Tâm lý của phụ huynh muốn cho con vào học trường có cơ sở vật chất tốt (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Thời điểm này, dù chưa kết thúc năm học nhưng nhiều phụ huynh đã lên kế hoạch tìm trường tốt cho con học. Việc chạy đua vào trường điểm không chỉ khổ phụ huynh và học sinh mà còn khổ cho nhiều ngành, nhiều người…
Khổ cho ngành giáo dục địa phương
Hằng năm, cứ vào trung tuần tháng 6 là các trường tiểu học, THCS lại tấp nập, rộn ràng hẳn lên mặc dù thời điểm này đang là mùa hè. Tại sao lại có nhiều phụ huynh đến trường sớm như thế? Câu trả lời rất dễ hiểu là “Tìm trường điểm, trường tốt cho con”. Chính vì lẽ đó, phụ huynh phải đến trường càng sớm càng tốt để mong kiếm được một chỗ cho con mình học tại các trường đang… “hot” trong thành phố. Đó là nhu cầu thật sự của phụ huynh vì mong muốn con mình được học trong một môi trường tốt, cơ sở trang thiết bị đầy đủ để có thể phát triển vững vàng. Và, vì mong muốn đó của phụ huynh dẫn đến việc ngành giáo dục địa phương bị quá tải bởi đơn xin vào học trường A hay B là điều không tránh khỏi như những năm gần đây. Việc này đã dẫn đến những sự việc không hay. Năm ngoái tại một trường điểm của Hà Nội đã xảy ra tình trạng phụ huynh phải xếp hàng từ khuya đến sáng và làm sập cả hàng rào khi chen lấn vào trường lấy hồ sơ nhập học lớp 1. Sự chọn lựa của phụ huynh khi đổ dồn về một vài trường có cơ sở vật chất khang trang đã làm đau đầu ngành giáo dục tại địa phương bởi sẽ có rất nhiều hệ lụy từ việc làm này của phụ huynh.
Khổ cho nhà trường
Khi đã xin được cho con vào trường, phụ huynh lại khổ một phen nữa là nghe ngóng thông tin truyền miệng rằng giáo viên A dạy tốt, chăm kĩ; giáo viên B thì không bằng… Vì vậy, phụ huynh lại tìm cách trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo nhà trường hay gặp chính giáo viên mà phụ huynh khác giới thiệu để năn nỉ cho con được vào học lớp cô này, lớp thầy kia. Đây lại là một nỗi khổ nữa cho nhà trường vì phải cân đo, sắp xếp lớp theo ý nguyện của phụ huynh và dẫn đến tình trạng sĩ số lớp không đồng đều trong cùng một trường. Không đáp ứng thì phụ huynh phản ứng này nọ, mà đáp ứng thì lại khổ cho việc điều hành, dạy dỗ của giáo viên.
Một nỗi khổ nữa mà khi phụ huynh tìm mọi cách để con mình vào trường điểm, trường tốt đã không nghĩ đến là việc con có được học trong một lớp khang trang với sĩ số chuẩn đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT hay không? Cứ thử đảo qua một vài trường, chúng ta dễ dàng bắt gặp một lớp học mà sĩ số có thể lên đến 40-50 học sinh, các em ngồi học rất vất vả, giáo viên chủ nhiệm khổ sở vì phải xoay xở với bằng ấy học sinh trong một thời lượng quá ngắn, và sẽ không kịp để theo sát từng em như các trường không tuyển sinh được nhiều, chỉ có khoảng 30-35 học sinh/lớp. Việc “chạy trường” như thế liệu có tốt cho việc học của các em hay không? Có giải quyết được tình trạng giáo viên sẽ có cơ hội… dạy thêm một cách tràn lan hay không? Đây không phải là việc giáo viên muốn mà do phụ huynh đã đẩy giáo viên vào nỗi khổ này.
Tóm lại, việc “chạy trường” như hiện nay, theo tôi không phải chỉ khổ cho phụ huynh, mà cái khổ đầu tiên là của ngành giáo dục không giải quyết được sự đồng đều về sĩ số học sinh giữa các trường, của chính giáo viên chủ nhiệm và của bản thân học sinh không được chăm chút chu đáo vì lớp quá đông.
Trần Duy (Phú Nhuận)
Bình luận (0)