Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn ngành vì… cha mẹ

Tạp Chí Giáo Dục

Chuyên gia tư vấn tuyển sinh đang tư vấn cho phụ huynh về vấn đề chọn ngành nghề cho con

Một ngành nghề được chọn sẽ gắn bó với người học cả đời, vì vậy thí sinh đừng theo đuổi lĩnh vực nào đó chỉ vì muốn làm vui lòng cha mẹ hoặc người khác!
Thực tế, chọn sai ngành không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học ĐH mà còn khiến người học áp lực, đau khổ…
“Thích một đằng, chọn một nẻo”
“Em không thích ngành ô tô nhưng buộc phải học cho vừa lòng ba mẹ, thật sự em thấy học ngành này… bẩn và lem luốc lắm” – đây là bộc bạch của một học sinh đang học năm cuối bậc trung cấp.
Ở một bậc học cao hơn, sinh viên Lê Văn Chính ngay khi chưa tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã lại ôm hồ sơ đi đăng ký thi vào một trường đào tạo khối ngành y dược. Chính cho biết, những gì em “được” là kiến thức nhưng cái “mất” lại là thời gian và những áp lực khi buộc phải theo học một ngành không yêu thích. Thậm chí, có giai đoạn chính bản thân em đã “đau khổ” khi phải tham gia những giờ học mà em không hề hứng khởi, thực tập trong những môi trường mà em không thấy đam mê. Đến năm thứ 3 ĐH, em đã thôi thúc mình sẽ “làm lại cuộc đời” bằng một ngành học mong đợi. 
Tại một hội nghị tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2013 mới được tổ chức tại TP.HCM, một thí sinh cũng đã bày tỏ băn khoăn trước việc lựa chọn vào ngành luật, một ngành mà em chưa thực sự yêu thích nhưng được gia đình hướng vào vì các anh chị trong nhà đều đã học và khởi nghiệp thành công. Theo phân tích của Ban tư vấn, có nhiều lợi thế khi em lựa chọn một ngành nghề mà gia đình đã có người theo đuổi, từ nguồn tài liệu, kinh nghiệm học tập đến liên hệ chỗ thực tập và cả nguồn việc làm sau khi ra trường. Tuy nhiên, chỉ khi thí sinh không còn một niềm đam mê “đặc biệt” nào khác và nhắm thấy bản thân mình đủ sức lẫn khả năng thích nghi thì mới nên theo đuổi.
Thực tế, vì nhiều lý do, năm nào cũng có chuyện cha mẹ chọn ngành thay cho con và hậu quả là nhiều bạn trẻ phải “gồng mình” suốt 4-5 năm để theo học một lĩnh vực mà họ không yêu thích. Thông thường, mỗi thí sinh nộp trung bình 2 hồ sơ cho một kỳ thi tuyển. Trong đó, không ít trường hợp chọn nộp một ngành cho sở thích của mình và một ngành riêng cho nguyện vọng của cha mẹ. Và nếu lỡ may không đậu “nguyện vọng chính”, xác suất các em phải học vì… người khác là khá cao.
Chọn sai, tai hại!
Tại những kỳ tuyển sinh, thông thường nghề nghiệp thí sinh yêu thích và muốn được theo đuổi nhất đã nằm ở nguyện vọng 1. Đến nguyện vọng 2 và 3, cơ hội hẹp hơn do chỉ tiêu “co” lại khiến tâm lý thí sinh căng thẳng, áp lực. Khi đó, việc các em chọn học một ngành phù hợp với đam mê càng trở nên… xa vời. Thậm chí, không ít em vì sợ trượt thêm một lần nữa đã miễn cưỡng chọn đại một ngành bất kỳ miễn sao hợp với điểm số mình có và được học… ĐH. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH cho biết, số thí sinh đậu các nguyện vọng 2, 3 thường ít yêu nghề và học kém hơn những em khác. Nhưng đây mới chỉ là những hệ lụy trước mắt. Về lâu dài, như cách ví von của một chuyên gia tư vấn, việc chọn nghề giống như chọn…  người yêu vậy, chúng ta phải chung sống và có trách nhiệm với nó cả đời. Vì vậy, nếu lỡ chọn sai, người học sẽ tiếc nuối, thậm chí… vô cùng đau khổ.
Còn 3 ngày nữa, thí sinh kết thúc nộp hồ sơ theo tuyến các sở GD-ĐT, thời điểm nước rút này đòi hỏi thí sinh phải có những quyết định sáng suốt. Việc lựa chọn ngành nghề cần dựa trên sở thích, năng lực, điều kiện, nhu cầu xã hội và nhất định không thể bỏ qua ý kiến định hướng của nhà trường, cha mẹ. Tuy nhiên, trên hết, chính các em phải xác định, một ngành nghề nào đó mà hôm nay mình đặt bút đăng ký vào sẽ là cho chính cuộc đời của mình sau này. Sẽ thật vô nghĩa nếu lựa chọn đó chỉ vì ý nguyện hay làm vui lòng người khác…
Bài, ảnh: Thục Trân
60% thí sinh chọn sai ngành
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết, thống kê từ các cuộc khảo sát có 60% thí sinh chọn sai ngành, con số học sinh nắm rõ thông tin về ngành học chỉ khiêm tốn và ít ỏi là 5%. Ngoài ra, 20% thí sinh hiểu biết tương đối đầy đủ.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)