trường áp dụng phương pháp đào tạo theo đơn đặt hàng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Hầu hết các trường nghề chỉ chú trọng vào các chương trình dạy học và tìm kiếm đầu vào, còn đầu ra cho học sinh hầu như chưa được tính đến.
Đào tạo nghề cơ, điện tử tại Trường Trung cấp nghề quốc tế Việt – Úc.
Điển hình của sự "đột phá" trong công tác tuyển sinh chính là việc tìm kiếm các đơn đặt hàng rồi mới tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề Quốc tế Việt-Úc. Phần lớn thời gian của chương trình đào tạo là gắn với môi trường làm việc thực tế của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hành nghề, người học được trả lương với mức thu nhập tối thiểu 2 triệu đồng và được nhà trường bảo đảm việc làm sau tốt nghiệp. Trường Việt-Úc chỉ tập trung đào tạo các ngành nghề chính như: Biên tập viên điện tử, bác sĩ máy tính, thiết kế thi công nội – ngoại thất, tổng đài viên, tư vấn tài chính. Riêng nghề thiết kế thi công nội – ngoại thất người học được miễn phí đào tạo. Ông Cao Đình Đức – Chủ tịch HĐQT, Phó hiệu trưởng trường cho biết: Trước khi đào tạo, nhà trường có những đợt khảo sát, nghiên cứu thị trường lao động rất kỹ và khi ký hợp đồng với các cơ sở sử dụng nhân sự thì căn cứ trên nhu cầu sử dụng của các đối tác về số lượng và tiêu chuẩn nguồn nhân lực để xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng khóa. Chẳng hạn, năm học 2011-2012, lúc đầu trường dự kiến tuyển sinh 500 em nhưng đã tăng lên 800 em do có thêm hợp đồng cung ứng của doanh nghiệp.
Để bảo đảm chất lượng đầu ra, cứ hai tháng trường tổ chức thi kiểm tra chất lượng, nếu không đạt yêu cầu của doanh nghiệp, học sinh đó bị loại để trường chủ động tìm kiếm người thay thế. Vì thế, trường chỉ tuyển sinh với quy mô nhỏ, lớp học ít người, tuyển đủ chỉ tiêu với các hợp đồng cung ứng nhân sự đã ký, không đào tạo tràn lan và đặc biệt, nhà trường giám sát kỹ tiêu chuẩn nghề, quá trình phát triển và kỹ năng của học viên để bảo đảm tạo ra những sản phẩm giáo dục nghề nghiệp tốt nhất. Nhờ vậy nhiều học sinh sau khi ra trường đã đạt được mức thu nhập tới 16 triệu đồng/tháng. Hầu hết các em làm việc cho các tổ chức nước ngoài hoặc liên doanh, một số làm việc cho các doanh nghiệp lớn trong nước như Vinafone, Viettel, tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam…
Được biết, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng từng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và đã khá thành công trong nhiều khóa đào tạo. Mô hình này cũng được áp dụng tại một số trường ở TP Hồ Chí Minh. Đó là Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Tất Thành với nghề điều dưỡng viên đã được đặt hàng sẵn từ các bệnh viện. Điều đáng nói là trường có sẵn ban liên lạc doanh nghiệp, có trách nhiệm ghi nhận những phản hồi từ phía doanh nghiệp về chất lượng sinh viên thực tập và ghi nhận những đóng góp của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo của trường. Trên cơ sở đó, trường cải tiến chương trình đào tạo cho phù hợp. Số liệu của Tổng cục Dạy nghề cho thấy, số nghề có tỷ lệ lao động tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp tương đối cao cho thấy hiệu quả thực sự của đào tạo theo đơn đặt hàng. Đó là nghề hàn: 92,47%, công nghệ ô tô: 90,1%, cắt gọt kim loại: 89,5%, điện công nghiệp: 87,38%… Năm 2010 tại các trường, mức lương khởi điểm mà doanh nghiệp trả cho học sinh mới ra trường là 3,3 triệu đồng/tháng. Có lao động nhận lương khởi điểm từ 5-6 triệu đồng/tháng. Tổng cục Dạy nghề cho biết, bắt đầu từ năm nay, đơn vị này sẽ đặt hàng đào tạo 500 sinh viên cao đẳng nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế.
Nhìn nhận từ thực tế ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, dù các trường đã đào tạo đúng hướng, nhưng thực sự họ đang thiếu sự hỗ trợ về các chính sách tổng thể. Đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm là do nỗ lực của các trường, phía doanh nghiệp chưa tham gia nhiều vào việc hỗ trợ đào tạo, thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của mình… Bản thân các trường nghề còn thiếu sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, diện tích phòng học còn chật chội, địa điểm học phải mượn tạm của doanh nghiệp hoặc phải đi thuê. Bên cạnh đó, việc xếp lương theo ngạch bậc cho những lao động này vẫn chưa được quy định cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội rất tâm huyết với mô hình này khi cho rằng mô hình đã khắc phục được yếu điểm của các trường nghề ở nước ta hiện nay. Nếu việc đào tạo này được nhiều người biết đến sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng việc làm của người lao động. Tại hội nghị lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo "Chiến lược phát triển dạy nghề, giai đoạn 2011-2020" diễn ra mới đây, rất nhiều doanh nghiệp khẳng định sẵn sàng tham gia hoạt động dạy nghề và cũng rất cần một chính sách khích lệ ưu đãi của Nhà nước, cần cụ thể hóa chính sách cho doanh nghiệp đầu tư trường cũng như ưu đãi để động viên, khuyến khích cho doanh nghiệp hỗ trợ cho đối tượng được đào tạo nghề.
Theo Kim Vũ
(HNM)

Bình luận (0)