Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Tác dụng của bảng xếp hạng học sinh quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Học sinh Pháp nhận bằng khen cuối nămTổ chức Quốc tế đánh giá khả năng học sinh (PISA: Program for internationals tudent assesment) đã làm nhiều nước bị “sốc” khi đưa ra bảng xếp hạng. Có hân hoan tự hào, có bực mình tự ái. Đó là chuyện thường. Nhưng nhìn chung việc xếp hạng cũng có một tác dụng tích cực: Mỗi nước phải nhìn lại thực chất nền giáo dục của mình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Thụy Sĩ (vùng nói tiếng Pháp) nói: “Ở Thụy Sĩ, trước và sau khi công bố bảng xếp hạng của PISA, nhận định về tình hình giáo dục có khác nhau. Thứ hạng trung bình của Thụy Sĩ đã gây một “cú sốc”, vì lâu nay ai nghĩ rằng giáo dục Thụy Sĩ là vào loại nhất!”. Thụy Sĩ không phải là nước cá biệt. Bảng xếp hạng đã gây sốc cho nhiều nước về mặt truyền thông và chính trị. Việc đánh giá khả năng học sinh 15 tuổi về “đọc hiểu”, toán, và khoa học đã dấy lên trong dư luận nhiều ý kiến, xúc cảm khác nhau. Báo chí nhanh nhạy nhất. Một tờ báo Đức viết: “Một vực biển thẳm cho học sinh Đức” (4-12-2001); tờ Le Monde: “Nước Pháp, học sinh kém tệ hại trong bảng xếp hạng” (5-12-2001), còn tờ Times: “Phải chăng cuối cùng chúng ta là người dốt nhất?” (6-12-2001).

Trong các nước có thể chế Liên bang, bảng xếp hạng của PISA là một dịp cho các bang so sánh nhau. Ví dụ ở Bỉ, vùng Flamands được xếp hạng rất cao, vùng Wallon đứng gần bét. Ở Thụy Sĩ thì quận Genève không còn “lên mặt” vì kết quả tệ hại so với vùng khác.

Ở những nước lâu nay vẫn tự hào về nền giáo dục ưu việt, kết quả kém trong bảng xếp hạng đã làm nổ ra những cuộc tranh luận nảy lửa, không chỉ giới hạn trong ngành giáo dục, mà biến thành “cãi vã chính trị”. Đặc biệt ở Đức, nước bị xếp gần cuối bảng, dư luận đòi xét lại cách quản lý giáo dục lâu nay, mà họ cho là “thủ phạm”. Các nguyên nhân được đem ra mổ xẻ: số giờ học buổi sáng bị giới hạn, yếu kém của giáo dục mầm non, không có một chương trình giáo dục quốc gia nhất quán, quản lý giáo dục phân tán… Ở Bang Wallon (Bỉ) trình độ khác biệt giữa học sinh cũng bị “chính trị hóa”. Kết quả kém trong bảng xếp hạng là đề tài cuộc tranh luận ở Đan Mạch. Dư luận hỏi: Tiền đầu tư lớn cho giáo dục lâu nay đi đâu? Kết quả sút kém của học sinh Nhật là đầu đề của cuộc tranh luận sôi nổi trong ngành. Nói tóm lại bảng xếp hạng không phải chỉ “đụng” đến ngành giáo dục, mà còn là mối quan tâm đặc biệt của chính quyền và xã hội rộng rãi, có khi dẫn đến những vấn đề quốc sách.

Riêng nước Pháp vẫn tỏ ra đứng ngoài cuộc. Trong hai lần xếp hạng trước họ chẳng để ý gì đến kết quả, hơn nữa họ còn vạch ra những khiếm khuyết trong cách làm của PISA. Nhưng bắt đầu từ năm 2006 thái độ đã có thay đổi. Điều đó thể hiện trong những lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Xavier Darcos, ngay trước khi kết quả xếp hạng được công bố.

Trong nhiều nước, cú sốc PISA đã thúc đẩy những cuộc cải tổ giáo dục. Ở Thụy Sĩ chính PISA dẫn đến sự thành lập dự án Harmos đầy tham vọng về “điều chỉnh hài hòa các cấu trúc và lập những tiêu chuẩn của giáo dục cưỡng bách”. Ở Đức và Nhật, bảng xếp hạng của PISA thúc đẩy những cuộc cải tổ giáo dục sâu rộng, dựa vào kết quả đánh giá khả năng học sinh thường xuyên và thực chất hơn.

Trong bối cảnh đó cũng có thái độ “không thân thiện” với PISA. Ngay như ở Thụy Sĩ, có 10 trên 11 quận đề nghị  giảm bớt việc tham gia các kỳ kiểm tra của PISA với lý do là “hao tốn công quỹ”! Ở Đức, các cuộc trắc nghiệm quốc gia để đánh giá khả năng học sinh được phát triển, vì “thực chất hơn đánh giá của PISA”.

Tác dụng của PISA lên dư luận và chính sách giáo dục ngày nay là đối tượng nghiên cứu của một đề án  châu Âu có tên là Knowpol. Tại sao giới truyền thông ngày nay lại quan tâm đặc biệt đến giáo dục? Bảng xếp hạng của PISA có vô tư không, và có được giới truyền thông sử dụng một cách đúng đắn không, hay đã biến thành một lý do để hợp thức hóa những quyết định soạn thảo trước? Người ta hy vọng trong năm 2008, vấn đề này sẽ được sáng tỏ.

Phan Thanh Quang

(Trong Sciences Humaines số 1/2008)

Bình luận (0)