Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cảnh báo tai nạn ở trẻ: Kỳ cuối: Phụ huynh là… tác nhân

Tạp Chí Giáo Dục

Một ca phẫu thuật cho trẻ bị tai nạn thương tâm. Ảnh: T.HIỀN

BS.CK1 Nguyễn Minh Hằng (Phó khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) cho biết: “Thời gian gần đây, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhi bị các tai nạn thương tâm do sự bất cẩn, sơ ý của cha mẹ. Những tai nạn này để lại hậu quả hết sức nặng nề về mặt tâm lí, thẩm mỹ và thậm chí cả sức khỏe”.
1. Mới đây, bệnh nhi N.V.S (5 tuổi, quê Tây Ninh) đã phải nhập viện cấp cứu do gặp tai nạn khi được bố chở ngồi phía trước xe Honda trong tình trạng say xỉn nên đã đâm thẳng vào xe tải đậu sát lề đường. Lúc nhập viện, ai nhìn bé cũng thấy sợ và bất ngờ vì toàn bộ vùng miệng, môi bị rách nát, một phần môi trên gần đứt lìa, gãy xương hàm dưới, gãy toàn bộ răng cửa hàm trên và hàm dưới, chảy máu rất nhiều gây sự hoảng hốt cho gia đình và bệnh nhân. Sau đó các BS đã cố định xương hàm dưới, cắt lọc và tạo hình vùng miệng, mặt, ổ răng cho bệnh nhân. BS. Hằng cho biết: “Khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Nhi đồng 1 liên tục nhận cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn rất phức tạp do người lớn uống rượu và chở bé ngồi phía trước. Khi gặp tai nạn người ngồi trước thường bị nặng hơn và đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra”. BS. Hằng khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh cần lưu ý khi chở con trẻ tham gia giao thông, tuyệt đối tránh tình trạng say xỉn, khi chở trẻ trên xe gắn máy, nếu trẻ trên 6 tuổi nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm cẩn thận, còn nếu chở trẻ nhỏ nên ràng địu trẻ một cách chắc chắn để tạo sự an toàn khi chở trẻ trên đường phố đông đúc”.
2. Là người trực tiếp cấp cứu nhiều ca bệnh bị tai nạn nặng, BS. Hằng tâm tư: “Sau mỗi tai nạn, chúng tôi cũng đã cảnh báo với các bậc phụ huynh trên trang web của bệnh viện nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra. Vào cuối tháng 10 vừa qua, bệnh viện cũng tiếp nhận một bé gái 8 tuổi, ngụ ở Tây Ninh chuyển đến trong tình trạng mặt bị nhiều vết thương do chó cắn. Khám thấy toàn bộ vùng mặt bên trái của bé có nhiều vết rách lớn nhỏ, có chỗ lòi cơ nham nhở, đặc biệt vành tai trái gần như đứt lìa, vết thương chảy nhiều máu. Bệnh nhân trong trạng thái hoảng hốt và liên tục kêu đau. Người nhà cho biết khi chó đang ăn thì bé đến gần nên theo bản năng tự nhiên chó đã phản ứng lại bằng động tác lao vào cắn bé. Bệnh nhân nhanh chóng được trấn an, sát trùng, gây tê tại chỗ, cắt lọc vết thương, khâu tạo hình vành tai trái và vùng hàm mặt. Ngay ngày hôm sau, lại một  bé trai 2 tuổi phải nhập viện cấp cứu vì chạy té vào đàn chó nên bị chó cắn nát cả gương mặt, rất thương tâm”. Do đó các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý, chó tuy là động vật rất gần gũi với đời sống con người, nhưng bản năng hoang dã đã khiến chúng có những phản ứng rất quyết liệt trong giai đoạn đang ăn, ngủ, nuôi con… Do vậy, khi bị chó cắn ngoài chích ngừa dại phụ huynh nên chích ngừa thêm cho bé huyết kháng chống vi khuẩn uốn ván (SAT). BS. Hằng nhấn mạnh: “Để tránh tai nạn do chó cắn, người nuôi chó nên nhốt hoặc xích chó lại, không thả chạy rông trong nhà hoặc đeo mõm chó lại trước khi cho tiếp xúc với người xung quanh. Đặc biệt cần lưu ý là phải đưa chó đi chích ngừa dại định kỳ để đảm bảo an toàn cho người khác. Đối với trẻ nhỏ hiếu động nên hạn chế tiếp xúc với chó trong phạm vi quá gần để tránh nguy hiểm”.
3. Trung tuần tháng 12 vừa qua, bệnh viện cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân A. (7 tuổi, ngụ TP.HCM) phải nhập viện cấp cứu do trong giờ ra chơi bé đập mặt vào ghế đá khi đang nô đùa với bạn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, bộ răng vĩnh viễn không còn do cú va đập quá mạnh. BS. Hằng chia sẻ: “Những ca bệnh gặp tai nạn từ trường học cũng khá nhiều. Chính vì vậy, trong giờ ra chơi giáo viên cần quản lý các em chặt chẽ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các tai nạn này thường xảy ra vào ngày cuối tuần, nghỉ hè hoặc sau giờ học… Trẻ thường rất hiếu động và có đôi khi “nghịch dại” nên ở nhà, cha mẹ phải để ý đến trẻ thường xuyên, ở trường cần có sự quản lý chặt chẽ sát sao của cô giáo”.
Nghiêm Quế

Bình luận (0)