Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thách thức cho cà phê Buôn Ma Thuột: Lơ lửng cà phê Ban Mê

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài nhưng chưa đem lại nhiều kết quả. Trong khi đó, hầu hết các công ty xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh không dán nhãn cà phê Buôn Ma Thuột khi xuất khẩu. Vì thế, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vẫn chưa được quảng bá nhiều trên thế giới.

Thu hoạch cà phê ở Buôn Ma Thuột

Quảng bá kém
Vào năm 2005, CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ độc quyền 10 năm trên diện tích hơn 100.000ha tại địa bàn 8 huyện, thị trong tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 2014, Sở KH-CN tỉnh Đắk Lắk cấp quyền sử dụng CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột cho 10 doanh nghiệp xuất khẩu (gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An, Công ty TNHH MTV Cà phê Tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư XNK Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Pốk, Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Hồ, Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cà phê 15, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên và Công ty TNHH DakMan Việt Nam) với tổng diện tích 15.086ha, sản lượng đăng ký hàng năm 46.621 tấn.
Việc dán nhãn cà phê Buôn Ma Thuột trên bao bì khi xuất khẩu sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn, nhưng chỉ có một doanh nghiệp (DN) trong tỉnh làm việc này. Vào năm 2012, Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk bắt đầu dán nhãn cà phê nhân có CDĐL Buôn Ma Thuột khi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đến hết tháng 4-2013, số lượng cà phê nhân mang CDĐL Buôn Ma Thuột bán được trên 7.000 tấn cho những nhà rang xay lớn ở các thị trường: Nhật Bản, Ukraine, Bosnia, Rumani, Bỉ, Đài Loan, Hồng Công và Nga với giá trị tăng thêm khoảng 40 – 60 USD/tấn. Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, việc dán nhãn khi xuất khẩu có thể thu được giá trị gia tăng nhưng thương mại cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột trên thị trường quốc tế chưa đáng kể do phải cạnh tranh với các loại cà phê có chứng nhận, vốn đã được các tập đoàn thương mại xuyên quốc gia cam kết mua. Trong khi đó, việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên thị trường quốc tế còn nhỏ lẻ, thiếu những chiến dịch quy mô lớn, khách hàng chưa nhận biết rõ về cà phê có CDĐL Buôn Ma Thuột.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cà phê An Thái, cà phê nhân là mặt hàng xuất khẩu mang tính toàn cầu, giá cả và phương thức thương mại chịu sự chi phối mạnh mẽ của bên mua là những nhà nhập khẩu, nhà rang xay lớn trên thế giới. Sản phẩm cà phê Robusta có CDĐL Buôn Ma Thuột chưa phải là nhu cầu thực sự của nhà nhập khẩu nên việc tạo lập thị trường rất khó khăn. Chính vì vậy, các DN xuất khẩu cà phê nhân chưa quan tâm đầu tư nhiều cho việc xây dựng và phát triển CDĐL vì họ chưa thấy ngay hiệu quả kinh tế thực sự do nó mang lại. “Vì thế, tỉnh Đắk Lắk cần phải tăng cường quảng bá hình ảnh cà phê Buôn Ma Thuột và phát triển CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột đến các DN xuất khẩu cà phê. Một khi các DN nhận thấy được lợi ích kinh tế của việc sử dụng CDĐL Buôn Ma Thuột, họ sẽ tự gắn nhãn cà phê Buôn Ma Thuột lên sản phẩm cà phê được xuất khẩu”, ông Lợi đề xuất.
Đụng hàng
Sau khi phát hiện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị một DN tại Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền tại nước này vào năm 2011, tỉnh Đắk Lắk mới bắt đầu chú trọng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, CDĐL cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài. Vào năm 2012, thương hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” đã được tỉnh đăng ký xin bảo hộ tại 17 quốc gia là những thị trường nhập khẩu chính cà phê Buôn Ma Thuột, dưới các hình thức bảo hộ khác nhau như sau: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo hệ thống Madrid, nhãn hiệu chứng nhận và CDĐL. Nhưng đến năm 2014, mới có 5 quốc gia đồng ý bảo hộ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” gồm: Đức, Tây Ban Nha và vùng lãnh thổ Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg). Tỉnh cũng đang theo đuổi nộp đơn phản đối thư tạm thời từ chối bảo hộ ở các nước: Canada, Trung Quốc, Nga và Singapore. Riêng các nước Mỹ, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và Thụy Sĩ từ chối bảo hộ với lý do gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã có trước tại các quốc gia này hoặc nhãn hiệu không có khả năng phân biệt cà phê thuộc nhóm 30. “Do tiến trình theo đuổi các vụ việc trên đây rất phức tạp và sẽ phải tốn nhiều nguồn lực, hiệp hội đã báo cáo UBND tỉnh tạm thời dừng theo đuổi đơn tại các quốc gia này, tìm hiểu thêm sự việc, xin ý kiến tư vấn để có những đối sách phù hợp. Quá trình tiếp tục theo đuổi đơn ở 7 quốc gia còn lại cũng sẽ là một quá trình hứa hẹn nhiều thử thách, cần có sự chung sức của các thành viên hiệp hội cũng như sự tiếp tục hỗ trợ của các cấp chính quyền”, ông Trịnh Đức Minh cho hay.
Thông qua việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, tỉnh Đắk Lắk cũng phát hiện thêm thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã bị một số doanh nghiệp ở Mỹ và Canada đăng ký bảo hộ từ cách đây trên chục năm khi tỉnh chưa nghĩ tới việc bảo hộ tài sản trí tuệ của địa phương. Ông Trịnh Đức Minh chia sẻ: “Một lần nữa, đây là bài học nhắc nhở chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn sự cần thiết, tầm quan trọng cũng như có hành động kịp thời trong việc bảo hộ, bảo vệ tài sản trí tuệ, nhất là các tài sản chung của cộng đồng như chỉ dẫn địa lý, không chỉ của cà phê mà của cả những nông sản có tiềm năng xuất khẩu khác”.
Ngoài thách thức phải đối phó với “cà phê bẩn” được chế biến tràn lan trên địa bàn tỉnh, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đang gặp khó trên tiến trình đưa thương hiệu xâm nhập thị trường cà phê toàn cầu.

CÔNG HOAN

(SGGP)

Bình luận (0)