Trong quá trình giáo dục, giáo viên cần nắm vững tích cách HS. Ảnh: N.Q
|
Hoạt động sư phạm của nhà giáo bên cạnh việc trang bị cho học sinh (HS) kiến thức thì việc giáo dục hình thành tính cách tốt đẹp ở các em là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Tính cách là một trong những thuộc tính tâm lý cơ bản của nhân cách, tính cách có những biểu hiện rất phong phú đa dạng. Trong mỗi con người có cả những nét tính cách được coi là ưu điểm song cũng có mặt còn hạn chế; vì vậy hiểu biết một cách khoa học về tính cách để từ đó có những biện pháp tác động, uốn nắn hình thành và phát triển những tính cách tốt đẹp cho HS là một trong những yêu cầu đối với hoạt động sư phạm của người giáo viên.
Ở mỗi con người có nhiều nét tính cách, có nét tính cách tốt bên cạnh đó có những nét tính cách được coi là nhược điểm. Những tính cách tốt như: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm; những nét tính cách xấu như: Không trung thực, lười biếng, ích kỉ… Tính cách là sự biểu hiện cụ thể bộ mặt đạo đức của cá nhân, quy định phương thức hành vi của con người (cách cư xử) trong các mối quan hệ, có ảnh hưởng quan trọng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự hoàn thiện phát triển nhân cách. Người giáo viên hiểu được tính cách HS đồng nghĩa với việc nắm được khả năng diễn biến tâm lý và thái độ hành vi của các em trong học tập, lao động, sinh hoạt và ứng xử trong các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và người xung quanh. Điều đó cho phép giáo viên dự báo tin cậy về thái độ và hành vi có thể diễn ra ở HS, trên cơ sở đó chủ động tìm giải pháp điều chỉnh, điều khiển thái độ, hành vi theo hướng tích cực.
Trong cấu trúc tính được chia thành hai nhóm nét tính cách sau:
Nét tính cách biểu thị hệ thống thái độ, hành vi
Tính cách biểu hiện ra bên ngoài thông qua hệ thống thái độ, hành vi; tuy nhiên không phải tất cả mọi hành vi, cử chỉ của cá nhân đều là biểu hiện của tính cách mà chỉ những hành vi, cử chỉ, cách ứng xử đã trở thành thói quen, thành “nét riêng” của cá nhân mới biểu hiện tính cách của cá nhân đó.
|
Đây là hệ thống thái độ của HS trong hoạt động và giao tiếp, được biểu hiện ở thái độ đối với xã hội; đối với học tập, lao động; đối với bản thân và đối với người khác trong hoạt động, giao tiếp hàng ngày. Đây là nhóm nét tính cách cơ bản biểu hiện tập trung nhất bộ mặt đạo đức của con người, dễ nhận thấy trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể là thái độ hành vi đối với xã hội: Đó là nét tính cách biểu thị thái độ đối với Tổ quốc, với quê hương đất nước. Trong đó thái độ hành vi tích cực: Yêu quê hương đất nước, có lòng tự hào tự tôn dân tộc; mong muốn học tập tốt, tu dưỡng tốt để trở thành công dân tốt; phấn đấu góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thái độ hành vi tiêu cực: Không có tình cảm yêu quý, trân trọng với tình yêu quê hương; không có mong muốn được cống hiến xây dựng đất nước… Thứ hai là thái độ hành vi đối với người khác (thái độ đối với cha mẹ, thầy cô, bạn bè…). Thái độ hành vi tích cực: Tôn trọng, quan tâm, thương yêu giúp đỡ người khác, chân thành, thẳng thắn, tế nhị… Những thái độ hành vi tiêu cực: Ích kỷ, thiếu tôn trọng… Thứ balà thái độ hành vi đối với học tập, lao động. Thái độ hành vi tích cực: Chăm chỉ, tích cực trong học tập, lao động, tôn trọng thành quả lao động… Thái độ hành vi tiêu cực: Lười biếng, cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong học tập và lao động. Thứ tư là thái độ hành vi đối với bản thân mình. Thái độ hành vi tích cực: Nghiêm khắc, tự trọng, khiêm tốn… Thái độ hành vi tiêu cực: Tính tự cao, tự đại, thiếu tự trọng…
Nét tính cách thuộc các phẩm chất tâm lý
Nét tính cách này bao gồm đặc điểm về phẩm chất trí tuệ, đặc điểm về cảm xúc tình cảm, đặc điểm về phẩm chất ý chí. Tính cách có những đặc điểm cơ bản như: Tính phong phú, thuần nhất, độc đáo, cân bằng. Mỗi thuộc tính có những đặc điểm khác nhau, bổ sung hỗ trợ cho nhau góp phần tạo nên tính phong phú của nhân cách.
Người giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cần nắm vững đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, đặc điểm của tính cách để có biện pháp giáo dục tính cách tốt đẹp cho HS. Cụ thể là: Điều khiển, điều chỉnh hành vi của các em cho phù hợp với yêu cầu của hoạt động và giao tiếp. Giáo dục thái độ sống tích cực đáp ứng đòi hỏi về chuẩn mực đạo đức. Gần gũi với HS, định hướng giúp đỡ các em tự giáo dục, tự hoàn thiện tính cách. Trong quá trình giáo dục người giáo viên cần nắm vững tính cách của HS, đặc biệt là những HS hiếu động, có cá tính, có những tác động hợp lý để xây dựng những nét tính cách tốt và sửa đổi những nét tính cách không phù hợp; thường xuyên quan tâm giáo dục và tổ chức hoạt động để hình thành, phát triển ở mỗi HS các thuộc tính tâm lý nhân cách tích cực phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội; hình thành ở các em phẩm chất đạo đức tốt đẹp, trở thành những công dân tốt cho đất nước.
Phạm Thị Ngần (Giảng viên tâm lý)
Theo tâm lý học, tính cách là một thuộc tính tâm lý nhân cách, được tạo nên bởi sự kết hợp độc đáo những đặc trưng tâm lý điển hình, ổn định trong các hiện tượng tâm lý ở cá nhân, qua đó biểu hiện sắc thái, cách thức riêng về thái độ và hành vi của từng người. |
Bình luận (0)