Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Mối nguy từ đồ chơi trẻ em

Tạp Chí Giáo Dục

Đồ chơi là vật dụng quen thuộc, gắn liền với hoạt động vui chơi hàng ngày của trẻ, góp phần vào việc hình thành, phát triển tính cách trẻ. Theo đó, mặt hàng đồ chơi trên thị trường ngày càng đa dạng, hấp dẫn nhưng cũng nảy sinh những mối nguy hiểm.
Hiện nay, thị trường đồ chơi trẻ em tràn ngập các mặt hàng với đủ kiểu dáng, mẫu mã, giá cả cho khách hàng chọn lựa. Tùy theo sở thích, túi tiền, ai cũng có thể chọn mua những món đồ chơi phù hợp cho trẻ, từ những mặt hàng thông dụng như quả bóng nhựa, chiếc xe vặn dây cót có giá vài ngàn đồng đến chiếc ô tô, máy bay điều khiển từ xa giá trên dưới vài triệu đồng. Nhưng những mặt hàng đắt khách nhất hiện nay đều là hàng ngoại nhập, đa số là hàng Trung Quốc, nhất là những bộ đồ chơi ăn theo phim ảnh, truyện tranh thiếu nhi. Phải thừa nhận nhiều món đồ chơi đạt đến độ tinh xảo, với mẫu mã, tính năng có sức hấp dẫn không riêng gì trẻ em như bộ siêu nhân vũ trụ với đủ máy bay, tàu chiến, súng đạn, chỉ cần bấm công tắc là xông vào đánh đấm, bắn nhau loạn xạ, đủ cả âm thanh, hành động như thật. Bộ búp bê duyên dáng với những con búp bê to bằng em bé thật, bật công tắc là có thể khóc cười, hát múa, làm duyên… như thật. Tuy nhiên nhiều mặt hàng hấp dẫn trên thị trường đồ chơi lại đang tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường cho trẻ, trong đó không ít loại có tính chất kích động bạo lực, phản giáo dục như súng đạn, gươm giáo. Những mặt hàng này đã bị cấm bán từ nhiều năm nay, nhưng trong thực tế, chúng vẫn được nhập, được bán đầy rẫy trên thị trường. Có những món hàng mà tính năng bạo lực đến độ tinh xảo nên càng hết sức nguy hiểm như cây bút, chiếc bật lửa mà hễ mở nắp bút hoặc bật lửa là bật ngay ra một lưỡi dao nhọn hoắt hay bị điện giật vừa đến độ tê điếng.
Bên cạnh mối nguy đầu độc tâm hồn trẻ thơ, nhiều loại đồ chơi còn có nguy cơ gây hại trực tiếp cho sức khỏe của trẻ. Một số đồ chơi có chất thải công nghiệp, trong đó có các sợi thảm bẩn, giấy và bao mì ăn liền đã qua sử dụng, nhất là thú nhồi bông có chứa vi khuẩn độc hại. Trong khi đó, trẻ em chơi xong thường cho tay vào miệng, thậm chí ngậm đồ chơi.
Thật đáng sợ khi đồ vật trẻ em chơi hàng ngày lại tiềm ẩn những nguy cơ độc hại như vậy. Đã đến lúc cơ quan chức năng phải có những thông báo chính thức để cảnh báo các mối nguy này đến người tiêu dùng. Đối với các bậc phụ huynh, nên cẩn trọng khi lựa đồ chơi cho trẻ. Tốt nhất chọn những cơ sở sản xuất trong nước, có uy tín đã có sự giám sát của ngành chức năng. Đừng để sự thiếu hiểu biết của người lớn vô tình tạo ra những nguy hiểm khó lường đối với trẻ em.
Lê Quang Huy
(GV Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)