Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trơ lỳ tâm lý tuổi dậy thì

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi thầy cô giáo đóng vai trò là nhà tâm lý giúp học sinh vượt qua sự xáo động của lứa tuổi (ảnh minh họa). Ảnh: N.Quang

Trơ lỳ tâm lý là một hiện tượng xã hội thường gặp ở tuổi thiếu niên, biểu hiện ở mức độ các em tiếp nhận chậm chạp hoặc chối bỏ sự tác động giáo dục của mọi người. Các em tìm cách xa lánh môi trường giáo dục, tìm đến các nhóm bạn đồng cảm, hành động theo thói quen đã hình thành và dễ rơi vào hư hỏng.
Lần nào cũng vậy, khi gặp tôi, anh Tiến Nam (ngụ ở Long Khánh, Đồng Nai) – một người bạn đồng hương – cũng phàn nàn về đứa con trai của anh đang học lớp 8. Anh buồn rầu tâm sự: “Hết thuốc chữa cho thằng bé rồi cô ạ, bây giờ có mắng chửi đánh đập nó cũng chẳng ăn thua gì. Nó vẫn chứng nào tật nấy!”. Anh kể thêm: “Vừa rồi nó bỏ học cả tuần chẳng thèm đến lớp. Sáng nó ngồi sau xe tôi chở đi đến trường, chiều tôi đến đón về. Vậy mà, tôi vừa đi khuất tầm mắt là nó bỏ học luôn. Nghe đâu nó còn kết băng với mấy đứa hư hỏng ngoài xã hội…”. Trông vẻ thất thần và nét khắc khổ hằn trên gương mặt gầy của anh, không ai có thể thấu hiểu nỗi bất lực của người cha trước đứa con có biểu hiện trơ lỳ về tâm lý.
Chuyện con anh Tiến Nam chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà ta bắt gặp hiện nay. Đang là tuổi ăn, tuổi học, tích lũy tri thức để vào đời nhưng ngày càng có nhiều thiếu niên bỏ qua mọi điều dạy dỗ của bố mẹ, của nhà trường, chạy theo sự lôi kéo, cám dỗ ở các phòng game, quán cà phê… và không ít em đã phạm tội ở độ tuổi dậy thì.
1.001 lý do
Tuổi thiếu niên là tuổi đang rất nhạy cảm với các tác động của giáo dục. Tại sao các em lại thường có biểu hiện trơ lỳ tâm lý? Đó chính là các em muốn khẳng định bản thân nhưng chưa có sự hiểu biết cơ bản, định hướng được giá trị cuộc sống, hình thành những thói quen, những phẩm chất xấu. Trong khi đó, môi trường xã hội hiện nay tràn lan những cám dỗ. Nhiều phụ huynh bận công tác hoặc lo kiếm sống không thường xuyên quan tâm tới con hoặc quan tâm nhưng không đạt được mục đích giáo dục như đáp ứng mọi yêu cầu của các em về tiền bạc, phương tiện xe cộ, máy điện thoại… Các thói quen xấu từ đó hình thành và bám chặt vào nhân cách các em đến mức rất khó thay đổi. Một nguyên nhân khác là do những sai lầm trong công tác giáo dục ở gia đình và nhà trường.
Ở gia đình, nguyên nhân sự trơ lỳ tâm lý của các em phần nhiều là do bị bố mẹ phân biệt đối xử, thiếu nguyên tắc trong giáo dục. Cùng là con cái nhưng các em cảm thấy bố mẹ không quan tâm đến mình; không cho các em quyền giải thích khi có những điều làm bố mẹ không vừa lòng. Để giành lại sự quan tâm của bố mẹ, các em thường có phản ứng ngược như không nghe lời, gây gổ, quậy phá, bỏ học… và từng bước hình thành các thói quen xấu. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khá phổ biến là do bố mẹ sử dụng roi vọt quá nhiều với con, đến mức các em mất đi chỗ dựa tình cảm thiêng liêng của mình và “quen” dần với sự trừng phạt của bố mẹ. Có em còn thẳng thừng tuyên bố với bố mẹ rằng muốn đánh bao nhiêu thì đánh…
Còn ở nhà trường, nhiều em có học lực yếu, hoặc có tâm lý cá biệt do những nguyên nhân nào đó gây ra, thay vì gần gũi, quan tâm động viên, phối hợp cùng với gia đình tìm ra biện pháp hữu hiệu để giáo dục các em thì ngược lại thầy cô lại xa lánh, lạm dụng xử phạt, thậm chí mắng chửi làm cho các em trở nên mặc cảm, tự ti và sống thu mình. Để tồn tại theo cơ chế phòng vệ, các em dần thích nghi với các tác động xử phạt của thầy cô, coi kỷ luật là chuyện thường tình. Đến một mức độ nhất định các em trở nên khó bảo, hung hăng, lỳ lợm. Và đây là thời điểm các em xa dần nhà trường, gia đình sa vào cám dỗ để giải tỏa sự dồn nén, bức bách trong tâm lý của mình.
Đồng hành cùng trẻ
Con cái là tương lai của gia đình. Tương lai ấy sáng tối thế nào phụ thuộc phần lớn vào cách thức giáo dục của gia đình và nhà trường. Để làm tốt trọng trách ấy bố mẹ hãy là người bạn tốt, biết lắng nghe con nói, đặc biệt là biết sử dụng các phương pháp giáo dục một cách khoa học, trong đó lấy thuyết phục, động viên, khuyến khích, nêu gương làm chủ đạo; hạn chế đến mức thấp nhất phương pháp xử phạt để thúc đẩy cái tốt cái tích cực ở các em phát triển.
Trong bất kỳ tình huống nào bố mẹ cũng không nên dùng các hình phạt quá mức, có thể bằng các biện pháp khuyên giải nhẹ nhàng, giúp con hiểu rõ những sai trái lỗi lầm; đồng thời cũng tránh xung đột trước mặt con cái, điều này dễ hình thành những vết hằn tâm lý, nếu như vết hằn đó được củng cố và quen thuộc cũng là nguyên nhân của sự trơ lỳ, trẻ dễ rơi vào trạng thái lãnh cảm với sự trừng phạt, thậm chí có trẻ còn tìm cách chống đối.
Chúng ta dạy trẻ không tránh khỏi những hình phạt nhưng hình phạt phải mang lại tác dụng giáo dục mới có ý nghĩa cho sự trưởng thành của trẻ. Bố mẹ luôn nghiêm khắc nhưng không phải hà khắc, thương yêu con  mà không chiều chuộng, càng tôn trọng nhưng đặt ra yêu cầu cao.
Bên cạnh đó, thầy cô giáo cần tập cho các em những kỹ năng cần thiết, hình thành ý thức tập thể, không đối xử bằng cách trừng phạt với học sinh nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt (khiếm khuyết trong gia đình…). Ngoài ra, mỗi thầy cô giáo cũng đóng vai những nhà tâm lý để có thể hỗ trợ các em vượt qua sự xáo động của lứa tuổi, xử lý tốt các tình huống nảy sinh…
Phương Lan
Tuổi vị thành niên là bước ngoặt quan trọng, giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn. Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ, hãy làm điểm tựa tinh thần giúp các em vượt qua những khó khăn để vững vàng ở người trưởng thành.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)