Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Hiệu trưởng không phải là “quản gia”

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ông Trương Đình Mậu- Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD. Ảnh: Bảo AnhNếu như trước đây chúng ta vẫn quan niệm nhà quản lý giáo dục của một cơ sở như ông quản gia làm việc theo mệnh lệnh thì giờ đây người quản lý đó phải là một người đứng đầu trong cơ sở giáo dục của mình- ông Trương Đình Mậu, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) cho biết.

Bắt đầu từ năm học 2008-2009 và kéo dài đến hết năm 2010, chương trình bồi dưỡng cho 3 vạn hiệu trưởng trường phổ thông trên cả nước sẽ được tiến hành.

Đề án này được bắt đầu từ khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Việt Nam ký với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Singapore một Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực GD-ĐT trong tháng 4/2007. Theo đó, Singapore sẽ phối hợp giúp đỡ Việt Nam trong việc bồi dưỡng hiệu trưởng các trường phổ thông.

Tháng 12/2007, lớp bồi dưỡng thí điểm đầu tiên với 33 hiệu trưởng các trường phổ thông đã được thực hiện tại Singapore.

Tuy nhiên, nếu tổ chức cho cả 3 vạn hiệu trưởng sang nước bạn học tập thì sẽ không đủ kinh phí. Chính vì vậy, cách thức bồi dưỡng sẽ là tổ chức bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn của Việt Nam tại Singapore. Kết thúc khóa học, đội ngũ này có trách nhiệm vừa xây dựng chương trình, vừa tham gia giảng dạy lại tại các lớp bồi dưỡng hiệu trưởng trường phổ thông ở trong nước.

Nội dung các chuyên đề bồi dưỡng hiệu trưởng được xây dựng dựa trên mô hình trường học ưu việt đã áp dụng thành công tại Singapore trên cơ sở kế thừa và đúc rút kinh nghiệm giáo dục tiên tiến của nhiều nước trên thế giới.

Kế hoạch là trong năm 2008 sẽ bồi dưỡng cho 150 giảng viên nguồn cấp quốc gia và 320 giảng viên nguồn cấp tỉnh, thành phố với phương thức 1 tuần học ở Việt Nam và 2 tuần tại Singapore. Khóa học đầu tiên cho đội ngũ giảng viên nguồn đã được bắt đầu từ tháng 3/2008 với 37 người tham gia. Đến thời điểm này, đã có 5 lớp nguồn cấp quốc gia và 10 lớp nguồn cấp tỉnh, thành phố hoàn thành khóa học.

Kinh phí thực hiện có từ các nguồn chính: Quỹ Tamasec của Singapore, nguồn hỗ trợ từ ngân sách của Bộ GD-ĐT đối với chi phí ăn ở, học tập trong nước, nguồn địa phương hỗ trợ…

Sau đề án này thì liệu chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng có tiếp tục được kế thừa và cải tiến không, thưa ông?

– Đến năm 2009, chúng tôi sẽ xây dựng một chương trình bồi dưỡng căn bản, khoảng 3 tháng, dành cho cán bộ quản lý các cấp học để thay thế cho chương trình hiện hành. Khi chương trình này được phê duyệt thì chắc chắn sẽ có những thay đổi đáng kể.

Nếu như trước đây chúng ta vẫn quan niệm nhà quản lý giáo dục của một cơ sở như ông quản gia làm việc theo mệnh lệnh thì giờ đây người quản lý đó phải là một người đứng đầu trong cơ sở giáo dục của mình. Là người có khả năng tập hợp lực lượng, có tính chủ động sáng tạo trong điều hành, quản lý và đặc biệt là có tính tự chịu trách nhiệm.

Nghĩa là từ trước đến nay, các cán bộ quản lý giáo dục vẫn được đào tạo nhưng chương trình đào tạo này đã lạc hậu?

– Nhắc lại một chút, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD đã được đặt ra từ sau Cách mạng tháng Tám. Đến năm 1974, Chính phủ có quyết định về công tác bồi dưỡng giáo viên và CBQLGD. Tuy nhiên, từ đó đến năm 1997, văn bản vẫn không thay đổi trong khi tình hình thực tế đã thay đổi rất nhiều. 

Do đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành một chương trình dùng để bồi dưỡng cho CBQLGD các cấp gồm 4 phần được thực hiện trong vòng 3 tháng với 450 tiết và được thực hiện cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng này chủ yếu vẫn theo phương pháp truyền thống. Từ năm 2000 tuy đã có những chuyển biến nhất định nhờ có nhiều dự án tập trung đầu tư cho lĩnh vực này nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu thống kê thì hầu như cán bộ quản lý đều được qua các lớp bồi dưỡng. Tuy nhiên, kinh phí để chi trả hầu hết phụ thuộc vào địa phương chứ không căn cứ vào nhu cầu bồi dưỡng. Do đó, bên cạnh những địa phương “trường vốn” thì còn rất nhiều nơi mỗi năm chỉ có vài chục triệu.

Như thế, dẫn đến tình trạng dù đã qua bồi dưỡng, nhưng có những CBQLGD đến hàng chục năm sau vẫn chưa được quay vòng. Thậm chí, đội ngũ cán bộ mới được bổ nhiệm cũng chưa thông qua các lớp bồi dưỡng. Ví dụ, Thanh Hóa có những hiệu trưởng đi học các lớp bồi dưỡng này từ trước năm 1997 nhưng đến nay vẫn chưa hề được bồi dưỡng lại.

Về phổ thông là như vậy, nhưng ở bậc ĐH, CĐ xem ra việc này không đơn giản, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

– Đúng là không hề đơn giản khi các hiệu trưởng vì nhiều lý do ít “chịu” đi học. Nếu có thì chỉ là lãnh đạo cấp phòng, ban. Việc học chủ yếu tập trung theo các chuyên đề, các môđun bồi dưỡng có tính thời sự (như quản lý tài chính, học chế tín chỉ…).

Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT chủ trương làm sao để thu hút hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ, TCCN tham gia vào các lớp bồi dưỡng này. Chính vì vậy, đích thân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng các thứ trưởng, lãnh đạo vụ, cục chức năng của Bộ đã tham gia giảng bài trong 15 ngày. Nội dung chủ yếu tập trung vào các chuyên đề như: đổi mới tư duy trong quản lý GD-ĐT; thực trạng và yêu cầu đổi mới GD ĐH trong giai đoạn hiện nay; vận dụng kinh nghiệm của quốc tế trong quản lý GD ĐH của nhà trường…

Hai lớp bồi dưỡng này đã thu hút được khoảng 70 hiệu trưởng, hiệu phó các trường ĐH. Phát huy hiệu quả đó, đến hết năm 2008, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành 6 lớp bồi dưỡng với khoảng 180 hiệu trưởng trường ĐH, CĐ và khoảng 360 hiệu trưởng TCCN và đến hết năm 2009 sẽ cố gắng tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 400 hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

 Xin cảm ơn ông!

Bảo Anh (vnn.vn)

 

 

Bình luận (0)